Học sinh điều khiển xe mô tô đến trường: Chưa được xử lý triệt để

09:03, 29/03/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghị định 46/2016 của Chính phủ quy định, người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên sẽ bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng. Tuy nhiên, học sinh (HS) nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh vẫn điều khiển xe mô tô phân khối lớn... để đi học, nhưng chưa được xử lý nghiêm.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, hiện nay cả nước có khoảng 2 triệu xe máy điện, xe đạp điện. Khi cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, ý thức tuân thủ pháp luật giao thông của một bộ phận HS còn thấp thì sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Điều đáng lo ngại hiện nay là, tình trạng HS chưa đủ 18 tuổi đi xe phân khối lớn, xe máy điện, xe đạp điện với tốc độ cao đến trường vẫn còn diễn ra phổ biến. Vào giờ tan học, không khó để bắt gặp hình ảnh HS ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh đi xe mô tô, xe máy điện ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định...

Nhiều học sinh bậc THPT ở TP.Quảng Ngãi thường xuyên sử dụng xe mô tô, xe máy điện để đi học.
Nhiều học sinh bậc THPT ở TP.Quảng Ngãi thường xuyên sử dụng xe mô tô, xe máy điện để đi học.


Một HS của Trường THPT chuyên Lê Khiết chia sẻ: “Em thấy nhiều bạn đi xe máy, xe đạp điện để đến trường cho nhanh và bố mẹ không phải đưa đón. Bên cạnh một số bạn chấp hành quy định của Luật Giao thông đường bộ, thì vẫn còn nhiều bạn thích thể hiện bản thân, đi xe không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu”.

Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT) Trần Thị Kim Nhạn cho rằng: Tình trạng HS đi xe mô tô phân khối lớn, xe máy điện để đến trường ngày càng nhiều. Để giảm thiểu tình trạng trên rất cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội. Trước hết, các bậc phụ huynh phải ý thức được những hiểm họa khi cho con đi học bằng xe máy phân khối lớn, xe máy điện... Đồng thời, các địa phương cần tổ chức cho phụ huynh ký cam kết trong việc không cho con em sử dụng các phương tiện nói trên và có chế tài xử lý phù hợp.

Đối với các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng cảnh sát giao thông phải xử lý nghiêm những HS vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Đồng thời, các trường học tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong HS.


 Bài, ảnh: DUY KHANG



 


.