Cán bộ, công chức 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ có thể bị buộc thôi việc

10:11, 25/11/2019
.
Chiều 25-11, với 426 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 88,2% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
 
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức gồm 3 điều, trong đó Điều 1 quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức; Điều 2 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức; Điều 3 nêu hiệu lực thi hành của Luật từ ngày 1-7-2020.
 
Việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức có một số điểm đáng chú ý như bổ sung quy định “tiếp nhận” đối với “cán bộ, công chức cấp xã” vào làm việc ở bộ máy cơ quan nhà nước cấp huyện trở lên; không đưa định nghĩa về người có tài năng cũng như người có tài năng trong hoạt động công vụ vào Luật; bổ sung, làm rõ các trường hợp thuộc diện xét tuyển công chức, trường hợp được tiếp nhận vào làm công chức không qua thi tuyển. 
 
Về xếp loại chất lượng cán bộ, căn cứ vào kết quả đánh giá, cán bộ được xếp loại theo 4 mức: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ.
 
Luật cũng quy định: “Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ đối với cán bộ có 2 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ”.
 
Tương tự, việc xếp loại chất lượng công chức cũng có 4 mức như xếp loại chất lượng cán bộ. Những công chức không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp có thể bị buộc thôi việc.
 
Luật quy định 6 hình thức kỷ luật đối với công chức gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc.
 
Trong đó, hình thức Giáng chức, Cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; hình thức Hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
 
Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật. Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
 
Tại Điều 2, Luật quy định cụ thể các loại hợp đồng làm việc. Trong đó, hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng, áp dụng đối với người được tuyển dụng làm viên chức kể từ ngày 1-7-2020, trừ trường hợp cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 của Luật này và người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
 
Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng, áp dụng đối với trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 1-7-2020.
 
Đối với hợp đồng làm việc xác định thời hạn, trước khi hết hạn hợp đồng làm việc 60 ngày, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ký kết tiếp hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức. Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập còn nhu cầu, viên chức đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải ký kết tiếp hợp đồng làm việc với viên chức. 
 
Trường hợp không ký tiếp hợp đồng làm việc đối với viên chức thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
 
Cũng trong chiều 25-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
 
Theo Hà Nội mới

 


.