(Báo Quảng Ngãi)- Những địa mạo, địa chất, giá trị văn hóa, lịch sử... đặc sắc ở huyện Lý Sơn đã được "đánh thức" trong những năm gần đây, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch, các nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu. Nhân sự kiện “Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Lý Sơn lần thứ II - năm 2019”, phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh xoay quanh nội dung này.
---------------------------------------------------------------
- PV: Xin ông cho biết cụ thể về những “Tinh hoa di sản lễ hội, địa chất” truyền thống trên địa bàn huyện Lý Sơn?
Ông Lê Văn Ninh: Như chúng ta đã biết, Lý Sơn là nơi lưu giữ những bằng chứng lịch sử thiêng liêng về chủ quyền của Tổ quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vùng đất giàu bản sắc văn hóa này còn lưu giữ gần như nguyên vẹn “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa”. Dòng chảy lịch sử đã sản sinh, lưu truyền, hòa quyện bản sắc riêng có của các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa, Đại Việt nối tiếp nhau cộng cư trên hòn đảo này, cùng nhau tạo nên tầng văn hóa đặc trưng, vừa đậm nét cổ xưa, vừa đan quyện, giao thoa với nét đương đại, tạo nên một Lý Sơn hôm nay.
Những năm gần đây, qua khảo sát của các nhà khảo cổ học, Lý Sơn còn được biết đến là hòn đảo có kiến tạo địa chất, địa mạo độc đáo ở tầm quốc gia và quốc tế. Hoạt động của núi lửa đã tạo nên hình thể Lý Sơn hôm nay, với nhiều thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp như vách đá, hang động, cổng đá, bãi đá... chứa đựng nhiều truyền tích kỳ thú. Hiện nay, UBND tỉnh cùng các cơ quan liên quan ở tỉnh và trung ương đang nỗ lực hoàn thiện hồ sơ, để trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh.
Với không gian đặc trưng, đa dạng, hệ sinh thái phong phú, nhiều di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống, hải sản tươi ngon, cùng các điểm tham quan đặc sắc như: Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, đình làng An Vĩnh, đình làng An Hải, chùa Hang, cột cờ Tổ quốc và núi lửa Thới Lới, núi lửa Giếng Tiền, đảo Bé, nghĩa địa san hô hóa thạch... đã tạo một Lý Sơn có sức hấp dẫn rất lớn.
- PV: Thưa ông, Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Lý Sơn lần thứ II - năm 2019 có những hoạt động gì đặc sắc?
Ông Lê Văn Ninh: Ðiểm nhấn của Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Lý Sơn năm nay là đêm khai mạc lễ hội với chương trình nghệ thuật đặc sắc có chủ đề: “Lý Sơn - Tinh hoa di sản”, diễn ra ở khu vực vòng xoay đường đi chùa Hang vào đêm 22.6.2019. Số lượng diễn viên tham gia biểu diễn khoảng 150 người, với sự góp mặt của một số nghệ sĩ nổi tiếng trong nước như: NSƯT Anh Thơ, Quang Hào, NSƯT Quang Thắng, với các tác phẩm múa, hát, hoạt cảnh thể hiện sự hình thành của đảo Lý Sơn, về cuộc sống sinh hoạt thường ngày, về bảo vệ chủ quyền biển đảo, vươn khơi bám biển của ngư dân và Lý Sơn trên con đường hội nhập, phát triển.
Khác với lần tổ chức năm 2018, năm nay có một số hoạt động quy mô lớn, lần đầu tiên được tổ chức tại Lý Sơn như: Tái hiện không gian Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại nơi Trưng bày chuyên đề “Lý Sơn - Tinh hoa di sản lễ hội, địa chất”. Việc tái hiện do các nghệ nhân của đình làng An Vĩnh thực hiện, nhằm phục vụ đại biểu và du khách để hiểu hơn về nội dung và nghi thức của lễ khao lề. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức Giải dù lượn Quảng Ngãi mở rộng lần thứ I - năm 2019, với sự tham gia của hơn 120 vận động viên trong nước và quốc tế. Đây là hoạt động làm tiền đề để khai thác sản phẩm du lịch mới cho Lý Sơn sau này; tổ chức Giải quần vợt Viettennis mở rộng năm 2019, với sự tham gia của hơn 100 tay vợt chuyên và không chuyên trong nước. Qua đó, khẳng định Lý Sơn có đủ điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật để tổ chức các môn thể thao thành tích cao.
Bên cạnh đó, huyện còn tổ chức các hoạt động mang đậm nét văn hóa đất đảo như: đua thuyền truyền thống tứ linh; Liên hoan thôn văn hóa huyện Lý Sơn năm 2019. Đối với hoạt động Trưng bày chuyên đề “Lý Sơn - Tinh hoa di sản lễ hội, địa chất”, huyện sẽ trưng bày 100 hình ảnh về tiến trình phát triển của quê hương, con người, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn và hơn 120 hiện vật địa chất, địa mạo, san hô cùng các ngư, nông cụ của ngư dân đất đảo.
- PV: Theo ông, Lý Sơn sẽ làm gì để phát huy các giá trị, tiềm năng văn hóa, lịch sử nhằm hướng đến xây dựng huyện đảo trở thành Khu du lịch quốc gia?
Ông Lê Văn Ninh: Với chủ đề “Lý Sơn - Tinh hoa di sản”, Tuần lễ Văn hóa- Du lịch Lý Sơn lần thứ II - năm 2019 sẽ góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, địa chất, địa mạo đặc sắc mà không nơi nào có được; cùng với đó là quảng bá hình ảnh để du khách trong nước và bạn bè quốc tế biết nhiều hơn về Lý Sơn.
Huyện xác định công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hoá và các lễ hội là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là gắn với phát triển du lịch. Huyện tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hạ tầng du lịch; bảo tồn nguyên vẹn, quản lý quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000 đã được UBND tỉnh phê duyệt, nhằm giữ được vẻ hoang sơ trên đảo; xây dựng phương án thu gom, sắp xếp, trưng bày các loại san hô hóa thạch; khuyến khích các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đầu tư các sản phẩm, dịch vụ, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng; trải nghiệm biển; tăng cường xử lý môi trường, đảm bảo nguồn nước, phục vụ sinh hoạt của người dân và du khách.
Mỗi năm, Lý Sơn thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. |
Bên cạnh đó, huyện sẽ tiến hành sưu tầm các nguồn tài liệu về các loại hình sinh hoạt văn hoá tinh thần, tín ngưỡng, lễ hội tại các di tích lịch sử; khôi phục các loại hình văn hoá bị mai một; đồng thời tiếp tục bố trí kinh phí hỗ trợ các ban quản lý di tích hoạt động; tổ chức tập luyện và biểu diễn sân khấu hóa Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và một số tiết mục văn nghệ mang đậm sắc thái văn hóa địa phương.
- PV: Xin cảm ơn ông!
MAI HẠ (thực hiện)
TIN, BÀI LIÊN QUAN |