Hiện nay, ngày càng nhiều mẫu xe được trang bị ghế nỉ do áp lực cạnh tranh giá bán giữa các hãng xe. Điển hình ở các mẫu xe phổ thông giá rẻ như: Toyota Rush, Toyota Innova, Honda Jazz, Hyundai Elantra, Mitsubishi Xpander, Suzuki Celerio,…
Chi phí nâng cấp bộ ghế da thật khá tốn kém. Ảnh ST. |
Chất lượng của ghế bọc nỉ
Ưu điểm: Khi bạn đỗ ôtô ngoài trời nắng, ghế nỉ có khả năng hấp thụ nhiệt thấp hơn các loại ghế bọc da. Đồng thời, bề mặt ghế nỉ không gây nóng rát cho người ngồi khi bước lên xe. Hơn nữa, bề mặt ghế nỉ không bị nứt nẻ hay bùng nhùng sau thời gian sử dụng.
Đáng chú ý là ghế nỉ có khả năng giữ ấm cho người ngồi tốt hơn so với ghế da khi thời tiết giá lạnh. Đặc biệt, ghế nỉ không tạo cảm giác ẩm ướt như ghế da trong những ngày không khí ẩm ướt.
Không chỉ vậy, chi phí để thay mới bộ ghế nỉ khi bị rách hoặc bạc màu thường rẻ hơn nhiều so với chi phí bọc lại ghế da. Ngoài ra, chi phí giặt sạch ghế nỉ xe 5-7 chỗ khoảng 300 nghìn đồng, còn vệ sinh khử mùi ghế da mất hơn 1 triệu đồng.
Nhược điểm: Ghế nỉ rất dễ bám bụi nên chủ xe hạn chế hạ kính khi di chuyển trên đường, đặc biệt bụi bẩn hay đọng lại khu vực các đường chỉ nối của ghế. Do đó, chủ xe mất nhiều thời gian chăm sóc hơn xe bọc ghế da.
Bên cạnh đó, nếu để các loại chất lỏng như cà phê, trà, nước sốt thức ăn,… rơi xuống ghế thì rất khó để lau chùi. Nhưng với ghế da, chỉ cần dùng khăn ướt là có thể lau sạch ngay lập tức.
Về thẩm mỹ, ghế nỉ khiến nội thất chiếc xe kém sang trọng và rẻ tiền, trong khi các loại ghế da lại khắc phục được điều này. Sau 1-2 năm sử dụng, ghế nỉ thường lưu lại mùi hôi hơn so với ghế được bọc da.
Có cần thiết phải bọc ghế da?
Trong thực tế, nếu chủ xe kinh doanh dịch vụ, chuyên chở hàng hoá gia dụng, hoặc gia đình có con nhỏ thì nên bọc ghế da. Còn chỉ sử dụng cho cá nhân và gia đình thì bạn không nhất thiết phải nâng cấp lên ghế da, nhằm tiết kiệm chi phí.
Trên thị trường, chi phí nâng cấp một bộ ghế da xe 5-7 chỗ mất khoảng 3 triệu đến vài chục triệu đồng, tuỳ thuộc vào chất liệu da công nghiệp hay da xịn. Do vậy, ghế bọc da công nghiệp có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với da thật.
Cùng với đó, chất liệu da công nghiệp thường có độ bền thấp, nhanh bong chóc và bám mùi sau thời gian sử dụng. Vậy nên, chỉ phù hợp cho các xe kinh doanh vận tải hành khách, hoặc chở hàng gia dụng.
Còn với chất liệu da tốt sẽ toát lên vẻ sang trọng cho nội thất, có khả năng chống bám bụi, tránh để lại mùi khó chịu. Mặt khác, chất liệu da tốt không để lại mùi hôi keo nồng nặc như loại ghế da công nghiệp. Thời gian qua, không ít chủ xe sau khi bọc ghế da công nghiệp phải mở cửa phơi nắng xe, xông bồ kết, lau nước xả vải,… để giảm mùi keo khó chịu.
Tuy nhiên, chi phí nâng cấp bộ ghế da thật khá tốn kém nên chỉ phù hợp với chủ xe có điều kiện tài chính, nâng cấp để phục vụ cho nhu cầu cá nhân và gia đình.
Theo TRẦN KHANH/LĐO