(Báo Quảng Ngãi)- Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật đối với nhân dân. Do đó, thời gian qua, huyện Tư Nghĩa đã tập trung triển khai thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, giai đoạn 2017 - 2021” trên địa bàn huyện.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Năm 2018, huyện Tư Nghĩa tổ chức 5 hội nghị tuyên truyền, phổ biến 17 văn bản luật cho trưởng, phó các phòng, ban, mặt trận, các hội, đoàn thể ở huyện và cán bộ lãnh đạo UBND huyện, xã và cán bộ công chức. Hội Luật gia huyện chủ động phối hợp mở 8 hội nghị tuyên truyền pháp luật ở 8 xã, thị trấn cho cán bộ quân dân chính đảng ở xã, thôn, tổ dân phố. Nội dung tập trung tuyên truyền là Luật Đất đai, Luật Cư trú, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo...
Cán bộ bộ phận một cửa huyện Tư Nghĩa giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân. |
Công an huyện đã lồng ghép tuyên truyền pháp luật trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở 56 điểm thôn, tổ dân phố, với 11.320 lượt người tham dự; tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống ma túy... ở các cơ quan, trường học, với 6.370 lượt cán bộ, giáo viên, học sinh tham dự.
"Huyện Tư Nghĩa đã triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch của UBND tỉnh và Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, giai đoạn 2017 - 2021”. Huyện đã kiện toàn Hội đồng Phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật và đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, thị trấn, với số lượng 146 người; xây dựng 84 tổ hòa giải ở cơ sở, với 650 hòa giải viên; có 14/15 xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật...". Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa BÙI VĂN TIẾN |
Các lực lượng chức năng của huyện phối hợp tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT tại các trường học, khu dân cư, với trên 10.000 lượt người tham dự; tổ chức 15 lượt diễu hành tuyên truyền lưu động, cấp phát tờ rơi tuyên truyền về trật tự ATGT, Luật Hôn nhân và Gia đình; tuyên truyền việc thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ... Đặc biệt, để nâng cao kiến thức, kỹ năng về PCCC, huyện Tư Nghĩa tổ chức 7 lớp tập huấn nghiệp vụ về PCCC rừng...
Ngoài ra, huyện Tư Nghĩa còn triển khai tuyên truyền pháp luật qua hệ thống đài truyền thanh huyện, xã, thị trấn; treo panô, áp phích; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật... Huyện đã tập trung huy động nguồn lực xã hội tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý; coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đã lồng ghép tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu các quy định của pháp luật trên tất cả các lĩnh vực đời sống, xã hội.
Huyện Tư Nghĩa còn tổ chức cuộc thi viết “Sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả cho thanh thiếu niên”; tổ chức cuộc thi sáng tác kịch bản tiểu phẩm pháp luật; tọa đàm “Ngày Pháp luật Việt Nam”... Công an huyện xây dựng 35 mô hình về đảm bảo ANTT ở cơ sở, như mô hình “Câu lạc bộ phát triển bền vững”; “Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình” tại thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp; mô hình “Hội Cựu chiến binh thị trấn La Hà tham gia quản lý, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng”; mô hình câu lạc bộ “Thanh niên với pháp luật”...
Các tổ hòa giải ở cơ sở cũng tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật thông qua hòa giải các vụ việc tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia đình, hàng xóm... để người dân hiểu, thực hiện đúng các quy định của pháp luật, tăng cường sự đoàn kết ở khu dân cư.
Bài, ảnh: BÁ SƠN