Thực hiện Nghị quyết số 21, khóa XIII: Nền tảng để Đảng mạnh từ gốc (kỳ cuối)

17:34, 28/09/2023
.
 

Nghị quyết số 21, khóa XIII đã mở ra tầm nhìn, yêu cầu mới, dẫn lối, chỉ đường cho công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong toàn đảng bộ. Tuy đã đạt những kết quả bước đầu, song để nâng cao hơn nữa chất lượng TCCSĐ, các cấp ủy đảng cần phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm, đề cao sự sáng tạo và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

 

Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi hiện có 17 đảng bộ trực thuộc; 778 TCCSĐ (291 đảng bộ cơ sở, 487 chi bộ cơ sở), với hơn 56 nghìn đảng viên. Với nhiều biện pháp tích cực, đồng bộ, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, toàn diện các nội dung về tổ chức xây dựng, củng cố, xây dựng TCCSĐ, nâng cao chất lượng đảng viên. Phần lớn TCCSĐ, đảng viên trong Đảng bộ tỉnh đã giữ vững, phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên. 

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì một số nhiệm vụ vẫn chưa làm tốt như việc thông tin, định hướng chỉ đạo triển khai nội dung sinh hoạt chi bộ đôi lúc vẫn còn đơn điệu. Việc nắm tình hình, diễn biến tư tưởng, định hướng cho đảng viên trước những vấn đề phát sinh có lúc, có việc chưa kịp thời. Việc phát huy vai trò của đảng viên trong công tác định hướng dư luận xã hội, trách nhiệm của đảng viên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch hiệu quả chưa cao. Mặc dù đã chỉ đạo quyết liệt nhưng công tác kết nạp đảng viên mới đạt thấp, tỷ lệ đảng viên/vạn dân còn thấp so với các tỉnh trong khu vực... 

 


Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 21, khóa XIII có hiệu quả, Tỉnh ủy đã cụ thể hóa thành 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm; 2 nhóm nhiệm vụ cụ thể với 20 nội dung nhiệm vụ chi tiết, có mục tiêu, chỉ tiêu, lộ trình thực hiện cụ thể. Hiện nay, một số nhiệm vụ đã triển khai thực hiện, bước đầu tạo được sự đồng thuận rất cao, điển hình là phong trào thi đua xây dựng “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt”; thành lập một số tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân; giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới cho các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, chỉ đạo công tác "tạo nguồn" phát triển đảng viên mới, nhất là công nhân ở các KKT, KCN và học sinh trong các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Phân công Tỉnh ủy viên tham gia sinh hoạt ở TCCSĐ mỗi năm 2 lần; triển khai phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”; triển khai mô hình “Dân tin, Đảng cử”, chỉ đạo thực hiện tốt mô hình bí thư hoặc phó bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố...

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân (bên phải) trao đổi với bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố ở huyện Nghĩa Hành.        ẢNH: THANH THUẬN
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân (bên phải) trao đổi với bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố ở huyện Nghĩa Hành. Ảnh: T. THUẬN

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, tôi có dịp được tham gia sinh hoạt với chi bộ thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận (Bình Sơn) và chi bộ thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa), thì thấy các đồng chí bí thư chi bộ và đảng viên nhận thức rất rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các nhiệm vụ đặt ra ở địa phương như xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, kết nạp đảng… Nghĩa là hơi thở của cuộc sống, của địa phương mình đã được phản ánh và được chỉ đạo bằng hiệu quả hoạt động của chi bộ. Không phải tất cả các chi bộ đều thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, nhưng qua việc sinh hoạt, qua đánh giá thì cơ bản các chi bộ đã gắn kết nhiệm vụ lãnh đạo với nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị mình rất sâu sát. 

 

Thực tiễn minh chứng, TCCSĐ là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân; đội ngũ đảng viên có vai trò trực tiếp và là nhân tố cơ bản quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ. Do đó, trong giai đoạn mới, cần tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ gắn liền với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phải lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ sở và sự hài lòng của nhân dân làm thước đo năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ; phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất hơn nữa trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện từ cơ sở. Đặc biệt, cần chú trọng công tác tổ chức sinh hoạt chi bộ hiệu quả. Điều này không chỉ quyết định sức sống của chi bộ, mà còn biểu hiện năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và tính giáo dục của Đảng. Chính từ những hoạt động sinh hoạt này sẽ góp phần tích cực vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị.

“Trong chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy các cấp phải đề ra các giải pháp để cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm các quy định về kỷ luật, kỷ cương; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đề cao tính kỷ luật, kỷ cương của Đảng, tính chiến đấu, tự phê bình, phê bình và nâng cao trách nhiệm đảng viên trong sinh hoạt chi bộ. Đồng thời, tỉnh cũng gắn nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như việc định hướng, chỉ đạo mỗi đảng viên phải phụ trách, giúp đỡ một nhóm hộ gia đình theo Kết luận số 38-KL/TW ngày 13/11/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đối với công tác phát triển đảng viên, tỉnh tập trung 3 nhóm đối tượng, đó là phát triển đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, phát triển đảng trong địa bàn khu dân cư và phát triển đảng trong học sinh, sinh viên. 

 

Với từng đối tượng thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã tổ chức hội nghị chuyên đề và có những hướng dẫn chỉ đạo cụ thể. Hiện nay, tại KKT Dung Quất và KCN của tỉnh có trên 69 nghìn công nhân và người lao động. Một số doanh nghiệp đã có chi bộ, có doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng nhưng có đảng viên. Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo khảo sát, nắm số lượng đảng viên ở từng doanh nghiệp để thành lập “Chi bộ nòng cốt“ tại KKT Dung Quất và các KCN tỉnh để các đảng viên tại doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng có điều kiện tham gia sinh hoạt. Chính những đảng viên này sẽ là lực lượng nòng cốt trong việc phát hiện, giới thiệu quần chúng ưu tú tại doanh nghiệp, xí nghiệp, đơn vị mình công tác. Đặc biệt, cùng với tổ chức công đoàn để giới thiệu những đoàn viên công đoàn ưu tú, những đoàn viên, thanh niên ưu tú để kết nạp vào Đảng. Và từ vai trò nòng cốt của 1 - 2 đồng chí đảng viên tại doanh nghiệp đó, sẽ tạo điều kiện cho chúng ta xây dựng lực lượng đông đảo hơn và từ một chi bộ nòng cốt, chúng ta sẽ thành lập được tổ chức đảng ở từng doanh nghiệp, từng đơn vị khi có đủ điều kiện. Với cách làm sáng tạo này, hy vọng thời gian tới Quảng Ngãi sẽ thực hiện tốt việc xây dựng tổ chức đảng vững mạnh hơn và công tác phát triển đảng mạnh về số lượng, đảm bảo về chất lượng”,  Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh.

Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng miền Trung, đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước. Hơn lúc nào hết, từng TCCSĐ, từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không ngừng đổi mới sáng tạo, khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần năng động, dám nghĩ, dám làm, thực hiện các nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Đó cũng chính là khát vọng vươn lên, xây dựng quê hương xứng tầm với truyền thống yêu nước và cách mạng của các thế hệ người Quảng Ngãi trong giai đoạn hiện nay.

 

Nội dung: SA HUỲNH - HOÀNG HÀ
Thiết kế, trình bày: L.H

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

  

Xuất bản lúc: 17:34, 28/09/2023