Nằm trong tâm dịch, các nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc hiện chỉ hoạt động với 32% công suất, trong khi hàng loạt các hãng xe quốc tế lớn cũng bị đình trệ sản xuất, gián đoạn nguồn cung...
Tính đến hết ngày 23/2, virus corona chủng mới (Covid-19) đã khiến gần 2.500 người trên thế giới tử vong, gần 79.000 người lây nhiễm và hàng triệu người phải cách ly để theo dõi.
Ngoài việc đe doạ mạng sống, dịch Covid-19 còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh ở Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung, trong đó có ngành công nghiệp ô tô.
(Ảnh: Xinhuanet) |
Ngành công nghiệp ô tô là chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp và nhiều ràng buộc. Sự gián đoạn sản xuất và sụt giảm của thị trường Trung Quốc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành ô tô toàn cầu.
Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc vốn đã gặp khó trong năm 2019 sẽ bị tác động bởi dịch Covid-19. Tiêu thụ ô tô tại Trung Quốc đã giảm 19 tháng liên tiếp. Giờ đây, nhiều nơi ở Trung Quốc, đặc biệt là các khu vực đông dân, người ta quan tâm tới nguy cơ nhiễm bệnh và việc bị cách ly. Chẳng mấy ai nghĩ tới việc mua sắm những thứ có giá trị lớn, như ô tô mới. Do dịp nghỉ Tết Nguyên đán sớm cùng với dịch bệnh bùng phát, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) cho biết tiêu thụ ô tô của nước này trong tháng 1 đã giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản xuất cầm chừng
Thành phố Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc - nơi khởi nguồn của virus corona - là một trong những trung tâm sản xuất ô tô lớn của Trung Quốc, với nhà máy của các tập đoàn ô tô quốc tế như Honda, Nissan, Renault và General Motors (GM) cùng rất nhiều nhà cung cấp phụ tùng. Theo Goldman Sachs, tỉnh Hồ Bắc đóng góp khoảng 9% sản lượng và hơn 3% tiêu thụ ô tô của Trung Quốc; trong đó, riêng Vũ Hán chiếm 6,6% sản lượng.
Các vùng có tỷ lệ lây nhiễm cao, gồm: Hồ Bắc, Quảng Đông, Hà Nam, Chiết Giang, Hồ Nam, An Huy, Giang Tây, Giang Tô và Trùng Khánh, chiếm tới 48,4% doanh số và 48,9% sản lượng ô tô của Trung Quốc, theo số liệu năm 2019 của công ty nghiên cứu thị trường ô tô LMC Automotive.
Chuỗi cung cấp toàn cầu bị đe doạ
Mỗi năm Trung Quốc xuất khẩu kim ngạch khoảng 70 triệu USD phụ tùng và phụ kiện ô tô sang các nước, trong đó, gần 20% đến Mỹ.
Ngành công nghiệp ô tô là một chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp và có nhiều ràng buộc, nên sự đình trệ ở Trung Quốc đang bắt đầu có tác động toàn cầu. Một chiếc xe có hàng ngàn bộ phận khác nhau, trong đó, nhiều bộ phận rất khó tìm nguồn thay thế. Nhiều nhà sản xuất ô tô trên khắp thế giới phụ thuộc vào nguồn cung phụ tùng từ Trung Quốc.
Thị trường phụ tùng ô tô Trung Quốc lại có tới 60-70% do doanh nghiệp nước ngoài kiểm soát. Sự đình trệ sản xuất ở Trung Quốc cùng với việc hạn chế vận chuyển hàng hoá đang làm tăng nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, và hiện đã có thể nhìn thấy điều này ở châu Á, châu Âu, Mỹ và một số nơi khác. Ví dụ, Hyundai đã đóng cửa nhà máy ở Hàn Quốc, còn Nissan phải điều chỉnh sản lượng của nhà máy ở Nhật do thiếu nguồn cung phụ tùng từ Trung Quốc. Renault cũng đã tạm dừng sản xuất tại một nhà máy ở Hàn Quốc.
Hoãn vô thời hạn các triển lãm ô tô
Triển lãm ô tô lớn nhất châu Á - Triển lãm ô tô Bắc Kinh, dự kiến diễn ra từ 21-30/4, đã bị hoãn vô thời hạn. Ban tổ chức cho biết sẽ theo dõi diễn biến dịch bệnh và sẽ quyết định có tổ chức nữa không.
Với việc các triển lãm ô tô quốc tế khác có thể cũng sẽ bị hoãn hoặc huỷ bỏ do sự lo ngại lây lan virus corona, các nhà sản xuất ô tô sẽ phải lui, hoặc thay đổi kế hoạch ra mắt xe mới.
Hôm 12/2, lần đầu tiên trong lịch sử 33 năm, Hội nghị Di động thế giới ở Barcelona (Tây Ban Nha) đã bị huỷ bỏ vì dịch Covid-19, làm phá sản các kế hoạch ra mắt công nghệ lái tự động mới của các nhà sản xuất ô tô, trong đó có Kia. Sự kiện này mỗi năm thu hút hơn 100.000 khách tham quan đến từ 200 nước, trong đó có khoảng 6.000 khách từ Trung Quốc.
Giờ đây, ngành ô tô đang ngóng chờ thông tin từ ban tổ chức Triển lãm ô tô Geneva, dự kiến khai mạc ngày 5/3 tới, và xa hơn là Triển lãm ô tô Bangkok, dự kiến diễn ra từ 25/3 đến 5/4.
Hyundai có kế hoạch ra mắt mẫu i20 tại Geneva, còn Kia sẽ trình làng Sorento thế hệ mới. Mercedes-Benz dự kiến ra mắt phiên bản nâng cấp của E-Class. Trong khi đó, một số tên tuổi lớn khác, như Ford, Cadillac, Nissan, Citroen và Jaguar-Land Rover đã sớm quyết định không tham gia triển lãm năm nay để tiết kiệm chi phí.
Cách đây vài ngày, ban tổ chức Triển lãm ô tô Geneva cho biết sự kiện sẽ vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, với việc Italia chỉ trong những ngày cuối tuần qua đã trở thành một trong những “điểm nóng” của dịch Covid-19 bên ngoài châu Á, với số ca nhiễm tăng lên 152 người và 3 người tử vong, thì rất có thể ban tổ chức sẽ phải cân nhắc lại.
Với các triển lãm ô tô quy mô nhỏ hơn, xa hơn, như Triển lãm ô tô quốc tế Busan (Hàn Quốc) dự kiến diễn ra từ ngày 28/6 đến 7/7, hiện các nhà sản xuất ô tô nước ngoài chưa công bố có tham gia hay không. Ban tổ chức cho biết hiện mới chỉ có BMW, Mini và Cadillac đăng ký tham gia, trong khi năm ngoái có tới 11 thương hiệu ô tô nhập khẩu góp mặt, trong đó có Mercedes-Benz, Toyota và Audi.
Các sự kiện khác cũng đang có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trước mắt, chặng đua F1 Thượng Hải đã bị hoãn mà ban tổ chức chưa ấn định được thời điểm phù hợp để thi đấu lại; mọi việc chỉ có thể được quyết định khi dịch bệnh được kiểm soát.
Các sự kiện lớn liên quan tới lĩnh vực ô tô ở Hàn Quốc, như triển lãm xe điện EV Trend Korea, dự kiến diễn ra từ 2-5/4 tại Seoul và chặng đua Seoul E-Prix Formula E 2020 dự kiến diễn ra vào ngày 3/5 tới ở Seoul, hay Triển lãm Di động và Năng lượng H2 dự kiến diễn ra vào ngày 18/3 ở Ilsan, tỉnh Gyeonggi có thể bị hoãn do diễn biến dịch bệnh căng thẳng, vượt tầm kiểm soát.
Theo Nhật Minh/Dân Trí