(Baoquangngai.vn)- Dù theo quy định của Chính phủ, xe công nông đã bị đình chỉ lưu hành từ nhiều năm nay, song hiện nay phương tiện này vẫn được người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh sử dụng để chở hàng hóa và lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ… gây mất an toàn giao thông.
Trước tình trạng này, UBND tỉnh đã có văn bản gửi các địa phương và sở, ngành liên quan yêu cầu trước ngày 1.7.2018 phải thực hiện các giải pháp quản lý, đình chỉ hoạt động xe công nông, máy kéo, xe cơ giới ba bánh và xe thô sơ ba, bốn bánh hoạt động vận tải trái quy định.
Phớt lờ lệnh cấm
Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.610 xe công nông và máy kéo tự độ chế, xe cơ giới ba bánh không đăng ký, và xe thô sơ ba, bốn bánh hoạt động. Trong đó, xe công nông, máy kéo 640 xe; xe cơ giới ba bánh 821 xe; xe thô sơ ba, bốn bánh 149 xe. Tập trung nhiều nhất ở huyện Bình Sơn, Mộ Đức và TP. Quảng Ngãi.
Những loại phương tiện này được người dân sử dụng vận tải hàng hóa, nông sản hoạt động trên hầu hết khắp các địa phương trong tỉnh, trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh và các tuyến đường địa phương, nhất là TP. Quảng Ngãi và các huyện đồng bằng.
Hầu hết xe công nông, máy kéo và xe thô sơ ba, bốn bánh là tự độ chế từ thiết bị, phụ tùng ô tô cũ tại các cơ sở, xưởng cơ khí trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các phương tiện này chủ yếu do người dân độ chế, nên các yếu tố về an toàn kỹ thuật không bảo đảm; người điều khiển xe lại chưa được đào tạo bài bản qua các trường lớp.
Chính vì vậy, nhiều người gọi vui những chiếc xe này là xe ‘5 không’ (không còi, không đèn, không đăng ký, không kiểm định và không bằng lái). Đối với xe cơ giới ba bánh, chủ yếu các cá nhân mua lại từ các địa phương khác về tỉnh Quảng Ngãi để hoạt động.
Điều đáng nói, hầu hết các loại xe này đều thuộc diện cấm lưu thông theo Nghị quyết 32 của Chính phủ. Do đó, đây là loại phương tiện khi tham gia giao thông có nguy cơ cao gây ra tai nạn giao thông trên đường.
|
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông xảy ra giữa xe máy và xe công nông ở huyện Đức Phổ. |
Theo số liệu thống kê từ năm 2008 đến năm 2017, có 13 vụ TNGT do các loại xe này gây ra, làm chết 10 người, bị thương 8 người. |
Khi được hỏi, hầu hết người điều khiển đều biết phương tiện bị cấm tham gia giao thông, nhưng vì dễ di chuyển, ít bị kiểm tra, xử lý nên họ ‘phớt lờ lệnh cấm’ vẫn tận dụng để vận chuyển hàng hóa.
Để xử lý xe công nông, máy kéo, xe cơ giới ba bánh và xe thô sơ ba, bốn bánh hoạt động vận tải trái quy định, thời gian qua, Công an tỉnh, Sở GTVT đã chỉ đạo phối hợp lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra GTVT mở nhiều đợt cao điểm tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý, ngăn chặn nhằm chấm dứt hoạt động của các loại phương tiện này.
Tuy nhiên, theo các ngành chức năng, quá trình xử lý vi phạm lực lượng làm nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn do chủ xe, người điều khiển xe chủ yếu là nông dân, có điều kiện kinh tế khó khăn, nên đây là ‘cần câu cơm’’ của nhiều người. Ngoài ra, một số loại xe như máy kéo là công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp khi đến mùa vụ.
Đồng thời, để tránh lực lượng chức năng, các chủ phương tiện chủ yếu cho xe hoạt động vào buổi trưa, lúc không có lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên đường, một số ít hoạt động vào ban đêm từ 19 giờ đến 21 giờ.
Xử lý nghiêm xe vi phạm
Theo Sở GTVT tỉnh, thời gian qua, đối với phương tiện xe công nông, xe lôi máy, xe cơ giới ba bánh; xe thô sơ ba, bốn bánh thuộc diện đình chỉ tham gia giao thông theo Quyết định 548 của Thủ tướng Chính phủ, Sở GTVT đã phối hợp với Sở Tài chính và UBND các huyện, TP triển khai thực hiện; đồng thời tổ chức hướng dẫn cho UBND xã, phường, thị trấn tổ chức cho các chủ phương tiện kê khai, thực hiện các thủ tục hỗ trợ cho 3.042 xe với tổng kinh phí trên 16,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dù đã được nhà nước hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, nhưng một số chủ phương tiện vẫn lén lút hoạt động hoặc chuyển nhượng cho đối tượng khác lén lút hoạt động. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng xe công nông, xe tự chế, xe cơ giới ba bánh và xe thô sơ ba, bốn bánh vẫn còn lưu thông trên đường gây mất an toàn giao thông.
Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản gửi các địa phương và sở, ngành liên quan yêu cầu thực hiện các giải pháp quản lý, đình chỉ hoạt động xe công nông, máy kéo, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ ba, bốn bánh hoạt động vận tải trái quy định gây mất trật tự an toàn giao thông.
|
Xe công nông, máy đầu kéo...vô tư chở hàng hóa lưu thông trên đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT |
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, thống nhất tạm thời cho phép xe công nông, máy kéo, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ ba, bốn bánh hoạt động vận chuyển nông sản sau thu hoạch và vận chuyển phân bón, vật tư, dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp từ nhà đến đồng ruộng của nông dân trên các tuyến đường nội đồng, đường thôn, xóm không vì mục đích kinh doanh vận tải. Nghiêm cấm các loại xe này hoạt động kinh doanh vận tải trên các tuyến đường xã, huyện, đường nội thị, đường tỉnh và đường quốc lộ.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở GTVT và UBND các huyện, TP tiếp tục chỉ đạo, rà soát số lượng, phân loại xe cơ giới ba bánh có hồ sơ hợp lệ, đủ điều kiên đăng ký và số lượng xe không đủ điều kiện đăng ký.
Trên cơ sở đó, đối với xe có hồ sơ hợp lệ, đủ điều kiện đăng ký thì hướng dẫn người dân lập thủ tục đăng ký, cấp biển số; hướng dẫn đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải, phạm vi, tuyến đường hoạt động và thực hiện công tác quản lý theo quy định.
Đối với xe không đủ điều kiện đăng ký thì thông báo cho chủ xe không được phép vận chuyển hàng hóa tham gia giao thông và sẽ bị tịch thu phương tiện nếu vi phạm.
‘Kể từ ngày 01.07.2018 trở đi, xe công nông, máy kéo tự độ chế, lắp ráp, xe cơ giới ba bánh và xe thô sơ ba, bốn bánh hoạt động vận tải trên các tuyến đường xã, huyện, đường đô thị, đường tỉnh và đường quốc lộ không đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển xe không có giấy phép lái xe theo quy định thì lực lượng chức năng có trách nhiệm cương quyết xử lý nghiêm, áp dụng hình thức phạt bổ sung tịch thu phương tiện theo đúng quy định’- văn bản UBND tỉnh nêu rõ.
H.P