[Emagazine]. Sức sống từ một nghị quyết ở Bình Sơn

16:05, 18/06/2024
.
 

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 20 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 04 đã chứng minh sức sống với những cách làm hiệu quả, thiết thực, khơi dậy sức mạnh nội lực của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nhất là ở những vùng đất khó trên địa bàn huyện Bình Sơn.

 

Dù tuổi đã cao, nhưng ông Trịnh Phú Thuật (76 tuổi), ở thôn Đông Thuận, xã Bình Trung (Bình Sơn) - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Bình Sơn, vẫn nhiệt tình, đôi mắt sáng rực khi chia sẻ câu chuyện xung quanh Nghị quyết 04. Ông Thuật nhớ lại, thời điểm đó, địa phương có những việc làm trì trệ, chưa sát dân, vì vậy, Huyện ủy Bình Sơn xác định những việc cần làm ngay trên tinh thần tiếp thu Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII của Trung ương Đảng.

Nguyên Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Bình Sơn Trịnh Phú Thuật chia sẻ quá trình tham mưu ban hành Nghị quyết 04.  Ảnh: SA HUỲNH
Nguyên Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Bình Sơn Trịnh Phú Thuật chia sẻ quá trình tham mưu ban hành Nghị quyết 04. Ảnh: SA HUỲNH

Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Quy chế thể hiện quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý nhà nước xã hội chủ nghĩa với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Theo ông Thuật, đứng về góc độ tổ chức, quy chế cần phải có tổ chức đảng, tổ chức công đoàn, thanh niên và phải hướng dẫn cho các tổ chức xây dựng lực lượng nòng cốt, cốt cán. Những đối tượng tiêu biểu nhất phải làm nòng cốt trong các phong trào. Còn lực lượng cốt cán là cán bộ được phân công theo dõi lực lượng nòng cốt. Trên cơ sở đó, phối hợp cả “3 chi” để triển khai thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở. 

Kiến trúc cảnh quan đô thị Bình Sơn dọc hai bờ sông Trà Bồng. Ảnh: TL
Kiến trúc cảnh quan đô thị Bình Sơn dọc hai bờ sông Trà Bồng. Ảnh: TL

Khi nghị quyết được thông qua, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã có chương trình triển khai ngay xuống cơ sở. Từ đó, các địa phương xác định những việc cần làm ngay để giải quyết những vấn đề cấp bách. Một trong những yêu cầu lúc bấy giờ là nội dung “dân biết”, nghĩa là dân phải biết chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Vậy là, lực lượng nòng cốt, cốt cán phải trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn để “dân biết”. "Thời điểm đó, cuộc vận động nhân dân ở các xã khu Đông như: Bình Trị, Bình Thuận, Bình Phước, Bình Thanh... để triển khai xây dựng Khu Kinh tế Dung Quất rất thuận lợi. Người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng, nhà cửa để thực hiện các dự án lớn. Dẫu trong mỗi người dân còn vương vấn tình làng nghĩa xóm, chưa quen với nơi ở mới tại các khu tái định cư, nhưng mọi người vẫn chấp hành tốt chủ trương của Đảng. Tất cả là nhờ công tác vận động trên cơ sở nghị quyết đã thấm sâu vào đảng viên, nhân dân”, ông Thuật nói.

 

Những ngày đầu tháng 6/2024, đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Bình An đã hân hoan đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) sau chặng đường dài nỗ lực và phấn đấu. Đây là xã miền núi duy nhất và khó khăn nhất của huyện Bình Sơn, với gần 20% dân số là đồng bào dân tộc Cor. Trong kế hoạch về đích NTM của huyện, Bình An cũng là xã về đích cuối cùng. Tuy nhiên, với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trong việc hưởng ứng phong trào thi đua, xã Bình An đã hoàn thành mục tiêu này trước xã Bình Châu. 

Người dân thôn Thọ An, xã Bình An (Bình Sơn) giúp nhau thu hoạch lúa. Ảnh: NHÃ UYÊN
Người dân thôn Thọ An, xã Bình An (Bình Sơn) giúp nhau thu hoạch lúa. Ảnh: NHÃ UYÊN

Xã miền núi Bình An hôm nay mang diện mạo mới. Những con đường bê tông khang trang dẫn vào tận thôn, xóm. Đường nội đồng được kiên cố. Đồng bào Cor tích cực sản xuất, vươn lên. Trong niềm hân hoan khi xã đón nhận danh hiệu đạt chuẩn NTM, Phó Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Thọ An Đinh Văn Hà chia sẻ, từ nhỏ đã gắn bó với mảnh đất này, tôi chứng kiến rõ nhất sự thay đổi của quê hương mình. Từ chỗ không đường, không điện, người dân sống du canh du cư, giờ đây, chất lượng cuộc sống của người dân thôn Thọ An đã được nâng lên. Đặc biệt, đời sống văn hóa tinh thần của người dân rất được chú trọng. “Thôn Thọ An có câu lạc bộ cồng chiêng, đội dân vũ, với hơn 30 thành viên. Cứ đến ngày lễ, tết Ngã rạ mừng mùa lúa mới, tết truyền thống của dân tộc, đồng bào Cor nơi đây đều tổ chức lễ hội múa hát cồng chiêng, giao lưu văn hóa”, ông Hà bày tỏ.

Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Cor ở  Thôn Thọ An rất được chú trọng. Ảnh: TH.THUẬN
Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Cor ở Thôn Thọ An rất được chú trọng. Ảnh: TH.THUẬN

Thành quả mà thôn Thọ An có được là vận dụng hiệu quả Nghị quyết 04 của Huyện ủy Bình Sơn. Thời điểm nghị quyết được ban hành, Thọ An là thôn đặc biệt khó khăn, đời sống của người dân nơi đây còn nghèo, bản sắc văn hóa có nguy cơ mai một dần. Để Nghị quyết 04 đi vào cuộc sống, cả hệ thống chính trị ở thôn đã tập trung xây dựng, củng cố “3 chi” với 6 đảng viên trong chi bộ, 2 đồng chí cốt cán ở chi hội cựu chiến binh và đoàn thanh niên là đảng viên, 2 đồng chí nòng cốt ở chi hội phụ nữ và nông dân.

Lực lượng này đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, người dân mạnh dạn vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế. Nhờ đó, đời sống kinh tế được đảm bảo, người dân có ý thức hơn trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên... Đến nay, thôn Thọ An có 20 đảng viên, cả 4 chi hội trưởng hội đoàn thể gồm: Phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, thanh niên đều là đảng viên. Trong 10 năm liên tiếp, thôn Thọ An được công nhận là thôn văn hóa.

gười dân thôn Thọ An (xã Bình Sơn) huy động sức dân để bê tông hóa các tuyến đường thôn. Ảnh: TH.THUẬN
gười dân thôn Thọ An (xã Bình Sơn) huy động sức dân để bê tông hóa các tuyến đường thôn. Ảnh: TH.THUẬN

Từ chỗ đa số hộ dân thiếu đói quanh năm, đến nay, xã Bình An không còn tình trạng hộ dân thiếu ăn trong mùa giáp hạt; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến cuối năm 2023 giảm xuống còn 3,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt 47,34 triệu đồng/người/năm. Số lao động qua đào tạo là 1.760 người, chiếm 75,4%. “Đạt chuẩn NTM là cơ sở, động lực để tiếp sức cho xã trong việc giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày thêm ấm no, hạnh phúc”, Phó Bí thư Đảng ủy xã Bình An Lê Quốc An nhấn mạnh.

 

Rời xã Bình An, chúng tôi tìm đến làng chài Phước Thiện (Bình Hải). Năm 2021, công trình kè chắn sóng xã Bình Hải được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần thay đổi bộ mặt làng chài Phước Thiện. Theo Bí thư Chi bộ thôn Phước Thiện 1 Đặng Thế Mỹ, năm 2017, thôn Phước Thiện được chia tách thành 3 thôn; trong đó, thôn Phước Thiện 1 có 2.000 dân. Sau khi tách thôn, chi bộ tổ chức lại hệ thống chính trị và bắt đầu làm công tác giáo dục tư tưởng cho thanh niên để phát huy được vai trò của “3 chi”.

 

Lãnh đạo Đảng ủy xã Bình Hải (Bình Sơn) luôn gần dân, sát dân để kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Ảnh: KHẢI NAM
Lãnh đạo Đảng ủy xã Bình Hải (Bình Sơn) luôn gần dân, sát dân để kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Ảnh: KHẢI NAM

Thôn Phước Thiện 1 có gần 40% người dân là tín đồ Phật giáo, Tin lành, Công giáo, Cao Đài. Nhiều năm qua, người dân trong thôn Phước Thiện 1 luôn sống đoàn kết, yêu thương nhau. Là tín đồ Phật giáo và được người dân thương yêu, tín nhiệm, anh Nguyễn Văn Thành - Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận thôn, Bí thư Chi đoàn thôn Phước Thiện 1 luôn nhiệt huyết, năng nổ và hết lòng vì nhân dân. Anh Thành đi đầu, nêu gương và gắn kết “3 chi” để chung sức, đồng lòng triển khai nhiều phần việc mang lại lợi ích cho người dân.

Năm 2017, anh Thành cùng với cấp ủy, chi hội trưởng các chi hội vận động người dân thực hiện mô hình “Thắp sáng đường quê”, để làng chài trở nên sáng đẹp. Đồng thời, xây dựng các mô hình: “Thu gom phế liệu”, “Bữa sáng yêu thương”... để giúp đỡ, san sẻ với những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh khó khăn trong thôn. “Hầu hết các công việc của thôn đều có sự gắn kết “3 chi”. Trong đó, chi bộ lãnh đạo toàn diện, còn các chi đoàn, chi hội ở thôn phối hợp rất nhịp nhàng. Hiện nay, các chi hội, chi đoàn ở thôn nhận hỗ trợ thường xuyên cho 13 trường hợp nghèo khó, neo đơn, với mức hỗ trợ định kỳ là 200 nghìn đồng/người/tháng”, anh Thành cho biết.

 

Ở xã Bình Hải còn có một công trình đặc biệt mang tên “Đường cây đoàn kết”. Công trình do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bình Sơn, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Hải, Đồn Biên phòng Bình Hải, Chi hội Tin lành An Cường xây dựng. Hơn 2 năm qua, cán bộ, hội viên các hội đoàn thể, nhân dân và tín đồ Tin lành ở thôn An Cường chung tay chăm sóc hơn 200m đường với gần 40 cây bàng lá nhỏ. Nhờ vậy, các cây bàng phát triển xanh tốt, tô thắm thêm vẻ đẹp làng quê.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Hải Nguyễn Thị Hồng Ánh cho biết, công trình “Đường cây đoàn kết” được triển khai với mong muốn tăng cường đoàn kết tôn giáo, phát huy sức mạnh đại đoàn kết. Bên cạnh đó, cán bộ, hội viên các hội, đoàn thể và bà con lương giáo trong thôn cũng chung sức, đồng lòng tham gia bảo vệ môi trường, thường xuyên dọn sạch bãi biển, đường làng ngõ xóm.


Làng chài Phước Thiện trở nên nhộn nhịp từ khi tuyến kè chắn sóng ở xã Bình Hải (Bình Sơn) hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: KHẢI NAM
Làng chài Phước Thiện trở nên nhộn nhịp từ khi tuyến kè chắn sóng ở xã Bình Hải (Bình Sơn) hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: KHẢI NAM

SA HUỲNH - NHÃ UYÊN - KHẢI NAM

Trình bày: VÕ VĂN
 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 16:05, 18/06/2024