Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị bãi bỏ ngay 6 loại quỹ ngoài ngân sách, trong đó có Quỹ bảo trì đường bộ; xác định rõ lộ trình bãi bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu...
Phiên họp thứ 36 của UBTVQH (Ảnh: TTXVN) |
Chiều 13/8, UBTVQH tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách (QTCNNS) nhà nước giai đoạn 2013 - 2018”.
Địa phương có quá nhiều Quỹ
Trình bày báo cáo của Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải thông tin, báo cáo giám sát được xây dựng dựa trên 119 báo cáo từ các cơ quan, các quỹ, từ hoạt động giám sát tại các địa phương, từ các cuộc làm việc với 19 quỹ, 8 địa phương, các bộ, ngành chức năng.
Qua giám sát cho thấy, trong giai đoạn vừa qua, việc thành lập và hoạt động của các Quỹ đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu đề ra, góp phần thúc đẩy xã hội hóa, huy động thêm nguồn lực tài chính trong xã hội thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng, giảm bớt gánh nặng cho NSNN.
Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về các QTCNNS. Cụ thể, nguồn tài chính hình thành các QTCNNS còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo hoạt động độc lập với NSNN. Nguồn thu của một số QTCNNS còn phụ thuộc vào NSNN hoặc có nguồn thu trùng với nguồn thu của NSNN trong khi các nguồn thu khác không đáng kể, chưa phù hợp với quy định tại Luật NSNN năm 2015.
Nhiều Quỹ được NSNN cấp vốn điều lệ chưa đảm bảo theo yêu cầu khi thành lập Quỹ và kéo dài trong nhiều năm. Trong điều kiện các QTCNNS còn phụ thuộc lớn vào ngân sách, việc không đủ vốn điều lệ để hoạt động đã gây rất nhiều khó khăn và không đảm bảo thực hiện có hiệu quả việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các Quỹ.
Đoàn giám sát cũng chỉ ra, một số Quỹ có nguồn thu từ đóng góp bắt buộc của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định. Các khoản đóng góp được tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu sản xuất kinh doanh hoặc trên thu nhập của người lao động, đây có thể được coi là một khoản thuế doanh thu đánh trên các sản phẩm hàng hóa dịch vụ hoặc giá trị tài sản mà người sử dụng, người mua phải trả tạo thêm khoản đóng góp cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, dư nguồn tại nhiều Quỹ ở trung ương và địa phương còn lớn. Trong khi NSNN bố trí cho đầu tư phát triển kinh tế còn khó khăn, nguồn lực đầu tư chủ yếu là vốn vay, một số Quỹ khác thiếu nguồn để hoạt động thì việc dư nguồn rất lớn tại các Quỹ này là sự lãng phí nguồn lực tài chính rất lớn.
Đoàn giám sát cũng chỉ rõ, có quá nhiều Quỹ tại địa phương làm phát sinh nhiều chi phí quản lý và tổ chức biên chế. "Tại các địa phương có rất nhiều QTCNNS, mặc dù báo cáo của các địa phương chưa đầy đủ số số lượng Quỹ, tuy nhiên các địa phương trung bình có khoảng 10-15 Quỹ; việc thành lập quá nhiều Quỹ theo quy định của các luật chuyên ngành, các Nghị định của Chính phủ và của địa phương làm phân tán nguồn lực, tăng chi phí quản lý và phát sinh thêm tổ chức, bộ máy, biên chế" - Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cho hay.
Từ các tồn tại được đánh giá như trên, Đoàn giám sát cho rằng, có trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội khi xem xét, ban ban hành các Luật chuyên ngành đã quy định cho phép thành lập nhiều QTCNNS (19 Luật) nhưng chưa đánh giá được hết những tác động trên nhiều mặt, đồng thời công tác giám sát việc quản lý, sử dụng các QTCNNS chưa được quan tâm; cùng với trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong hai nhóm vấn đề, đó là: trách nhiệm trong vai trò quản lý nhà nước; trách nhiệm trong tổ chức thực hiện.
Đề nghị bãi bỏ ngay hàng loạt Quỹ
Qua hoạt động giám sát, Đoàn giám sát đề xuất việc hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan và tái cơ cấu các QTCNNS.
Theo đó, đối với các Quỹ về an sinh xã hội (Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp), đề nghị sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội và các Nghị quyết của Trung ương về chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội, mở rộng đối tượng tham gia.
Đoàn giám sát đề nghị nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền để bãi bỏ ngay đối với các Quỹ sau: Quỹ bảo trì đường bộ trung ương; Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp; Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS; Quỹ hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế và Quỹ hỗ trợ vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; Quỹ Phòng chống thiên tai.
Bên cạnh đó, Đoàn giám sát đề nghị nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền để xác định rõ lộ trình bãi bỏ đối với một số Quỹ sau: Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá; Quỹ bình ổn giá xăng dầu; Quỹ dịch vụ viễn thông công ích.
Ngoài ra, Đoàn giám sát đề nghị thực hiện việc sáp nhập đối với các Quỹ trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, phương thức hoạt động, đối tượng phục vụ hoặc trùng lặp về đối tượng hoặc trùng với nhiệm vụ chi của NSNN và thực hiện cơ cấu lại hoạt động đối với một số Quỹ./.
Phạm Thanh/Báo điện tử ĐCSVN