Cách vệ sinh khoang động cơ "hữu hiệu" để tránh bị chập điện

09:11, 27/11/2019
.
Khoang động cơ ôtô là nơi tập trung nhiều bộ phận quan trọng, do đó việc vệ sinh bụi bẩn, dầu mỡ,… đúng cách sẽ làm tăng khả năng tản nhiệt của khoang máy. Đồng thời, kéo dài tuổi thọ bình ắc quy, hệ thống ống dẫn và một số linh kiện nằm bên dưới nắp capô.
 
Dưới đây là một số kinh nghiệm trong việc vệ sinh khoang động cơ giúp chủ xe phòng tránh những sự cố đáng tiếc: 
 
Dọn dẹp khoang máy
 
Trong quá trình vận hành, nhiệt độ bên trong khoang động cơ thường rất nóng, vì vậy bạn cần cẩn thận để tránh bị bỏng. Trước khi vệ sinh khoang động cơ, bạn hãy mở nắp capô khoảng 20 phút để giải nhiệt. Tuyệt đối không xịt nước vào động cơ khi còn đang nóng, điều này sẽ khiến nhiều bộ phận nhanh chóng bị hỏng hóc.
 
Khi nhiệt độ khoang máy trở về bình thường, bạn bắt đầu loại bỏ các mảnh vụn, cành cây hay lá khô… lọt vào khoang động cơ, đặc biệt ở khu vực gần khe gió, dưới kính chắn gió. 
 
Bịt kín mạch điện và cổ hút gió động cơ
 
Sau khi dọn sạch rác trong khoang động cơ, bạn nên dùng băng keo chống nước chuyên dụng để che chắn các đầu nối tiếp xúc điện. Nếu cẩn thận, bạn có thể tháo một trong hai đầu cực nối ắc quy để tháo ngắt nguồn điện.
 
Ngoài ra, chủ xe cần sử dụng khăn khô hoặc túi nilon để che chắn cổ hút gió, máy phát điện nhằm tránh nước bắn vào trong động cơ. 
Không nên dùng vòi nước áp lực mạnh xịt trực tiếp vào các thiết bị điện. Ảnh ST.
Không nên dùng vòi nước áp lực mạnh xịt trực tiếp vào các thiết bị điện. Ảnh ST.
Vệ sinh khoang máy
 
Tiếp theo, bạn có thể tìm mua dung dịch vệ sinh chuyên dụng được bán ở siêu thị, hoặc nước rửa chén pha loãng để lau chùi khu vực khoang máy. Nếu ở những chỗ bám nhiều dầu mỡ thì dùng bàn chải để loại bỏ vết bám cứng đầu. Lưu ý, không sử dụng chất tẩy rửa có nhiều axit, bởi việc này sẽ khiến các chi tiết trong khoang động cơ dễ dàng bị ăn mòn.
 
Xịt rửa lại bằng nước sạch
 
Kết thúc công đoạn vệ sinh bằng dung dịch, bạn tiến hành dùng vòi nước xịt nhẹ nhàng khu vực xung quanh khoang động cơ để làm sạch. Lưu ý, tránh dùng vòi nước áp lực cao nhằm bảo vệ các linh kiện không bị đứt hoặc nước chui vào sâu bên trong.
 
Bên cạnh đó, bạn hạn chế xịt nước trực tiếp vào các bộ phận điện tử, mạch điện dù đã được che chắn. Đồng thời, dùng bàn chải nhỏ để đánh rửa các chi tiết nằm sâu bên trong.  
Dùng khăn khô thấm nước lau khô các chi tiết điện. Ảnh ST.
Dùng khăn khô thấm nước lau khô các chi tiết điện. Ảnh ST.
Xịt và lau khô các chi tiết
 
Bước tiếp theo, bạn dùng khăn có chất liệu thấm nước kết hợp với vòi xịt khí nén để lau khô các chi tiết bên trong khoang máy. Chú ý, các lau khô các giắc cắm điện, dây bugi, các bộ phận điện tử…
 
Vệ sinh bộ phận lọc gió
 
Để vệ sinh bộ phận lọc gió, bạn cần phải mở các chốt bảo vệ, sau đó dùng vòi xịt hơi khí nén để thổi bụi bẩn. Tuyệt đối tránh dùng nước để lau chùi, bởi bộ phận lọc gió chỉ được làm bằng giấy ép.
 
Kiểm tra lại khoang máy
 
Kết thúc các công đoạn vệ sinh khoang máy, bạn tiến hành tháo gỡ băng keo, bọc nilon ở các mạch điện, cổ hút gió động cơ, máy phát điện. Trước khi đóng nắp capô, bạn cần kiểm tra lại thêm một lần xem có xót lại vật dụng gì hay không.
 
Nếu có thời gian, chủ xe có thể phơi nắng hoặc mở nắp capô thêm khoảng 30 phút cho gió tự nhiên thổi khô các linh kiện trong khoang máy.
 
Theo TRẦN KHANH/LĐO
 

.