Tháng 8-2020 trùng với thời gian bán hàng thấp điểm của thị trường ô tô Việt Nam song hành với dịch Covid-19 đã gây ra những khó khăn không nhỏ cho tình hình kinh doanh ô tô tại Việt Nam.
Thị trường tiếp tục suy giảm mạnh
Theo số liệu công bố ngày 10-9 của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và một số đơn vị khác, doanh số thị trường ô tô trong nước tháng 8-2020 chứng kiến suy giảm nghiêm trọng. Tổng cộng có 20.655 xe được giao tới tay người tiêu dùng, giảm 14% so với tháng trước đó.
Do chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu phân phối, xe lắp ráp trong nước bán ra trong tháng 8-2020 cũng chứng kiến mức giảm tới 20% (đạt 12.869 xe) so với tháng trước đó.
Nếu cộng dồn 8 tháng đầu năm, doanh số thị trường ô tô giảm tới 24% so với cùng kỳ năm 2019. Những mẫu xe phổ biến rơi vào nhóm “ế” nhất trong tháng vừa qua là Honda HR-V (13 xe), Honda Accord (24 xe), Suzuki Swift (21 xe).
Toyota Vios giữ vững ngôi vương, Fadil khó khăn giữ vị trí “TOP”
Đồng đội Grand i10 (1.088 xe) của Accent trong tháng này chỉ giữ vị trí thứ năm, được cho là bởi khách hàng chủ lực của chiếc hatchback cỡ nhỏ này là dân kinh doanh, vốn rất “nhạy cảm” với tháng 7 âm lịch. Trong khi đó, Ford Ranger (1.109 xe) gây bất ngờ khi từ vị trí thứ 10 trong tháng 7 giờ đây đã vươn lên vị trí thứ tư.
Honda CR-V nhờ ra mắt phiên bản mới cũng đã đạt doanh số 935 xe, chiếm tới 57% doanh số ô tô của Honda Việt Nam. Đây cũng là mức khả quan hơn một số đối thủ cùng phân khúc, trong đó có Hyundai SantaFe (712 xe, xếp thứ 10), tuy chưa đủ để vượt qua Mazda CX-5 (1.063 xe, xếp thứ sáu).
Chiếc VinFast Fadil vẫn trụ được ở nhóm xe bán chạy, nhưng chỉ ở vị trí thứ chín với 1.494 xe tới tay người dùng. Hai vị trí còn lại trong nhóm 10 xe bán chạy nhất thuộc về KIA Cerato (1.127 xe, thứ ba) và Mitsubishi Xpander (943 xe, thứ bảy).
Nhiều ưu đãi đáng để “xuống tiền”
Tình hình kinh doanh ảm đạm trong khi tháng “cô hồn” vẫn chưa kết thúc khiến hầu hết các hãng xe vẫn tiếp tục duy trì các chương trình ưu đãi, nhằm đạt kết quả kinh doanh quý III khả quan hơn.
Toyota Fortuner sản xuất trong nước tặng tới 55 triệu đồng (gồm bảo hiểm thân vỏ và bảo dưỡng 3 năm miễn phí) khi người mua thanh toán ngay. Cùng với mức ưu đãi phí trước bạ vào khoảng 70 triệu đồng, đồng nghĩa khách hàng “tiết kiệm” 125 triệu đồng.
Về phần mình, xe nhập khẩu giảm giá, tặng quà giá trị cao bên cạnh hút khách còn nhằm vô hiệu hóa sức hút ưu đãi phí trước bạ của xe lắp ráp trong nước. Một ví dụ là Subaru Forester tặng ưu đãi lên đến 255 triệu đồng, trong khi MG thẳng thắn tuyên bố giảm giá tương ứng 50% phí trước bạ cho các xe ZS và HS. Hãng này cũng tặng chế độ bảo hành 5 năm không giới hạn, 5 lần bảo dưỡng miễn phí và bốc thăm trúng thưởng du lịch Anh.
Giảm giá để giải phóng “hàng tồn” cũng phổ biến trong giai đoạn này. VinFast giảm giá Lux A và SA sản xuất năm 2019, với mức giảm từ 50 triệu đồng (đối với Lux SA2.0 cao cấp) đến 150 triệu đồng (đối với Lux SA2.0 tiêu chuẩn).
Ưu đãi mới khi cộng dồn vào 4-5 loại ưu đãi về chi phí sẵn có khiến các mẫu xe có giá giảm đáng kể, trong đó, Lux SA2.0 thậm chí có thể giảm tới 600 triệu đồng. Tương tự, một số đại lý Ford giảm giá sâu cho xe SUV Everest sản xuất năm 2019, dù xe đời mới vẫn chưa về được vì dịch Covid-19.
Thêm đại lý và xe mới để tăng doanh số
Tháng 8 cũng chứng kiến nhiều mẫu xe mới đổ bộ thị trường trong nước. Nổi bật hơn cả là Toyota Corolla Cross. Mẫu xe này tuy được đón nhận tích cực, nhưng chỉ đạt 217 xe bán ra do không thể nhập khẩu kịp trong bối cảnh dịch bệnh. Một số dòng sản phẩm gây chú ý khác có thể kể tới VinFast President, KIA Seltos, Toyota Hilux…
Một số nhà sản xuất cũng chọn cách khai phá thị trường mới, mở thêm các không gian trưng bày tốt hơn nhằm cải thiện doanh số. Ngay đầu tháng 9, hãng xe Nhật Bản Subaru đã bổ sung thêm phòng trưng bày thứ ba ở Hà Nội, đặt tại số 805 Giải Phóng (quận Hoàng Mai). Đây là đại lý thứ 15 của Subaru ở Việt Nam, và là đại lý thứ năm được mở thêm riêng trong năm nay. Tương tự, Land Rover cũng mở thêm đại lý ở 166 Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân).
Trong tháng tới, tâm lý người tiêu dùng sẽ thoải mái hơn đáng kể. Thực tế này kết hợp hàng loạt hợp đồng đặt xe chờ sẵn hứa hẹn giúp cải thiện doanh số thị trường ô tô trong nước.
Tuy nhiên, về lâu dài tình hình dịch Covid-19 vẫn tạo ra những thách thức chưa thể xử lý một sớm một chiều, trong đó, đáng ngại nhất vẫn là làm suy giảm “túi tiền” của người tiêu dùng, đồng thời gây gián đoạn chuỗi cung ứng, nhập khẩu xe.
Theo Hà Nội mới