(Báo Quảng Ngãi)- Để chấn chỉnh tình trạng khai thác, vận chuyển mà không có bản kê lâm sản, ngành kiểm lâm tỉnh đang tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở và tiến tới thực hiện xử phạt đối với các trường hợp vi phạm.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mạnh ai nấy khai thác, vận chuyển
Thời gian qua, việc trồng keo nguyên liệu ồ ạt, thiếu quy trình kỹ thuật khai thác, hoặc tự ý mở đường ở các khu rừng trồng đã gây ra tình trạng sạt lở đất, đá, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Ngoài ra, sau khi khai thác, các chủ rừng thực hiện đốt thực bì, nhưng không khai báo với chính quyền địa phương, cơ quan kiểm lâm, dẫn đến nhiều vụ cháy rừng gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo Thông tư 27 của Bộ NN&PTNT, người khai thác, vận chuyển, thu mua lâm sản phải có bản kê lâm sản. |
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nếu như quá trình khai thác gỗ rừng trồng của công ty lâm nghiệp thực hiện bài bản, thì hộ gia đình thường làm tự phát, vi phạm các thủ tục về điều kiện khai thác, vận chuyển gỗ diễn ra khá phổ biến. Đặc biệt, người khai thác, vận chuyển và mua bán gỗ keo thường không quan tâm đến bản kê lâm sản, trong khi đó, đây là “chứng cứ” duy nhất để truy xuất nguồn gốc lâm sản. Do vậy, khi phát hiện hoặc nghi vấn sai phạm, lực lượng kiểm lâm phải mất thời gian để xác minh quá trình khai thác, nguồn gốc gỗ. Việc này cũng tạo kẽ hở cho các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.
Trước đây, theo quy định, chủ rừng, người khai thác phải có giấy kê khai gửi chính quyền địa phương, phôtô giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gửi cơ quan kiểm lâm để nắm vị trí khai thác. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho các chủ rừng, khuyến khích người dân trồng rừng quyết định thời gian khai thác, phương tiện vận chuyển, pháp luật đã bỏ đi nhiều thủ tục và chỉ yêu cầu có bản kê lâm sản. Chính sự “nới lỏng” này cùng với công tác kiểm tra, quản lý chưa chặt chẽ, làm cho quy định chưa đi vào thực tiễn.
Theo Thông tư số 27/2018 của Bộ NN&PTNT về truy xuất nguồn gốc lâm sản, có hiệu lực từ ngày 1.1.2019, thì người khai thác, vận chuyển và người thu mua gỗ keo phải có bản kê lâm sản để cơ quan chức năng biết về địa danh, khối lượng gỗ khai thác, phục vụ công tác tổng hợp báo cáo, theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện và xác nhận nguồn gốc, khối lượng gỗ khi lưu thông. Những trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/vụ.
|
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Từ tháng 5.2020 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng như Hạt kiểm lâm các địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra vận chuyển gỗ keo trên các tuyến đường. Qua kiểm tra, hầu hết các xe tải chở keo đều không có bản kê lâm sản.
Theo đó, đoàn kiểm tra đã ghi lại biển số xe, yêu cầu các chủ phương tiện viết bản cam kết; đồng thời phát cho mỗi chủ xe một bản kê lâm sản theo quy định, cũng như hướng dẫn người vận chuyển phôtô thành nhiều bản và thực hiện kê khai trước khi vận chuyển mỗi chuyến, tránh tình trạng chỉ mang theo mẫu bản kê để đối phó. Bên cạnh đó, để quản lý tốt hơn nguồn gốc gỗ khai thác, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có kế hoạch kiểm tra các cơ sở thu mua gỗ keo. Đối với các cơ sở thu mua lâm sản, ngoài bản kê lâm sản phải có sổ nhập, xuất lâm sản theo đúng quy định.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Đại cho biết: Trung bình mỗi năm có hàng nghìn tấn gỗ keo nguyên liệu xuất qua cảng Dung Quất. Đơn cử năm 2019, xuất khoảng 7.339 nghìn tấn, gồm gỗ keo ở Quảng Nam và Quảng Ngãi. Song, trong thực tế ngành chức năng vẫn không biết chính xác sản lượng gỗ khai thác hằng năm là bao nhiêu. Do đó, việc thực hiện đầy đủ bản kê lâm sản sẽ giúp ngành chức năng quản lý được sản lượng, diện tích khai thác để tính toán diện tích rừng trồng, chuẩn bị số lượng cây giống trồng lại hằng năm.
Bài, ảnh: AN NHIÊN