Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo mới trên mạng

02:06, 30/06/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Công an huyện Nghĩa Hành vừa điều tra làm rõ thủ đoạn lừa đảo tinh vi thông qua việc mua bán heo con qua mạng xã hội liên tỉnh.
Đầu tháng 6.2020, chị Lê Thị Oanh (28 tuổi) là chủ cơ sở thu mua heo con ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) đến Công an huyện Nghĩa Hành trình báo về việc bị lừa 70 con heo, với tổng trị giá trên 170 triệu đồng. Trước đó, thông qua việc rao bán heo trên Facebook, một người phụ nữ liên lạc với chị Oanh thống nhất mua heo bằng việc chuyển khoản.
 
Chị Oanh cho biết: "Khi thấy bên người mua chụp hình hóa đơn chuyển khoản thành công, tôi không nghi ngờ gì. Hôm đó là ngày chủ nhật nên tôi nghĩ tài khoản tôi chưa báo nhận tiền được, sáng thứ 2 sẽ nhận. Tôi đã gọi điện cho tài xế chuyển heo cho người mua tại tỉnh Quảng Bình. Sau nhiều ngày giao heo, nhưng vẫn chưa nhận được tiền qua tài khoản, nên tôi mới biết mình đã bị lừa". 
 
Công an huyện Nghĩa Hành lấy lời khai đối tượng Trần Thị Vi Vi.
Công an huyện Nghĩa Hành lấy lời khai đối tượng Trần Thị Vi Vi.
Cùng thời gian này, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng xuất hiện thủ đoạn lừa mua bán heo như trên. Anh Phạm Văn Gió - một đại lý chuyên thu mua heo con ở một số tỉnh miền Trung cho hay: "Trước giờ người dân mua bán heo qua sự tin tưởng, biết nhau nên không sợ bị lừa. Giờ đây, nhiều người mua, bán heo rao trên mạng, nên dễ bị lừa".
 
Qua tin báo của người dân, Công an huyện Nghĩa Hành đã chia ra nhiều tổ công tác xác minh, truy tìm đối tượng gây án. Lần theo lộ trình của những ô tô chở heo cũng như camera giám sát trên Quốc lộ, Công an huyện Nghĩa Hành đã tìm ra đối tượng lừa đảo là Trần Thị Vi Vi (28 tuổi) ở xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ.
 
Đối tượng Trần Thị Vi Vi đã tốt nghiệp đại học kinh tế. Vi lên Facebook để tìm kiếm, nếu có ai đăng mua bán heo, thì lấy thông tin để lừa đảo. Thấy trang Facebook Lê Kiều Oanh có đăng tin với nội dung "cần bán gấp đàn heo", nên Vi liên hệ để trao đổi mua bán. "Sau khi thống nhất giá cả và chuyển tiền giao nhận heo, tôi dùng điện thoại chỉnh sửa phiếu chuyển tiền ngân hàng, điền vào thông tin như thông tin của tài khoản mà chị Oanh đưa, rồi chụp màn hình, gửi qua Zalo cho chị Oanh", Vi thừa nhận. 
 
Đội trưởng Đội hình sự (Công an huyện Nghĩa Hành), Trung tá Trần Minh Cảnh cho biết: Thủ đoạn lừa đảo trong trường hợp này khác các trường hợp khác. Đối tượng lừa đảo làm giả phiếu chuyển tiền, gửi qua Zalo cho người bị hại. Đối tượng chọn thời điểm thứ 7, chủ nhật để nạn nhân không có điều kiện kiểm tra tài khoản của mình. Thông thường, việc chuyển khoản giữa các ngân hàng được thực hiện ngay tức thì, hoặc chỉ mất không quá một ngày.
 
 Để tránh các trường hợp bị lừa tương tự, bên bán nên chờ đến khi nhận được tin nhắn thông báo tài khoản của mình được cộng tiền vào thì mới giao hàng cho bên  mua. Khi mua bán hàng trên mạng phải kiểm tra kỹ hàng hóa, dịch vụ và cơ sở bán hàng trước khi thực hiện giao dịch; khi nhận hàng cũng phải kiểm tra kỹ trước khi thanh toán tiền, tuyệt đối không trả tiền hoặc không biết rõ người bán và uy tín của họ trước khi nhận hàng hóa.
 
 Bài, ảnh: Thành Sự
 
 
 

.