[Emagazine]. Khơi nguồn đam mê văn hóa truyền thống

11:16, 29/06/2023
.

(Baoquangngai.vn)- Tự hào với những nét đẹp trong văn hóa truyền thống, đồng thời lo lắng trước nguy cơ mai một những giá trị văn hóa mang tính hồn cốt của dân tộc mình, tại nhiều địa phương ở vùng cao Quảng Ngãi, một số hạt nhân tiêu biểu đã tiên phong thành lập các đội văn nghệ, đội cồng chiêng… để tổ chức sinh hoạt văn hóa, truyền dạy cho thế hệ trẻ và kết hợp phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Kỳ 1: ĐÁNH THỨC NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA ĐỒNG BÀO VÙNG CAO

Quảng Ngãi có 5 huyện miền núi, gồm: Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây và Trà Bồng, với 3 dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu là Hrê, Cor và Cadong… Nơi đây có cả một kho tàng sử thi và rất nhiều loại hình văn hóa truyền thống có giá trị được lưu truyền giữa các thế hệ, được xem là mạch nguồn nuôi dưỡng, hình thành nên cốt cách của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

“Em hãy về quê hương Minh Long

Trên núi đồi bát ngát rừng chè

Em cùng về Minh Long quê ta

Thanh An Thác Trắng, ta cùng về Long Mai…”

Đó là giai điệu trong bài hát “Minh Long ngày mới”, do ông Hà Viết Sỹ (56 tuổi), ở xã Thanh An (Minh Long) sáng tác, rất mộc mạc và vui tươi, vừa đoạt giải B Liên hoan Văn nghệ quần chúng tỉnh Quảng Ngãi năm 2023.

 

Ông Sỹ nguyên là Trung tá công an, công tác tại Công an huyện Minh Long. Ông là người lãng mạn, có tâm hồn nghệ sĩ. Ngôi nhà nhỏ của ông nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng, ngọt ngào hương thơm của lúa, của chè... Đó cũng là nơi ông thỏa sức thể hiện niềm đam mê của mình với nhạc cụ truyền thống, đặc biệt là chiêng sau những giờ lao động vất vả. Mỗi khi có khách đến thăm, ông lại lấy bộ chiêng cũ, mặt chiêng đã mòn theo thời gian để giới thiệu. Đó là tài sản vô giá mà cha ông truyền lại. Dù có nhiều người mong muốn đổi bằng trâu, bò để sở hữu bộ chiêng ấy, nhưng ông kiên quyết từ chối.

Để minh chứng cho tài nghệ mà ông học được từ những người đi trước, ông Sỹ liền lấy chiêng ra đánh một hồi cho chúng tôi thưởng thức. Âm điệu lúc trầm, lúc bổng, lúc nhẹ nhàng, lúc thúc giục như chính câu chuyện về cuộc đời ông gửi gắm vào trong đó. Tiếng chiêng ngân vang cũng là lúc dân làng kéo đến nhà ông Sỹ một đông hơn. Họ không chỉ muốn nghe, mà còn muốn thông qua tiếng chiêng để báo với thần linh về vụ mùa vừa qua, dân làng bội thu, no ấm, diện mạo quê hương Thanh An ngày càng tươi mới, giàu đẹp; cái đói nghèo dần lùi xa.

Cồng chiêng là một loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Hrê và các dân tộc ở dãy đất Trường Sơn - Tây Nguyên hùng vĩ từ bao đời nay. Thanh âm của chiêng gắn liền với cuộc đời mỗi con người từ khi sinh ra cho đến khi mất đi; có giá trị lớn về tinh thần, là di sản kết nối dân làng lại với nhau trong những ngày lễ lớn của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, như lễ cúng mừng lúa mới, xin sức khỏe…

Người Hrê gọi chiêng là Chinh. Đánh chiêng là Túc Chinh. Chiêng của người Hrê có chiêng ba và chiêng năm, không có cồng. Riêng chiêng năm thường thấy ở xã Ba Nam (Ba Tơ) và một số xã lân cận. Người Hrê thường sử dụng loại chiêng ba, có 3 chiếc, gồm: chiêng mẹ, chiêng cha và chiêng con. Với chiêng con, khi thể hiện, âm thanh nghe tinh nghịch, thánh thót và là chiêng có kỹ thuật thể hiện khó nhất.

Theo ông Sỹ, chiêng của người Hrê có 3 chiếc, nhưng khi thể hiện phải đầy đủ bốn giai điệu, gồm: Chinh K’oa, mô phỏng tiếng ếch, nhái kêu; Chinh Tuguốc, mô phỏng tiếng hát của một loài chim Tuguốc (tượng thanh), rất gần gũi và thân thương với người Hrê; Chinh H’lây là điệu chiêng được mô phỏng như tiếng mưa, gió thổi, tiếng thác đổ, nước suối chảy; Chinh Nâng được thể hiện theo làn điệu ca choi trong sáng khi nam nữ đối đáp nhau trong các ngày hội giao lưu… Khi tấu chiêng, người Hrê không dùng dùi mà đánh bằng tay.

“Chiêng đã ăn sâu vào trong tiềm thức của đồng bào vùng cao. Trước đây, do đặc thù công việc áp lực, không có nhiều thời gian để thể hiện niềm đam mê. Những năm gần đây, tôi chợt nhận ra giá trị của văn hóa dân tộc mình đang mai một nhanh chóng, trong đó có cồng chiêng. Đau đáu và trăn trở lắm! Điều đó thôi thúc tôi trở về làng, tìm cách gìn giữ, lưu truyền cho con cháu cách sử dụng nhạc cụ này”, ông Sỹ bày tỏ.

Khi Khu du lịch sinh thái Thác Trắng (Minh Long) ngày càng có nhiều du khách đến tham quan, ông Sỹ vận động những người yêu thích nhạc cụ này, thành lập một đội chiêng và tham gia biểu diễn khi du khách có nhu cầu. Đội hoạt động bài bản và rất chuyên nghiệp. Ban đầu, thành viên của đội chiêng là con cháu của ông Sỹ, nhưng nay thì có rất đông người dân, cán bộ trong xã tham gia là đại diện Ban CHQS, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên xã… Giờ đây, ngọn lửa chiêng luôn bừng sáng, họ có mặt khắp nơi, xôn xao cả đại ngàn, từ sân khấu làng, xã cho đến huyện, tỉnh, thu hút đông đảo người xem.

 

Nằm cách thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) khoảng 10km, thôn Làng Mùng, ở xã Sơn Bao là vùng đất còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Hrê. Với lợi thế có hồ chứa nước Nước Trong nên địa phương đang khai thác để phát triển du lịch cộng đồng. Ở đây, có Đội văn nghệ thôn Làng Mùng rất nổi tiếng, từng đại diện cho huyện, tỉnh đi biểu diễn, giao lưu ở nhiều tỉnh, thành phố trong dãy Trường Sơn - Tây Nguyên. Sự thành công của đội văn nghệ đều ghi dấu ấn đóng góp của bà Nguyễn Thị Thùy (52 tuổi), cán bộ bán chuyên trách, phụ trách lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao xã Sơn Bao.

Sinh ra và lớn lên ở xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa), nhưng từ khi có chồng là người Hrê ở xã Sơn Bao, bà Thùy ngày càng thêm yêu văn hóa truyền thống của đồng bào Hrê. Mỗi ngày trôi qua, bà luôn được sống trong không gian văn hóa đặc sắc của người Hrê theo lẽ tự nhiên nhất. Tiếng sáo của già làng vào mỗi sáng sớm như gọi nhà nhà thức dậy, bắt đầu một ngày lên nương rẫy. Âm vang của chiêng ba vào mỗi buổi chiều như nhắc nhở mọi người mau chóng rời rẫy về làng trước khi mặt trời xuống núi. Giai điệu dân ca ngọt ngào, say đắm của các mẹ, các chị khi đêm về giúp mọi người được thư giãn sau một ngày làm việc mệt nhọc. Thanh âm núi rừng lớn dần theo năm tháng, đưa người phụ nữ Kinh sống hòa mình vào bản sắc văn hóa đặc trưng của người Hrê.

“Đó là chuyện của hàng chục năm về trước. Còn bây giờ, văn hóa dân tộc Hrê đang dần bị mai một ở nhiều nơi, trên những ngôi làng của Sơn Bao nói riêng và vùng cao nói chung. Vì trót lỡ say mê với lời ca, điệu múa, tiếng đàn; đau đáu và lo sợ các thế hệ con, cháu mang trong người dòng máu Hrê quên đi bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc, đã thôi thúc tôi phải làm gì đó để bảo tồn các nhạc cụ, làn điệu dân ca. Với suy nghĩ đó, năm 2000, Đội văn nghệ thôn Làng Mùng đã ra đời”, bà Thùy cho hay.

Đội văn nghệ làm sống dậy đời sống văn hóa tinh thần trong người dân. Ban đầu, đội chỉ có 8 thành viên, đến nay có 22 thành viên, trong đó có 6 thành viên chơi nhạc cụ, còn lại là diễn viên. Để đội hoạt động nền nếp, có hiệu quả như hôm nay là cả một hành trình gian nan. Khó khăn nhất là công tác vận động người dân tham gia, vì không phải ai cũng có thời gian và được gia đình tạo điều kiện để tham gia.

Tranh thủ lúc nông nhàn, vào các buổi tối cuối tuần, bà Thùy tập trung toàn đội tập luyện. Để khắc phục khó khăn, thiếu thốn ở vùng cao, bà lặn lội vượt qua tận Làng Teng, ở xã Ba Thành (Ba Tơ) học nghề dệt thổ cẩm và quay về hướng dẫn chị em may những bộ trang phục đặc sắc để phục vụ cho đội văn nghệ khi tham gia buổi diễn; vận động nam giới trong làng chế tác một số nhạc cụ dân tộc. Các nhạc cụ độc đáo, vật dụng có giá trị trong đời sống văn hóa của người Hrê vẫn còn lưu giữ tại gia đình và trở thành tài sản chung của thôn Làng Mùng khi có đợt biểu diễn.

Giờ đây, đến với hồ chứa nước Nước Trong, khách tham quan sẽ được đắm mình trong không khí trong lành khi du ngoạn trên thuyền giữa bốn bề sông nước, mây núi; thưởng thức những món ăn đặc trưng. Không những thế, du khách còn được chiêm ngưỡng những điệu nhảy nhẹ nhàng, uyển chuyển của các thôn nữ vùng cao trong trang phục truyền thống của đồng bào Hrê, hòa lẫn trong tiếng cồng chiêng, nhạc điệu đặc sắc… đến từ Đội văn nghệ thôn Làng Mùng.

 

Chuyên viên Phòng VH&TT huyện Sơn Hà Đinh Minh Hùng cho biết, dù bản thân là cán bộ bán chuyên trách, mức thu nhập thấp, nhưng hàng chục năm qua, bà Thùy đã dành nhiều tâm huyết, góp phần bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Hrê ở Sơn Hà. Những lễ hội truyền thống, những điệu múa, làn điệu dân ca tưởng chừng lãng quên, nhưng giờ được đội văn nghệ luyện tập, phục dựng lại từ tài năng và niềm say mê học hỏi của bà. Đây là tấm gương điển hình trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và được huyện khen thưởng vào năm 2022, vì có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa dân tộc Hrê cho người dân địa phương.

Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Văn Tiến, dù chiếm tỷ lệ rất ít, hoạt động còn mang tính chất tự phát, kinh phí hạn chế, nhưng các đội văn nghệ, câu lạc bộ cồng chiêng ở các huyện miền núi trong tỉnh đã phát huy hiệu quả, góp phần rất lớn trong việc nâng cao đời sống tinh thần, ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào vùng cao. Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 20230, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025, ngành đã xây dựng kế hoạch thực hiện Dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Thời gian đến, Sở sẽ tham mưu tỉnh chỉ đạo thành lập các đội văn nghệ, câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian ở các địa phương, nhất là nơi có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng để người dân vừa giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng.

 (Còn nữa)

 Kỳ 2: TIẾP NỐI NHỮNG MẠCH NGUỒN VĂN HÓA

 Bài, ảnh: THIÊN HẬU - THANH NHÀN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 11:16, 29/06/2023