Đèn chiếu sáng bất ngờ cháy khi đang lưu thông có bị phạt tiền?

08:10, 14/10/2019
.
Theo luật giao thông đường bộ, ôtô lưu thông trong thời gian 19h đến 5h sáng hôm sau, tài xế phải bật đủ đèn chiếu sáng. Nhưng chẳng may xe bị cháy mất một trong số bóng chiếu sáng thì có bị phạt hay không, nếu có thì phạt bao nhiêu là câu hỏi rất nhiều người đang quan tâm.
 Ôtô lưu thông trên đường phải đảm bảo đầy đủ đèn chiếu sáng. Ảnh BD.
Ôtô lưu thông trên đường phải đảm bảo đầy đủ đèn chiếu sáng. Ảnh BD.
Xe ôtô bất ngờ bị cháy bóng đèn chiếu sáng khi đang lưu thông có vi phạm luật?

Khi xe ôtô lưu thông trên đường, đồng nghĩa với việc phương tiện đã đáp ứng được tiêu chuẩn đăng kiểm xe ôtô bởi đèn chiếu sáng là một trong các hạng mục quan trọng nhất khi đăng kiểm ôtô.

Ngoài ra, tại Điểm d Khoản 1 của Điều 53 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định, ôtô tham gia giao thông phải bảo đảm đầy đủ đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu.

Như vậy, khi tài xế điều khiển xe lưu thông vào ban đêm mà không có đèn chiếu sáng tức là đã không đảm bảo điều kiện an toàn, có thể gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.

Thiếu đèn chiếu sáng bị phạt bao nhiêu tiền?

Áp dụng theo quy định tại Điểm g Khoản 3 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, lỗi không có đủ đèn chiếu sáng xe ôtô khi lưu thông từ 19h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau sẽ bị phạt tiền từ 600.000-800.000 đồng.

Tuy nhiên, trong trường hợp đèn chiếu sáng ôtô bất ngờ bị cháy, nếu tài xế có bằng chứng chứng minh sẽ không bị xử phạt hành chính. Cụ thể, người điều khiển phải chứng minh được việc đèn chiếu sáng xe đã bị hỏng khi xe đang chạy và bản thân không biết điều này.

Còn nếu tài xế không chứng minh được thì cảnh sát giao thông có quyền lập biên bản vi phạm hành chính. Đồng thời, luật khoan hồng được áp dụng theo Khoản 4 Điều 11 về những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính của Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Theo Trần Khanh/LĐO
 

.