Chấm dứt thí điểm hợp nhất ba văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND

02:07, 10/07/2020
.
Sáng nay (10/7), Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa 14 thông qua tại kỳ họp thứ 9.
 
Giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng thư ký Quốc hội - Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật cho biết nhiều điểm mới của luật lần này.
 
ĐBQH chỉ có một quốc tịch Việt Nam
 
Cụ thể, để đảm bảo tính chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tránh xảy ra vi phạm trong quá trình bầu cử ĐBQH như nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14, luật lần này bổ sung một khoản quy định về tiêu chuẩn quốc tịch đối với ĐBQH. Theo đó, luật quy định, ngoài những tiêu chuẩn chung, ĐBQH có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
 
Ngoài ra, luật lần này tăng tỉ lệ ĐBQH chuyên trách ít nhất 40% trong tổng số ĐBQH. Quy định này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự giới thiệu tham gia ứng cử ĐBQH hoạt động chuyên trách từ Quốc hội khóa 15 sắp tới.

 

Từ đó, tăng cường tính chuyên nghệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. 
 
Một trong những điểm mới khác của luật lần này được ông Giang nhấn mạnh là việc đổi tên Uỷ ban (UB) Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thành UB Văn hóa Giáo dục; đổi tên UB Về các vấn đề xã hội thành UB Xã hội từ nhiệm kỳ QH khóa 15 tới đây.
 
"Việc đổi tên của hai UB này là để đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, thể hiện được lĩnh vực hoạt động chủ yếu của cơ quan", ông Giang lý giải.
 
Luật Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội cũng quy định chuyển tiếp để xác định lộ trình hoàn thành việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh.
 
Theo đó, Văn phòng Đoàn ĐBQH được thành lập theo Nghị quyết của UB Thường vụ Quốc hội. Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tại các tỉnh thành thực hiện thí điểm tiếp tục hoạt động cho đến khi Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh được thành lập để tham mưu, giúp việc, phục vụ chung hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND. Việc thành lập Văn phòng này phải hoàn thành trước 1/7/2021.
 
Theo lý giải của ông Giang, việc thí điểm hợp nhất 3 văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND sau hơn một năm thực hiện cho thấy, việc tổ chức một Văn phòng giúp việc chung cho ba cơ quan chưa thực sự đáp ứng mục tiêu đề ra là nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc cho ba cơ quan này.
 
Việc này cũng chưa rõ được vai trò tham mưu trong trong hoạt động giám sát và quản lý, điều hành giữa cơ quan đại diện với cơ quan quản lý.
 
Vì vậy, theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã chấm dứt việc thực hiện thí điểm hợp nhất ba văn phòng theo Nghị quyết 580 của UB Thường vụ Quốc hội và quyết định sẽ tổ chức Văn phòng tham mưu, giúp việc chung cho Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh. Còn văn phòng tham mưu, giúp việc, phục vụ riêng cho UBND cấp tỉnh…
 
Vai trò, trách nhiệm của thanh niên
 
Giới thiệu nội dung cơ bản của Luật Thanh niên 2020, Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, luật lần này không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thanh niên mà quy định vai trò, trách nhiệm của thanh niên.
 
Quy định này làm cơ sở pháp lý định hướng cho thanh niên rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu nâng cao trách nhiệm đối với dân tộc, đất nước, xã hội, gia đình và đối với chính bản thân thanh niên như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh:
 
“Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”; “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nhà nước đã làm cho mình những gì mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải thế nào cho lợi ích nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”.
 
Ngoài ra, ông Tuấn cho biết, luật dành một điều quy định tháng 3 hàng năm là Tháng thanh niên nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên.
 
Luật cũng dành một điều quy định việc đối thoại với thanh niên nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, phù hợp với thực tiễn đặt ra để giải quyết các kiến nghị, đề xuất của thanh niên…
 
Luật Thanh niên 2020 có 7 chương, 41 Điều và đã sửa đổi toàn diện (tăng 1 chương, 5 điều so với luật năm 2005).
 
Thêm tổ chức giám định công lập
 
Giới thiệu luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho hay, một trong những điểm mới của luật lần này là thành lập thêm tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự.
 
Việc này để góp phần đảm bảo đáp ứng kịp thời yêu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử được thu thập ngày càng tăng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án nói chung và các vụ án tham nhũng, kinh tế nói riêng.
 
Cụ thể luật quy định tại khoản 5 Điều 12 về “Phòng giám định hình sự thuộc VKSND tối cao”. Đây là tổ chức giám định tư pháp công lập mới có tính chất đặc thù, bên cạnh hệ thống tổ chức giám định kỹ thuật hình sự hiện hành.
 
Luật lần này cũng bổ sung quyền được bảo vệ khi hoạt động giám định và được bố trí vị trí phù hợp khi tham dự phiên tòa của người giám định.
 
Việc này để bảo đảm điều kiện cho người giám định tư pháp có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.
 
Cụ thể, Điều 23 của luật bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của người giám định, trong đó có quyền đề nghị người trưng cầu giám định hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cảu bản thân hoặc người thân của họ và quyền được bố trí vị trí phù hợp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa…
 
Cũng trong sáng nay, 7 luật khác cũng được công bố gồm: Luật Xây dựng (một số quy định có hiệu lực từ 15/8 này); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
 
Cả 10 luật này đều có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021.
 
Thu Hằng/VietNamNet

.