(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian gần đây, trên phương tiện xe khách, tàu cao tốc xuất hiện tình trạng hành khách có biểu hiện bị "ngáo đá" quậy phá, tấn công hành khách, gây lo ngại cho người điều khiển phương tiện và hành khách đi cùng.
Giám đốc Ban Quản lý Cảng Lý Sơn Huỳnh Công Trí cho biết: Mới đây, trên tuyến đường thủy Sa Kỳ - Lý Sơn, khi tàu vừa chạy được khoảng 15 phút thì 2 hành khách là P.V.H (23 tuổi) và N.T.Q (22 tuổi), đều trú ở xã An Vĩnh (Lý Sơn), có biểu hiện lên cơn "ngáo đá".
Trong lúc mọi người trên tàu chưa kịp khống chế giữ đối tượng, thì hai thanh niên này nhảy xuống biển. Rất may lực lượng cứu hộ kịp thời có mặt, đưa hai thanh niên lên tàu an toàn. Qua kiểm tra, trên người hai đối tượng này phát hiện có nhiều bịch ma túy dạng cỏ Mỹ.
Đối tượng “ngáo đá” quậy phá trên xe khách bị Công an huyện Đức Phổ xử lý. |
Ông Huỳnh Công Trí cho biết thêm, trước đó có một số trường hợp hành khách đi trên tàu từ Sa Kỳ ra Lý Sơn lúc đầu bình thường, nhưng sau đó có biểu hiện phê thuốc. Có đối tượng nhảy xuống biển, các thuyền viên kịp thời cứu và bàn giao đối tượng cho bộ đội biên phòng để xử lý.
Gần đây, trên các tuyến xe khách cũng có một số đối tượng có biểu hiện “ngáo đá”. Giữa tháng 8 vừa qua, trên chuyến xe khách mang biển số 18B - 01454 từ Nam Định đi TP.Hồ Chí Minh, khi đi qua đoạn đường thuộc huyện Đức Phổ, hành khách N.D.T (18 tuổi, quê ở TP.Hồ Chí Minh) lên cơn “ngáo” la ó, dùng dao cắt tay, đâm đầu vào kính chắn gió khi xe đang chạy và tấn công hành khách trên xe.
Công an huyện Đức Phổ đã kịp thời tiếp cận, khống chế được đối tượng. Anh Nguyễn Thanh Hải - tài xế xe khách biển số 18B - 01454 cho biết: “Sau khi lên xe khoảng một giờ đồng hồ thì đối tượng nói trên lên cơn “ngáo đá”. Chúng tôi phải bố trí 2 phụ xe giữ đối tượng để không gây nguy hiểm cho hành khách".
Theo Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Quảng Ngãi, bác sĩ Nguyễn Thanh Quang Vũ, người sử dụng các chất ma túy tổng hợp, ma túy “cỏ” gây ảo giác, hoang tưởng, không kiểm soát được hành vi. Nhiều trường hợp lên cơn “ngáo đá” đã giết cả người thân của mình. Để tránh bị đối tượng “ngáo đá” tấn công, cần phải nhận biết được các dấu hiệu của người đang bị “ngáo đá”.
Có thể nhận biết nhanh qua các dấu hiệu cơ bản, như đồng tử mắt nở rộng, mắt đảo qua đảo lại liên tục, đi vệ sinh, liên tục uống nước, quầng thâm trên mắt rất rõ, hơi thở nặng... Khi bị “ngáo đá”, đối tượng có những hành vi bất thường, mất kiểm soát, như nói lảm nhảm, la hét, đập phá, leo trèo, hung hãn... Khi bản thân bị đối tượng “ngáo đá” bất ngờ khống chế thì cần phải bình tĩnh, làm theo yêu cầu của đối tượng, xoa dịu đối tượng, tìm cơ hội chạy thoát, hoặc khống chế đối tượng.
Bài, ảnh: THÀNH SỰ