(Báo Quảng Ngãi)- Nghĩa cử tri ân, chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình cảm xuất phát từ trái tim mỗi người. Đây cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Toàn tỉnh hiện có 461 người có công thuộc diện hộ nghèo, trong đó có 103 hộ thiếu hụt nhà ở. Bằng nhiều nguồn lực, tỉnh ta đã và đang hỗ trợ các đối tượng này sớm an cư.
Bước vào năm mới, bà Lê Thị Quy (73 tuổi) là thương binh 3/4 ở thôn Nhơn Hòa 1, xã Bình Tân Phú (Bình Sơn) có thêm niềm vui mới khi căn nhà khang trang dành cho con gái bà được hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, bà Quy tham gia du kích xã, là Bí thư Đoàn thanh niên xã Bình Tân (nay là xã Bình Tân Phú). Trong quá trình hoạt động cách mạng, bà Quy bị nhiễm chất độc da cam và người con gái đầu của bà là chị Đỗ Thị Hương là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ hai. Thời gian trước, chị Hương sống cùng con trai trong căn nhà tạm bợ. Chị không có việc làm ổn định lại thường xuyên đau ốm nên đời sống gặp nhiều khó khăn và là hộ nghèo của xã Bình Tân Phú. Năm 2022, chị Hương được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng căn nhà mới, đến năm 2023 chị tiếp tục được hỗ trợ bò giống để có sinh kế phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, từ những hỗ trợ thiết thực của các cấp chính quyền, gia đình chị Hương đã chính thức thoát nghèo.
Thương binh Lê Thị Quy chăm sóc con bò được các cấp chính quyền hỗ trợ cho con gái bà có sinh kế vươn lên thoát nghèo. ẢNH: VŨ YẾN |
“Căn nhà được xây dựng từ sự giúp đỡ của các cấp chính quyền cùng sự hỗ trợ của các em của Hương. Tôi rất mừng vì mong ước của mình đã hoàn thành khi con gái có thể ổn định cuộc sống, thoát khỏi cảnh nghèo khổ”, bà Lê Thị Quy cho biết.
Cuối tháng 10/2023, từ nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, tỉnh đã hỗ trợ cho 61 người có công thuộc diện hộ nghèo ở 5 huyện miền núi và huyện Lý Sơn với kinh phí 50 triệu đồng/hộ; hỗ trợ 6 hộ sửa chữa nhà ở với kinh phí 20 triệu đồng/hộ và hỗ trợ cho 306 hộ xây dựng nhà vệ sinh với kinh phí 10 triệu đồng/hộ. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bùi Đức Thọ cho biết, hiện nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phát động lập thành tích chào mừng Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2024 - 2029, với mục tiêu đảm bảo nhà ở cho 103 hộ người có công hiện đang thiếu hụt về nhà ở.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn thăm người có công cách mạng huyện Minh Long. ẢNH: VŨ YẾN |
“Ngoài những hộ được hỗ trợ về nhà ở, ngành LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục vận động, hỗ trợ những hộ thiếu hụt những tiêu chí khác, đảm bảo các hộ có thể thoát nghèo trong nhiệm kỳ này”, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Trần Hoài Thu cho biết.
Quảng Ngãi là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, đã góp nhiều sức người, sức của cùng với nhân dân cả nước đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Trải qua các cuộc kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã không quản ngại gian khổ, hy sinh. Toàn tỉnh có hơn 181 nghìn lượt người được xác nhận là người có công cách mạng. Hiện có gần 49 nghìn lượt người đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng hằng tháng.
Bên cạnh thực hiện tốt các chính sách của trung ương để chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần người có công với cách mạng và các gia đình chính sách, tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách riêng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công với cách mạng và gia đình chính sách. Cuối năm 2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 (gọi là cán bộ lão thành cách mạng) và người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 (gọi là cán bộ tiền khởi nghĩa) thường trú trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 1.500 người được công nhận là cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa, hiện nay còn sống 24 người (3 cán bộ lão thành cách mạng và 21 cán bộ tiền khởi nghĩa). Đây là lớp người làm nhiệm vụ cách mạng khi Đảng ta chưa có chính quyền, đã có nhiều cống hiến cho cách mạng, xã hội. Nay các cụ đã tuổi cao, sức yếu, vì vậy việc ban hành chính sách này rất kịp thời và phù hợp, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp chính quyền và nhân dân trong tỉnh đối với các đối tượng này.
Chăm lo gia đình người có công với cách mạng không chỉ là việc làm thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và hội, đoàn thể các cấp, mà đã lan tỏa đến mỗi cá nhân, nhà hảo tâm. Trong 3 năm qua, thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, gia đình ông Lê Hồng Thái - một người con Quảng Ngãi đang sinh sống tại TP.Hà Nội đã nhận phụng dưỡng 101 Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn tỉnh, đến nay còn sống 87 mẹ. Theo đó, mỗi mẹ được gia đình ông Thái hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng đến cuối đời. Ngoài ra, trong các dịp lễ, Tết, ông Thái dành tặng nhiều món quà ý nghĩa cho các mẹ; khi các mẹ ốm đau, nằm viện ông Thái cũng hỗ trợ người trực tiếp chăm sóc.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bùi Đức Thọ và đại diện gia đình ông Lê Hồng Thái trao tiền phụng dưỡng cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thư, ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: H.THU |
Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thư, ở tổ 2, phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ, trong thời gian qua, mẹ luôn nhận được sự quan tâm, thăm hỏi kịp thời đến từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương. Điều này làm cho mẹ cảm thấy rất ấm lòng, luôn tự hào trước sự hy sinh anh dũng của các con của mẹ để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Một năm mới nữa lại đến, mẹ chỉ mong có thêm sức khỏe để nhìn thấy con cháu trưởng thành, quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp, nhà nhà hạnh phúc, ấm no.
Chúng tôi đến thăm căn nhà mới xây dựng còn thơm mùi vôi vữa của bà Nguyễn Thị Ngọc, ở phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ) vào một ngày cuối đông. Trong căn nhà cấp 4 được xây dựng kiên cố, ấm cúng, bà Ngọc không giấu nổi niềm vui. Bà Ngọc chia sẻ, vì cuộc sống quá khó khăn nên tôi không có khả năng để xây căn nhà đàng hoàng để ở. Nhờ Vietcombank Quảng Ngãi hỗ trợ 50 triệu đồng cùng với sự hỗ trợ của mọi người mà tôi mới xây dựng được căn nhà này. Bây giờ có mưa gió gì tôi cũng không lo nữa.
Còn bà Phan Thị Lụa, ở xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ) được đơn vị tài trợ bàn giao căn nhà từ nhiều tháng trước nhưng niềm vui đến với bà như mới hôm qua. “Mọi năm, cứ đến mùa mưa là tôi ngồi trong nhà vẫn phải mặc áo mưa vì nhà dột tứ phía. Khi có bão, tôi lại đứng ngồi không yên, phải đi tránh trú nhà hàng xóm. Còn từ mùa mưa bão năm nay, tôi đã yên tâm tránh trú trong chính ngôi nhà của mình. Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ năm nay mình có nhà mới”, bà Lụa xúc động nói.
Đại diện lãnh đạo BIDV Quảng Ngãi bàn giao nhà tình nghĩa cho bà Phan Thị Lụa, ở xã Phổ Cường (TX. Đức Phổ). ẢNH: HỒNG HOA |
Căn nhà của bà Lụa được xây dựng từ nguồn hỗ trợ 50 triệu đồng của BIDV Quảng Ngãi. Ngoài số tiền này, địa phương đã vận động thêm gia đình, họ hàng và người dân đóng góp kinh phí, ngày công để xây dựng ngôi nhà được khang trang, kiên cố hơn. Từ đầu năm đến nay, BIDV Quảng Ngãi đã hỗ trợ xây dựng 7 căn nhà tình nghĩa và các hoạt động an sinh khác trên địa bàn, với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. Chi phí hỗ trợ được trích từ nguồn quỹ công đoàn của BIDV, với sự đóng góp của cán bộ, nhân viên, người lao động của đơn vị.
Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi Võ Văn Linh cho biết, trong năm 2023, Vietcombank Quảng Ngãi đã hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho 6 hộ gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, chi nhánh còn tài trợ học bổng, phụng dưỡng và tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng quà cho người nghèo trong tỉnh... Tổng kinh phí dành cho an sinh xã hội (ASXH) của Vietcombank Quảng Ngãi trong năm 2023 gần 1,2 tỷ đồng.
Trong năm 2023, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực mở rộng mạng lưới hoạt động, triển khai các giải pháp kinh doanh, xây dựng nhiều gói tín dụng phù hợp với từng phân khúc khách hàng. Các ngân hàng đã đẩy mạnh chuyển đổi số, đa dạng các dịch vụ nhằm mang lại tiện ích tốt nhất cho khách hàng. Qua đó, giúp doanh nghiệp, người dân thuận lợi vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong năm qua, ngành ngân hàng đã triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ như miễn, giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ... giúp khách hàng vượt qua khó khăn, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Trong năm 2023, bằng nhiều việc làm cụ thể và thiết thực, các chi nhánh ngân hàng đã phát huy tốt tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2023, ngành ngân hàng tỉnh đã dành hơn 3 tỷ đồng cho công tác ASXH và hoạt động thiện nguyện trên toàn tỉnh. Tùy theo mỗi ngân hàng sẽ dành nguồn lực cũng như xây dựng các chương trình ASXH khác nhau như hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở, trường học; hỗ trợ thiết bị dạy học, thiết bị y tế; trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; ủng hộ quỹ vì người nghèo...
Đại diện lãnh đạo Vietcombank Quảng Ngãi bàn giao công trình Trường Mầm non Đức Tân (Mộ Đức) trị giá 5 tỷ đồng vào đầu năm 2023. ẢNH: HỒNG HOA |
Giám đốc BIDV Dung Quất Phạm Minh Hùng cho biết, trong 7 năm qua, BIDV Dung Quất đã dành gần 11 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của BIDV và cán bộ, nhân viên chi nhánh đóng góp để thực hiện các chương trình ASXH tại Quảng Ngãi. Để chuẩn bị cho chương trình ASXH nhân dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, BIDV Dung Quất đã tổ chức giải chạy thiện nguyện online “BIDVRUN - Tết ấm cho người nghèo” do BIDV triển khai trong toàn hệ thống. Toàn bộ thành tích hoạt động của các vận động viên sẽ được BIDV quy đổi thành tiền để tặng quà Tết cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Nội dung: VŨ YẾN - HỒNG HOA
Trình bày: Q.DUYÊN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: