Để phát triển bền vững

09:12, 07/12/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đến nay, việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của tỉnh ta đã kết thúc. Dù có nhiều cố gắng trong công tác lãnh đạo, điều hành, song tỉnh ta vẫn không có được niềm vui trọn vẹn, vì chỉ có 15/18 chi tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ GRDP không tính sản phẩm lọc hóa dầu chỉ đạt 10,3%, trong khi kế hoạch năm 2019 đề ra tăng từ 12 - 12,5%.
 
Trong số 3 chỉ tiêu không đạt có chỉ tiêu về tổng thu ngân sách, nguyên nhân do hụt thu từ NMLD Dung Quất khoảng 3.400 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, nền kinh tế tỉnh ta phụ thuộc quá nhiều vào hiệu quả hoạt động của NMLD Dung Quất.
 
Kết quả đạt được nêu trên đã và đang đặt ra cho tỉnh nhiều thách thức không nhỏ trong công tác lãnh đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, vì thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2015 - 2020 không nhiều. Trong khi đó, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX có tác động không nhỏ đến việc định hướng, đề ra các chỉ tiêu trong quá trình xây dựng Văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
 
Theo nhận định sơ bộ của một số thành viên trong Tổ nghiên cứu, khảo sát của Tiểu ban văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, thì nền kinh tế của tỉnh trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 tiếp tục có bước phát triển mới, song tính bền vững không cao. Nguyên nhân, do hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và vừa, công nghệ lạc hậu, nên sản phẩm có tính cạnh tranh thấp.
 
Các sản phẩm chủ lực của tỉnh có tham gia xuất khẩu chỉ dừng lại ở khâu sơ chế, gia công, nên giá trị gia tăng đối với sản phẩm thấp. Công tác thu hút đầu tư trong và ngoài nước có nhiều khởi sắc, song phần lớn các doanh nghiệp chưa đầu tư hết vốn đã đăng ký ban đầu, giản tiến độ thực hiện dự án, hoặc không triển khai dự án theo đúng tiến độ, làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh.
 
Bên cạnh đó, tình trạng “chảy máu chất xám”, tài nguyên khoáng sản, ô nhiễm môi trường, thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản, hiệu quả kinh tế của một số dự án đầu tư không như kỳ vọng; công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều hạn chế; đồng thời gia tăng các vụ khiếu kiện đông người, tranh chấp đất đai... cũng tác động không nhỏ đến sự phát triển bền vững đối với nền kinh tế và sự ổn định xã hội trên địa bàn tỉnh.
 
Do đó, để tỉnh ta phát triển bền vững, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư trong và ngoài nước; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư; trọng dụng đội ngũ trí thức... thì cần quan tâm đến công tác đảm bảo môi trường sống của người dân, gắn với công tác đảm bảo an sinh xã hội, nhất là người dân nằm trong vùng phải thu hồi đất để phát triển kinh tế, đồng bào miền núi và hải đảo. Phát huy quyền làm chủ của người dân trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
 
Đức Nguyễn
 

.