(Báo Quảng Ngãi)- Các thầy, cô giáo ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn (Nghĩa Hành) đến với các em bằng tất cả tình thương, sự bao dung và trách nhiệm. Niềm hạnh phúc đối với họ đơn giản chỉ là giúp HS vơi đi nỗi bất hạnh, tiến bộ mỗi ngày và tự tin để hòa nhập cộng đồng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn trao thưởng cho giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2022 - 2023. ẢNH: TR.PHƯƠNG |
Người mà hàng nghìn trẻ em khuyết tật ở Quảng Ngãi xem như người mẹ thứ hai của mình, người đã mang đến cho các em niềm vui trong cuộc sống, giúp các em được học tập, vui chơi và hòa nhập cộng đồng, đó là Giám đốc Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn Nguyễn Thị Thu Hà. Bà Nguyễn Thị Thu Hà nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh. Người phụ nữ giàu lòng nhân ái này đã để lại ấn tượng mạnh cho chúng tôi ngay từ lần gặp đầu tiên về một con người đức độ, nhã nhặn và khiêm tốn. Bà Hà bảo, hãy viết về công sức của các thầy, cô giáo ở trung tâm thay vì viết về bản thân tôi. Bởi đó là việc mà tôi nên làm, cũng là để hoàn thành di nguyện của chồng là cố nhà báo Võ Hồng Sơn - nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng.
Ngoài giảng dạy, các thầy, cô giáo ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn còn là người bạn của trẻ khuyết tật. ẢNH: MỸ DUYÊN |
Bà Hà kể, trước đây, vào mỗi dịp Tết, tôi cùng chồng về quê của anh ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành). Trong khoảng thời gian đó, tôi được chồng đưa đến nhiều nơi ở Quảng Ngãi để ghé thăm trẻ em khuyết tật. Thấu hiểu nỗi niềm của chồng là mong muốn xây dựng trung tâm nuôi dạy miễn phí cho trẻ khuyết tật ngay trên mảnh đất quê hương, vì thế, sau khi anh qua đời, năm 2014, tôi đã dùng số tiền phúng điếu và được gia đình chồng ủng hộ, hiến gần 5.000m2 đất để xây dựng Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn.
Hơn 9 năm qua, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn là ngôi trường đong đầy yêu thương. Ở mái trường này có cả những giọt mồ hôi và nước mắt khi cả thầy và trò cùng nỗ lực. Thầy, cô giáo đã tiếp sức để HS khuyết tật có thêm nghị lực vượt qua mặc cảm, tự ti, học tập và tiến bộ mỗi ngày. Đặc biệt, tấm lòng của các nhà hảo tâm trong cả nước đã hướng về trung tâm để giúp trẻ khuyết tật có cơ hội được chăm sóc, học tập. Bình quân mỗi năm học, trung tâm nuôi dạy từ 100 - 120 trẻ khuyết tật. Các em được học văn hóa từ lớp 1 đến lớp 9 và học các nghề may, thêu vi tính, thêu tay... Đến nay, có gần 40 em hòa nhập cộng đồng, tự lo cho cuộc sống bản thân nhờ vào nghề đã học ở trung tâm.
Bà Hà chia sẻ, dẫu còn nhiều khó khăn về nguồn kinh phí để duy trì việc nuôi dạy trẻ khuyết tật, nhưng bên cạnh tôi luôn có đội ngũ quản lý và các thầy, cô giáo tận tâm đồng hành, tiếp sức cho tôi vượt qua khó khăn. “Không để trẻ khuyết tật bị bỏ lại phía sau” là điều mà tôi và những thầy cô ở trung tâm muốn hướng tới trong suốt hành trình nuôi dạy trẻ khuyết tật.
Gắn bó với trung tâm từ những ngày đầu thành lập, thầy giáo Nguyễn Đăng Vinh (35 tuổi) chia sẻ, tôi dành hết tâm huyết để dạy trẻ khuyết tật. Mỗi em mang một dạng khuyết tật khác nhau, có em bị thiểu năng trí tuệ, có em bị khiếm thính, em thì dị tật cơ thể. Các em rất mau quên, dạy các em học chữ, làm Toán hôm trước, hôm sau lại quên. Có em tính tình nóng nảy, không kiểm soát được hành động, tôi phải nhẹ nhàng thuyết phục, dỗ dành. Tôi thường nói vui nhưng thật lòng rằng, thầy cô ở trung tâm không chỉ giảng dạy, chăm sóc cho các em HS, mà còn được chính các em dạy lại tính nhẫn nại và lòng yêu thương.
Thầy giáo Nguyễn Đăng Vinh vừa là thầy, vừa là bạn của các em học sinh. ẢNH: MỸ DUYÊN |
Luôn biểu dương, khuyến khích HS là cách mà cô giáo Võ Thị Xuân (30 tuổi) vận dụng mỗi khi lên lớp. Các em ở lớp may thêu của cô Xuân đa phần bị khiếm thính, thiểu năng trí tuệ, nên muốn giao tiếp, truyền dạy cho các em, cô giáo Xuân phải nỗ lực từng ngày. Có những công đoạn may, thêu rất đơn giản, nhưng ngày nào cô Xuân cũng cầm tay HS giảng dạy nhiều lần để các em nhớ. Khoảnh khắc các em phấn khởi khi hoàn thành một sản phẩm và có được thu nhập từ những sản phẩm do chính tay mình làm ra là động lực để cô Xuân tiếp tục gắn bó với việc dạy dỗ HS khuyết tật.
Cô giáo Võ Thị Xuân dạy may thêu cho học sinh khuyết tật. ẢNH: MỸ DUYÊN |
“Dạy HS bằng tâm huyết và tình yêu thương thì mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản và hiệu quả hơn. Tôi vừa dạy, vừa dỗ dành, động viên, khích lệ các em, giúp các em thoát khỏi rào cản tự ti, phát huy năng lực của mình”, cô Xuân bộc bạch.
Với các thầy, cô giáo ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn, niềm hạnh phúc lớn lao là khi HS được hòa nhập cộng đồng, là khi các em vượt qua nỗi bất hạnh, bước tiếp trong cuộc đời với niềm tin và sự lạc quan. Từ một HS khiếm thính ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn, giờ đây, chị Nguyễn Thị Kim Ngân (29 tuổi) là trợ giảng bộ môn may thêu ở trung tâm. Thông qua “phiên dịch” của các thầy, cô giáo ở trung tâm, chúng tôi hiểu hơn về những chia sẻ của chị Ngân. Chị Ngân tâm sự rằng, chính sự chỉ dạy tận tâm của giáo viên đã giúp chị thành công, tạo ra những sản phẩm may thêu bắt mắt. “Sau khi tốt nghiệp, tôi ở lại gắn bó với trung tâm, bởi một lý do duy nhất là đồng cảm với những em có chung số phận như tôi. Tôi muốn giúp đỡ trẻ em khuyết tật như các thầy, cô giáo ở trung tâm đã từng giúp đỡ tôi. Hơn 6 năm qua, tôi luôn cố gắng mỗi ngày để động viên, truyền động lực cho những đứa trẻ kém may mắn, giúp các em không chùn bước trước nghịch cảnh”, chị Ngân tâm sự.
Chúng tôi gọi phòng tranh Tự Lực trên đường Bà Triệu, phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) là phòng tranh đặc biệt, bởi những bức tranh ở đây được vẽ nên từ chính nghị lực của một bạn trẻ bị câm điếc bẩm sinh. Chủ sở hữu phòng tranh này là em Lê Đinh Hoàng Quyền (21 tuổi). Thông qua những dòng chữ được viết trên vở, Hoàng Quyền chia sẻ về những tháng ngày em đã được yêu thương và tiếp thêm nghị lực khi được học tập tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn. Hoàng Quyền cho biết, em được các thầy cô phát hiện có năng khiếu hội họa và đã động viên, tạo điều kiện để em theo đuổi đam mê. Càng vẽ, em càng cảm nhận từ sâu thẳm trong tâm hồn mình luôn bùng cháy những ước mơ, khát vọng về một ngày mai tươi sáng. Thế là từ đó, em chăm chỉ sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mang đậm hơi thở cuộc sống. Những bức tranh của em có thể chưa đẹp nhất, nhưng đó luôn là những bức tranh được vẽ nên từ trái tim đầy cảm xúc và khát vọng vươn lên của chính mình.
Cô gái trẻ Hoàng Quyền đã nhiều lần đoạt giải cao tại các cuộc thi mỹ thuật dành cho HS, thanh niên khuyết tật. Giờ đây, phòng tranh Tự Lực của Hoàng Quyền không chỉ là không gian giúp em phát triển năng khiếu, mà còn trở thành nơi để Hoàng Quyền truyền cảm hứng, kinh nghiệm cho những bạn trẻ cùng cảnh ngộ. “Nhìn lại hành trình vượt qua mặc cảm, chiến thắng bản thân của mình, em rất xúc động. Giờ đây, em đã tự tin trở thành một người sống có ích. Em muốn nhắn nhủ với các bạn khuyết tật rằng, cuộc sống của người khuyết tật có thể sẽ có trở ngại, nhưng đam mê thì không có giới hạn. Bởi vậy, các bạn hãy vượt qua nỗi đau và theo đuổi đam mê”, Hoàng Quyền chia sẻ.
Các em học sinh khiếm khuyết, thiểu năng dần trở nên vui vẻ, hòa nhập cộng đồng sau khi học tập tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ Khuyết tật Võ Hồng Sơn. ẢNH: MỸ DUYÊN |
PHƯƠNG LÝ - MỸ DUYÊN
Trình bày: VÕ VĂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: