Khi nghị quyết đi vào cuộc sống

10:12, 17/12/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Huyện ủy Trà Bồng đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về: Phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện; phát triển đô thị; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Trà Bồng, giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030.
 
[links()]
 
Qua triển khai thực hiện, các nghị quyết chuyên đề đã từng bước đi vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Phát triển cây dược liệu
 
Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Đặng Minh Thảo cho hay, Ban Thường vụ Huyện ủy Trà Bồng đã thành lập ban chỉ đạo, phân công, phân nhiệm cho các đồng chí huyện ủy viên, ủy viên ban thường vụ huyện ủy theo dõi, chỉ đạo việc triển khai thực hiện các nghị quyết chuyên đề trên. Đến nay, nhìn chung 3 nghị quyết đã được bố trí nguồn lực thực hiện và mang lại những kết quả ban đầu. Trong đó, việc thực hiện nghị quyết về phát triển cây dược liệu đã hình thành những mô hình trồng cây gừng gió và quế mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân trên địa bàn huyện, đặc biệt là đồng bào Cor có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo.
 
Các nghệ nhân Trà Bồng thể hiện tiết mục đấu chiêng.
Các nghệ nhân Trà Bồng thể hiện tiết mục đấu chiêng.
Huyện Trà Bồng hiện có 5.240ha quế, hằng năm thu hoạch từ 1.800 - 2.000 tấn vỏ quế khô. Cây gừng gió (gừng sẻ) khoảng 3ha, cho sản lượng hơn 3 tấn/năm. Các cây dược liệu khác như tam thất và sâm bảy lá đang được trồng thử nghiệm tại thôn Quế, xã Trà Bùi. Bên cạnh đó, người dân còn khai thác, mua bán và trồng tự phát nhóm cây dược liệu có trong tự nhiên như sâm cau, đẳng sâm, mơ gan, thiên niên kiện, sâm bách bộ, hoàng đắng, mật nhân, mã tiền... Để phát triển cây dược liệu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Trà Bồng chọn các xã Sơn Trà, Hương Trà, Trà Phong, Trà Xinh, Trà Thanh và Trà Tây để trồng 20ha gừng gió, định hướng phát triển lên 30ha vào năm 2030. Tại xã Sơn Trà, đồng bào Cor cũng đã trồng thử nghiệm cây sâm 7 lá và mơ gan đỏ. Hai loại cây dược liệu này đang phát triển tốt.
 
Theo ông Đặng Minh Thảo, nghị quyết về phát triển cây dược liệu nhằm quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trong tự nhiên và gây trồng, khoanh vùng bảo vệ các loại cây thuốc quý hiếm. Việc phát triển cây dược liệu sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa... Huyện Trà Bồng đang mở rộng diện tích trồng quế, xây dựng vùng chuyên canh gừng gió bản địa và di thực một số cây dược liệu có giá trị đem trồng ở vùng có thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng và nhân rộng các mô hình thử nghiệm hiệu quả.
 
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống
 
Nghị quyết chuyên đề về "Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Trà Bồng, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030" là quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Trà Bồng trong gìn giữ và phát huy nét văn hóa đặc trưng riêng có của đồng bào Cor. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, năm 2022, huyện Trà Bồng đã thành lập Câu lạc bộ Văn hóa Cor xã Trà Thủy và sẽ nhân rộng ra các xã, thị trấn của huyện. Huyện cũng đang huy động nguồn lực đầu tư xây dựng Làng văn hóa dân tộc Cor ở xã Trà Thủy để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Cor...
 
Đến nay, hầu hết các cơ sở giáo dục ở Trà Bồng đã đưa trang phục truyền thống của đồng bào Cor vào trường học. Theo đó, vào thứ hai hằng tuần, học sinh mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình đến trường. Các trường còn lồng ghép truyền dạy nhạc cụ dân tộc, các làn điệu dân ca, dân vũ... cho học sinh. Ngoài ra, các cơ sở đoàn trong huyện đã triển khai việc dạy đánh cồng chiêng, hát dân ca, múa cà đáo... cho đoàn viên, thanh niên, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cor.
 
Ngoài ra, huyện Trà Bồng còn mời những nghệ nhân truyền dạy cho lớp trẻ những kỹ năng, kỹ thuật đánh chiêng, chế tác và chơi các nhạc cụ truyền thống, tập các làn điệu dân ca, dân vũ... Nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An, một người tâm huyết với văn hóa truyền thống của dân tộc Cor cho biết, tôi luôn lo lắng vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Cor, nếu không truyền dạy cho lớp trẻ thì nhiều nét văn hóa sẽ mất đi. Điều đáng mừng là hiện nay, không chỉ cấp ủy, chính quyền quan tâm đến việc bảo tồn văn hóa, mà lớp trẻ đã biết giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Cor.
 
Bài, ảnh: TRÍ PHONG
 
 
 

.