(Báo Quảng Ngãi)- Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24.4.2020 quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Quyết định 15). Quyết định này nhằm cụ thể hoá Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9.4.2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Nghị quyết 42). Tuy nhiên, chính sách lớn này liệu có đến kịp thời với những nhóm đối tượng thụ hưởng hay không còn phụ thuộc nhiều vào thực tế triển khai của các ngành liên quan và chính quyền cơ sở.
Thực tế lâu nay cho thấy, từ khi ban hành cho đến khi đưa chính sách đi vào cuộc sống thường có độ trễ quá dài. Bởi có rất nhiều chính sách Chính phủ đưa ra rất kịp thời, nhưng khi triển khai thực hiện thì lại chậm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách. Trong khi đó, gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng lần này là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta.
Chính sách này chưa từng có tiền lệ, trong khi đối tượng thụ hưởng rất rộng và nhiều, với khoảng 20 triệu người. Vì thế, không ít ngành, địa phương còn tiếp tục chờ hướng dẫn của bộ, ngành liên quan để thực hiện cho chắc ăn. Bởi theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, sau khi có quyết định của Thủ tướng, Bộ sẽ có thông tư chi tiết để các địa phương dựa vào đó khảo sát, đánh giá và lên danh sách cụ thể.
Ngay ở Quảng Ngãi, việc thống kê đối tượng người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội; đối tượng hộ nghèo, cận nghèo… không quá khó (vì danh sách có sẵn - PV). Tuy nhiên, hai nhóm đối tượng là hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm và người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3, Điều 98 của Bộ luật Lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 - 6.2020 hiện vẫn chưa có số liệu cụ thể. Vì thế, khi nào hai đối tượng này được thụ hưởng chính sách vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Có lẽ dự lường chính sách có độ trễ, nên với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ thật kịp thời, chính xác. Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kịp thời chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể bằng văn bản trong trường hợp cần thiết đối với những nội dung thuộc lĩnh vực được giao quản lý, điều hành.
Theo Quyết định 15, lộ trình ban hành quyết định hỗ trợ cho nhóm đối tượng chỉ kéo dài tối đa 10 ngày. Điều này đòi hỏi các ngành, địa phương cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, chạy đua với thời gian, để thực hiện chính sách này đảm bảo tính chính xác, nhưng cũng phải kịp thời. Bởi những đối tượng thụ hưởng rất mong tiền hỗ trợ của Chính phủ sẽ đến tay họ trong thời gian sớm nhất, vì “một miếng khi đói” sẽ ý nghĩa và ấm áp đến nhường nào.
HOÀNG HÀ