(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh. Nhiều văn phòng công chứng được thành lập, đáp ứng nhu cầu của tổ chức, công dân, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tại Văn phòng công chứng Ngô Văn Hiền, ở tổ 3, phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi), vào đầu giờ sáng nhưng có rất đông người dân đến công chứng giấy tờ. Vừa hướng dẫn cho khách hàng thực hiện các thủ tục pháp lý xong, Trưởng Văn phòng Ngô Văn Hiền cho biết: Những năm gần đây, người dân đến các phòng công chứng để công chứng hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, tặng cho nhà ở và quyền sử dụng đất; hợp đồng ủy quyền, giấy ủy quyền... ngày càng nhiều. Trung bình mỗi ngày, Văn phòng tiếp khoảng 50 lượt người đến chứng thực các giấy tờ và từ 40 - 50 hợp đồng giao dịch...
Người dân đến Văn phòng công chứng Ngô Văn Hiền công chứng các giấy tờ, giao dịch hợp đồng. |
Dù đang phát triển, nhưng hoạt động công chứng hiện nay cũng gặp không ít khó khăn, do chưa triển khai phần mềm quản lý thông tin và cơ sở dữ liệu về hồ sơ công chứng trên địa bàn tỉnh. “Khi hệ thống này hoạt động, các thông tin về nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản và các thông tin về biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với tài sản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng. Với cơ sở dữ liệu công chứng, người dân có thể hoàn toàn yên tâm khi thực hiện các giao dịch, mà không lo bị rủi ro do thiếu thông tin. Qua đó góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho việc công chứng các hợp đồng, giao dịch”, ông Hiền nhấn mạnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14 tổ chức hành nghề công chứng, với 27 công chứng viên. Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lê Chí Phương cho biết: Từ khi triển khai thi hành Luật Công chứng và thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, các phòng công chứng và văn phòng công chứng đã góp phần tạo thuận lợi cho người dân, cá nhân, doanh nghiệp khi thực hiện các hợp đồng công chứng. Không chỉ tiết kiệm thời gian, việc thành lập các văn phòng công chứng còn góp phần giảm tải áp lực cho phòng công chứng Nhà nước, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các văn phòng hoạt động trong lĩnh vực này.
"Với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về công chứng, Sở Tư pháp đã tăng cường chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện đúng quy định của pháp luật; kiểm tra, thanh tra cũng như tích cực tuyên truyền, phổ biến Luật Công chứng, nhằm nâng cao nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật về công chứng; tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức hành nghề công chứng; nhắc nhở, chấn chỉnh những vi phạm xảy ra...", ông Phương nói.
Trên thực tế, các tổ chức hành nghề công chứng mới chỉ tập trung ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Chất lượng của đội ngũ công chứng viên tuy đã được nâng lên nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh đó, quy hoạch công chứng bị bãi bỏ đã tác động rất lớn đến việc hình thành các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa phương có số lượng giao dịch thấp... Do đó, để có thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại các địa phương, Bộ Tư pháp cần có hướng dẫn cụ thể, làm căn cứ xem xét khi duyệt hồ sơ thành lập văn phòng công chứng. Tránh trường hợp các tổ chức hành nghề công chứng chủ yếu tập trung ở địa bàn có số lượng giao dịch cao, trong khi các địa phương khác lại không có tổ chức hành nghề công chứng hoạt động.
Theo ông Lê Chí Phương, thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh trên lĩnh vực công chứng. Các ngành liên quan, địa phương cũng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nhằm giúp họ nâng cao nhận thức và có trách nhiệm hơn khi tham gia thực hiện các giao dịch.
Bài, ảnh: TRUNG ÂN