[Emagazine]. Sách - người thầy, người bạn

22:02, 14/04/2024
.
A
 

(Báo Quảng Ngãi). Hẳn chúng ta sẽ đồng ý với nhau rằng, sách là người thầy, người bạn lớn, thủy chung và vạn năng của con người. Với tôi, sách không chỉ là nhịp cầu nối quá khứ - hiện tại - tương lai, mà còn là tấm gương để soi lòng mình. 

 

Trước thế giới rộng lớn và phong phú của sách, mỗi người thường có một thiên hướng đọc khác nhau. Tôi thì thích cổ văn hơn. Bởi trong đó có tâm hồn người xưa gửi lại. Đến với sách xưa, ta sẽ thấy “những người muôn năm cũ” chẳng cách xa chúng ta là bao. Họ vẫn rất gần với thế hệ chúng ta, thậm chí đi trước chúng ta rất nhiều ở tầm nhìn viễn kiến, ở tinh thần nhân văn vượt mọi thời đại.

Lần giở những trang sách cũ, ta sẽ nhận ra người Việt xưa rất yêu sách và ham đọc sách. Tiêu biểu như Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, mỗi khi nhàn rỗi thì trọn ngày đóng cửa phòng văn đọc sách: “Nhàn trung tận nhật bế thư trai” (Cả ngày nhàn rỗi đóng thư phòng đọc sách) - bài “Mộ xuân tức sự”. Thi hào Nguyễn Du cũng có một bài thơ rất hay, mượn chuyện con bướm chết trong sách để nói thay cho lòng say mê sách: “Văn đạo dã ưng cam nhất tử/ Dâm thư do thắng vị hoa mang” (Được nghe đạo rồi chết cũng cam/ Mê sách còn hơn say đắm hoa) - Điệp tử thư trung.

Không chỉ yêu sách, ông bà ta ngày trước rất coi trọng sách và đề cao ý nghĩa của việc đọc sách. Khác với Uông Thù người thời Tống quá cực đoan khi cho rằng mọi thứ trên đời đều thấp kém, chỉ có đọc sách mới là cao quý (Vạn ban giai hạ phẩm/ Duy hữu độc thư cao), nhà bác học Lê Quý Đôn của chúng ta mềm dẻo và sâu sắc hơn trong thông điệp về vai trò của sách: “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng/ Chẳng bằng kinh sử một vài pho”.

 

Đọc sách người xưa ta còn hiểu thêm về trăn trở của người đọc sách. Đó là nỗi đau đọc nhiều sách nhưng không giúp được gì cho đất nước, nhân dân, như tâm sự của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán: “Tạm vạn quyển thư vô dụng xứ/ Bạch đầu không phụ ái dân tâm” (Ba vạn quyển sách chẳng nơi dùng/Bạc đầu đành phụ nỗi thương dân) - Nhâm Dần niên lục nguyệt tác.

Tôi có người bạn gốc Sông Vệ, là nhà nghiên cứu lịch sử có tiếng trong nước. Anh là người chịu khó mua sách. Có những cuốn liên quan đến sử Việt, anh phải đặt mua với giá rất đắt. Anh thường nói rằng làm sử phải coi trọng tư liệu gốc, trong đó tư liệu đương thời và trước tác của nhân vật là những chứng cứ có giá trị nhất.

Tôi rất tâm đắc với điều này. Bởi tác phẩm được xem là đứa con tinh thần, nơi ký thác nhiều phương diện trong tư tưởng, tâm hồn của người viết. Chẳng cần đâu xa, chỉ cần đọc thơ văn của những tác giả gắn bó với Quảng Ngãi ta cũng thấy điều này. Đọc “Trương Quảng Khê tiên sinh tập”, ta sẽ thấy danh thần Trương Đăng Quế thương nhớ quê nhà xứ Quảng da diết đến dường nào. Đọc “Độn Am văn tập”, ta mới hiểu hết tâm tình của danh sĩ Nguyễn Thông trong công tác thủy lợi tại Quảng Ngãi cũng như tình cảm ông dành cho đất và người nơi đây.

“Văn như kỳ nhân”, thấy văn như thấy người vậy. Một trong những cách tốt nhất để hiểu người xưa và cả người nay, là đọc tác phẩm của họ. Đối với các loại sách cổ văn, chúng ta hiện nay gặp phải rào cản lớn về văn hóa, văn tự (viết bằng chữ Hán, chữ Nôm). Tuy nhiên, những năm qua, nhiều tác phẩm Hán Nôm quan trọng đã, đang được dịch và phổ biến. Khoảng cách xưa - nay được thu hẹp rất nhiều nhờ những ấn phẩm này.

Học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) đọc sách tại Thư viện Tổng hợp tỉnh.                                        Ảnh: Jeep Bu
Học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) đọc sách tại Thư viện Tổng hợp tỉnh. Ảnh: Jeep Bu

 

    

 

Chẳng phải ngẫu nhiên mà người xưa gọi phòng đọc sách là “thư trai” (“trai” vừa là “căn phòng”, vừa là “giữ mình thanh sạch”), khi đọc sách quần áo phải chỉnh tề, tâm ý phải thanh tịnh. Bởi đọc sách không chỉ để thu nhặt kiến thức đông tây, kim cổ, mà còn là cách để nhìn lại chính mình. Đọc sách là một trong những con đường bồi dưỡng tâm hồn tốt nhất. Đây cũng là điều tôi rút ra được sau nhiều năm đọc sách.

 

Thời sinh viên, tôi may mắn mua được khá nhiều sách. Dĩ nhiên, hầu hết trong số đó là sách cũ và sách giảm giá. Gần 2.000 đầu sách mà tôi có được chủ yếu nhờ những ngày đi tìm các tiệm sách cũ, các hàng sách vỉa hè, các trang bán sách cũ trên mạng và thậm chí là các vựa ve chai. Từ khi về Quảng Ngãi, tôi mua sách ít hơn, nhưng bù lại, tôi có nhiều thời gian hơn để đọc lại những cuốn sách mà trước đây mình chỉ đọc lướt để tìm những đoạn cần cho việc học mà thôi.

Sách không chỉ mở ra những chân trời mới mẻ, mà còn làm giàu có tâm hồn mỗi chúng ta. Không phải đợi đến “Đắc nhân tâm”, “Hạt giống tâm hồn” hay “Những tấm lòng cao cả”..., mỗi một cuốn sách hay đều mang đến cho người đọc những cảm xúc tích cực, làm rung lên những điều tốt đẹp tưởng đã ngủ quên trong sâu thẳm lòng mình, giúp ta soi mình vào đó mà thanh lọc, trưởng thành.

 
 

Sau giờ học, nhiều học sinh (HS) Trường THPT Chuyên Lê Khiết lại được thỏa mãn nhu cầu đọc sách tại thư viện, dưới những tán cây cổ thụ... Những âm thanh sột soạt lật từng trang sách trong cái không gian yên lặng của thư viện trường, thỉnh thoảng lại có những nụ cười khẽ bởi những trí tưởng tượng phong phú qua các câu từ được “ngấm” vào suy nghĩ của các cô, cậu học trò. Em Nguyễn Ngọc Bảo Uyên, lớp 10 Toán 1, Trường THPT Chuyên Lê Khiết chia sẻ, cùng với sự phát triển của công nghệ số cũng như đa dạng các loại hình giải trí, người đọc có xu hướng tiếp cận với những loại hình gần gũi hơn như smartphone, tivi... Song, em vẫn giữ thói quen đọc sách in, bởi em thích cảm giác lật từng trang sách. Sách giúp em biết được nhiều kiến thức.  

 

Em Hồ Vũ Nhật Lam, lớp 10E2, Trường THPT Chuyên Lê Khiết cho biết, em thích đọc những cuốn sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vì lời văn gần gũi với lứa tuổi HS. Thông qua những trang sách của ông, em học được cách hành văn để áp dụng vào việc viết bài. Ngoài ra, em thường đọc những cuốn sách về thể loại kể chuyện như “Hạt giống tâm hồn và ý nghĩa cuộc sống”. Chính câu chuyện của những con người bình dị trong tập sách giúp em học được bài học ý nghĩa trong cuộc sống.

Trong thời đại công nghệ số, nhiều người thay vì lật giở từng trang sách, họ tận dụng tính ưu việt của những chiếc smartphone để  tiếp cận kho tri thức của nhân loại với sách điện tử. Có thể nói, việc chuyển từ đọc sách in sang sách điện tử là một xu thế tất yếu được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Dẫu vậy, những âm thanh sột soạt khi lật từng trang sách vẫn được nhiều người ưa chuộng...

 

   

 

“Sách hay cần bạn đọc” là chủ đề về ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay, nhằm xây dựng phong trào đọc sách, tình yêu với sách góp phần xây dựng các giá trị về văn hóa, nhân cách mỗi người. Sách đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống, là người thầy thắp sáng những ước mơ. Sách dạy cho mỗi người về đức, trí, tín, lễ, nghĩa... Càng đọc sách càng nhận ra rằng kiến thức của chúng ta còn rất hạn chế so với thế giới rộng lớn, chỉ có một tinh thần học tập nghiêm túc thì mới thấy được vai trò của sách trong đời sống.

Hiện nay, phần lớn các thư viện công cộng tập trung xây dựng nguồn thông tin sách báo in để phát triển nguồn tài nguyên thông tin và phục vụ độc giả. Đồng thời, phát triển sách, báo trên nền tảng thư viện số, sách nói để giúp độc giả có thể lựa chọn loại hình nào mình muốn. Tại Thư viện Tổng hợp tỉnh, ngoài nguồn tài liệu số hóa thì nguồn tài nguyên thông tin sách, báo, hiện có hơn 200 nghìn tài liệu bảo quản ở các thể loại như chính trị - xã hội, khoa học - kỹ thuật, văn học - nghệ thuật, sách thiếu nhi, sách kỹ năng... Thư viện có 7 kho lưu trữ, gồm: Kho sách nghiên cứu, kho sách giành cho thiếu nhi, kho báo - tạp chí, kho sách luân chuyển, kho mượn, đọc, kho địa chí. Một trong những kho sách được độc giả quan tâm nhất là kho tài liệu địa chí, có trên 1.500 tài liệu.

 
Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm (TP.Quảng Ngãi) đến thư viện để học và nghiên cứu tài liệu.  			         Ảnh: trịnh phương
Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm (TP.Quảng Ngãi) đến thư viện để học và nghiên cứu tài liệu. Ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

Tại Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm, phong trào đọc sách trong cán bộ, giáo viên và sinh viên được quan tâm. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm (TP.Quảng Ngãi) Tô Kỳ Nam cho biết, để phát triển phong trào đọc sách, trường đã nâng cấp thư viện.

Ngoài sách in, nhà trường còn làm thư viện điện tử để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người đọc. Đồng thời, phát triển kho học liệu phục vụ cho thư viện với mục đích khuyến khích thầy, cô giáo và sinh viên tích cực đến thư viện để đọc sách và tải sách điện tử. Trường cũng mở rộng nguồn sách phục vụ cho việc giải trí, kiến thức mang tính phổ thông về lịch sử, văn hóa của Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng...

Nội dung: TUẤN VŨ - TR.PHƯƠNG - M.TUẤN 
Trình bày: P.DUNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 22:02, 14/04/2024