(Baoquangngai.vn)- Chừng 3 năm trở lại đây, cứ gần đến ngày thu hoạch dưa hấu, những người trồng dưa xã Phổ Châu (Đức Phổ) lại phải thức trắng đêm bên đồng bởi nạn trộm phá dưa. Với họ, đây dường như là giải pháp tốt nhất để bảo vệ thành quả của mình sau một thời gian dài chăm sóc.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đổi thay từ nghề mưu sinh mới
Cách đây gần 20, thời chưa có điện, người dân xã Phổ Châu vẫn chưa biết đến nghề trồng dưa. Trai trẻ nơi đây đa phần đi biển, còn phụ nữ ngoài vụ lúa chính chỉ đi lượm củi và lá khô. Cho đến ngày có người xứ khác đến mướn ruộng làm dưa, bà con nơi đây nhận thấy cây dưa cho năng suất cao, bán ra được giá.
Cũng từ đây, những người đàn ông không còn đủ sức khỏe để đi biển hay những người phụ nữ nông nhàn lại có thêm một nghề mới. Diện mạo xã biển Phổ Châu ngày dần thay đổi. Những ngôi nhà tranh vách lá được thay thế bằng nhiều ngôi nhà mới kiên cố, khang trang.
Tuy vậy, bức tranh tươi đẹp nào cũng luôn có những góc khuất. Người trồng dưa phải đối mặt với lắm nỗi lo. Không chỉ lo cây bệnh, giá cả đầu ra, mà nay họ còn đối mặt với nỗi lo dưa bị mất trộm mỗi khi đêm về.
Tâm tư bên ruộng dưa
19 giờ, sau khi ăn xong bữa cơm tối, ông Nguyễn Thuận 52 tuổi, ngụ thôn Châu Me, xã Phổ Châu nhấc điện thoại lên và gọi cho vài người. Sau câu nói “bây giờ tui ra đồng, anh chuẩn bị rồi ra liền nghe”, ông Thuận cầm theo bình nước chè nóng rồi lên ngồi lên xe máy chạy thẳng ra ruộng dưa. Đây là mảnh ruộng ông Thuận đã bỏ công chăm bẵm suốt gần 2 tháng qua, vừa kí hợp đồng với thương lái hôm trước, nay chỉ đợi ngày hái.
“Cứ trước lúc dưa chín 1 tuần, là tụi tui lại canh dưa. Đi canh dưa là phải rủ nhau đi cho đông, những người trồng dưa chung một đợt thì đi giữ dưa cùng nhau chứ tụi trộm dưa hay manh động, đi một mình mà có biết họ trộm dưa thì mình cũng không dám làm gì. Tôi trồng dưa đã gần 20 năm, mà chỉ vài ba năm nay nạn trộm dưa mới xuất hiện. Chủ yếu là thanh niên ở các xã lân cận đi trộm vặt, chứ ở đây đến mùa là nhà nào cũng có dưa, không ai phải đi trộm”, ông Thuận cho hay.
Giữa đồng dưa đang chờ ngày thu hoạch, những người canh dưa ngồi tập trung lại gần nhau |
Giữa những cánh đồng dưa rộng lớn, những người canh dưa dựng xe rồi tập trung lại ngồi cạnh nhau. Mỗi người đều trang bị cho mình một chiếc đèn pin mang theo. Nhưng chỉ những lúc nào nghe có tiếng xe máy nghi có người trộm dưa, họ mới bật đèn lên. Thứ ánh sáng duy nhất phát ra thường xuyên từ đồng dưa là những chiếc đèn nhấp nháy màu đỏ được cắm giữa đồng.
“Đi canh dưa, chúng tôi không chỉ dùng sức mà còn phải dùng trí và vận dụng cả kinh nghiệm. Đầu tiên là giữa những đồng dưa, tụi tui thường gắn những cây đèn chớp nháy. Tâm lý bọn trộm nhìn vào hay nghĩ tụi tui gài điện nên cũng dè chừng. Chúng tôi cũng không chong đèn hay bật điện khi canh dưa. Vì bật đèn thì “dưa tặc” sẽ biết được số người đi canh và lúc mình về. Chỉ cần ngồi đó, hồi nào nghe thấy tiếng xe tấp lại, thường là tiếng xe ga và có độ thêm đèn, mình rọi pin lên là tụi nó biết có người canh mà giật mình bỏ chạy”, ông Thuận bộc bạch.
Mỗi người đi canh dưa đều trang bị cho mình một chiếc đèn pin. |
Ông Nguyễn Trung (71 tuổi) là một trong những người đi canh dưa cùng ông Thuận trong đêm. Ông Trung chia sẻ, dưa trồng đến ngày 52 là chín và bán được nhưng lúc dưa bắt đầu to là mấy đứa trộm đã đi hái dưa. Cứ thấy có dưa là hái, chứ không biết được sống chín nên từ ngày 45 là mình bắt đầu đi canh. Mấy đứa này nó đi phá vô chừng, nên mình canh là phải canh liên tục. Có lúc tôi canh mấy đêm liền từ tối đến sáng không có ai mà qua hôm sau về sớm một bữa là lại mất dưa.
Bật chiếc đèn pin chỉ tay về phía ruộng dưa của mình, ông Trung tâm sự, đám dưa nào mà nhìn vào bị gãy lá là biết liền đã bị tụi trộm “ghé thăm”. Không biết trộm dưa để ăn hay bán, nhưng mấy đứa nó thường đi 4-5 xe, một xe chở 2-3 đứa mà mỗi đứa hái 2 trái là mình mất hơn chục trái dưa. Dưa bữa nay 10.000 đồng/kg, cho mỗi trái 3kg thì 10 trái mình đã mất 300.000 đồng. Với nông dân như tôi thì đây là một số tiền lớn, nên dù mệt mình cũng phải canh.
“Ráng thêm 2 bữa nữa xe họ đến cân dưa rồi thì mình cũng đỡ cực”, nói rồi đôi mắt ông Trung như sáng hẳn lên giữa ruộng dưa đang bị màn đêm bao trùm.
An Hiên