(Baoquangngai.vn)- Đất nước đang chuyển mình vào xuân. Khắp mọi nơi, không khí xuân đang rộn ràng. Đón xuân mới Ất Tỵ 2025 cũng là dịp kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ra đời đúng vào mùa xuân, Đảng ta đã kết tinh, hội tụ khí thiêng của đất trời, của hồn thiêng sông núi, của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do. Suốt 95 năm lãnh đạo, soi đường, chỉ lối, Đảng ta đã mang lại những mùa xuân rạng rỡ, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân các dân tộc Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam sáng lập và rèn luyện, ra đời vào xuân năm 1930 với sứ mệnh và lý tưởng cao đẹp là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, giành độc lập hoàn toàn cho dân tộc, mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho toàn dân tộc Việt Nam.
Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Đó là kết quả sau những năm tháng bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, cứu dân và hoạt động cách mạng của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ở Pháp, Mỹ, Anh... rồi sang Nga. Tại đây, Người đã đọc luận cương của Lênin để hiểu về cách mạng và làm người cách mạng, từ đó truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào yêu nước và phong trào công nhân.
Tái hiện hình ảnh Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Ảnh: Nhân dân. |
Năm 1925, Người thành lập tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, tập hợp những thanh niên Việt Nam ưu tú giác ngộ cách mạng, tổ chức các lớp huấn luyện cách mạng đầu tiên ở nước ngoài, làm hạt nhân cho phong trào cách mạng ở trong nước, tiến tới thành lập các tổ chức cộng sản. Đến khi tình hình cách mạng có những bước tiến mới, nắm bắt “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, với nhãn quan chính trị sắc sảo và tầm nhìn xa trông rộng, Người đã chọn mùa xuân năm 1930 để thống nhất 3 tổ chức cộng sản, tổ chức Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930. Đó là mùa xuân đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam, mở ra một trang sử mới cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập và tự do cho nhân dân.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta. Đây là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng nước ta, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối. Đường lối chính trị đúng đắn của Đảng là cơ sở bảo đảm cho sự thống nhất về tư tưởng và hành động của phong trào cách mạng cả nước; là điều kiện cơ bản quyết định phương hướng phát triển và thắng lợi của cách mạng về sau.
Đánh giá ý nghĩa của sự kiện thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”.
Trong tiết xuân ấm áp của những ngày đầu năm Ất Tỵ 2025, chúng tôi tìm về thôn Tân Phong, xã Phổ Phong (TX.Đức Phổ), mảnh đất thiêng liêng, nơi cách đây gần một thế kỷ đã chứng kiến sự kiện lịch sử trọng đại, với sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi. Dù thời gian mang theo bao đổi thay nhưng vùng đất này vẫn lưu giữ trọn vẹn hơi thở lịch sử, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước và tinh thần cách mạng kiên trung của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi.
Di tích địa điểm thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi ở xã Phổ Phong, TX.Đức Phổ (bên trái) và Bức phù điêu về cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ diễn ra trong đêm ngày 7 rạng sáng ngày 8/10/1930 (bên phải). Ảnh: PV |
Những tư liệu, hiện vật quý giá được lưu giữ cẩn thận trong Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm - Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi như đưa chúng tôi ngược dòng thời gian để sống với những ký ức hào hùng của vùng đất cách mạng kể từ khi có Đảng soi đường, chỉ lối. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ngay sau đó, đồng chí Nguyễn Nghiêm đã bắt liên lạc với Đảng và nhanh chóng triển khai các hoạt động để thành lập Đảng trên địa bàn Quảng Ngãi. Đến giữa tháng 3/1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi được thành lập do đồng chí Nguyễn Nghiêm làm Bí thư lâm thời.
Sự kiện trọng đại này không chỉ là cột mốc chính trị quan trọng, mà còn đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Từ đây, các cuộc đấu tranh của nhân dân lao động được thống nhất dưới sự lãnh đạo kiên cường và sáng suốt của một tổ chức cách mạng tiên phong. Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi trở thành ngọn cờ đầu, soi sáng con đường đấu tranh giành độc lập, tự do trên mảnh đất kiên trung, bất khuất.
Những hiện vật được lưu giữ tại Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Ảnh: PV |
Ngay sau ngày thành lập, Tỉnh ủy lâm thời họp phiên đầu tiên tại nhà đồng chí Nguyễn Nghiêm, quyết định tiến hành phát động quần chúng đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp và tay sai trong cao trào cách mạng 1930 - 1931. Tháng 6/1930, tại Đại hội Đảng bộ lần thứ I, tiến hành tại làng Hùng Nghĩa, xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ (nay là TX.Đức Phổ), đồng chí Nguyễn Nghiêm được cử làm Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi.
Xem video:
Quảng Ngãi là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên. Chính việc thành lập tổ chức đảng sớm đã góp phần quan trọng trong việc định hướng, động viên, quy tụ các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng làm nên cuộc cách mạng thành công. Tiêu biểu là cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi mà trực tiếp là Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nghiêm diễn ra vào đêm mùng 7, rạng sáng ngày 8/10/1930.
Cuộc biểu tình thắng lợi là một mốc son rất giá trị trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Đức Phổ nói riêng, cũng như nhân dân Quảng Ngãi nói chung và trở thành một dấu son trong phong trào cách mạng 1930 - 1931 của cả nước. Sự kiện lịch sử này đã góp phần chia lửa với phong trào cách mạng Xô Viết - Nghệ Tĩnh; tạo nền tảng cho phong trào cách mạng tỉnh nhà giành nhiều thắng lợi trong những năm tiếp theo.
Khu vực Huyện đường Đức Phổ ngày trước hiện giờ là trụ sở các cơ quan hành chính của thị xã Đức Phổ. Bức phù điêu về cuộc biểu tình chiếm Huyện đường, cùng cây nhãn di sản vẫn còn trường tồn cho đến hôm nay như một chứng nhân về sự kiện lịch sử với tinh thần sục sôi của 5.000 người dân ngày ấy. Họ như nước vỡ bờ, theo lời của Đảng đã xông lên chiếm huyện đường, thả người tù, rải truyền đơn, treo cờ Đảng, làm tê liệt bộ máy thực dân phong kiến Nam Triều ở Đức Phổ.
Vùng đất Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ) ngày càng trù phú. Ảnh: THANH TRUNG |
Những nhân chứng lịch sử và những người trực tiếp tham gia chiến đấu trong những ngày tháng hào hùng ngày ấy giờ đã đi xa, nhưng chiến công lừng lẫy tại Huyện đường Đức Phổ vẫn sống mãi qua những câu chuyện và ký ức được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Qua những lời kể của cha ông đi trước, cụ Nguyễn Văn Minh (83 tuổi), Hội viên Hội Cựu chiến binh phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ) thấm nhuần ý nghĩa to lớn của chiến thắng lịch sử này.
Theo ông Minh, thắng lợi trong cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ không chỉ là niềm tự hào, mà còn là biểu tượng rực sáng của truyền thống đấu tranh cách mạng bất khuất, quật cường của Đảng bộ và nhân dân Đức Phổ nói riêng, của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi nói chung, kể từ khi có Đảng soi đường, chỉ lối. Để rồi, trải qua 95 mùa xuân lịch sử, tinh thần cách mạng kiên cường ấy vẫn trường tồn, mãi là ngọn đuốc soi đường, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin để nhân dân địa phương đoàn kết, quyết tâm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Trở lại cái nôi của Đội du kích Ba Tơ lừng lẫy trong những ngày đầu năm mới, chúng tôi tìm về chiến khu Cao Muôn - nơi Đội du kích Ba Tơ đặt căn cứ trong những ngày đầu khởi nghĩa, xây dựng lực lượng, đoàn kết Kinh - Thượng; đến bãi Hang Én, chiến khu Nước Sung, di tích chiến thắng Đá Bàn, Giá Vực... Những trang ký ức hào hùng của mảnh đất anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ lần lượt ùa về...
Đội du kích Ba Tơ tuyên thệ "Hy sinh vì Tổ quốc". Ảnh:TL |
Trên con đường về vùng An toàn khu (ATK) xã Ba Giang (Ba Tơ) rợp bóng cờ đỏ sao vàng chào mừng sự kiện trọng đại của đất nước kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 80 năm khởi nghĩa Ba Tơ (11/3/1945 - 11/3/2025). Những năm gần đây, Ba Giang có bước chuyển mình mạnh mẽ, quê hương ngày càng đổi mới, cuộc sống nhân dân ngày càng ấm no. Người dân xã Ba Giang phấn khởi khi được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm khang trang, kiên cố.
“Đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ba Giang có tỷ lệ hộ nghèo trên 60%. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn gần 32%. Trước đây, toàn xã có khoảng 30% dân số sử dụng điện lưới quốc gia. Đến nay, Ba Giang có trên 80% người dân sử dụng điện lưới quốc gia… Điều đó thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng đối với người dân nơi đây, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”, Bí thư Đảng ủy xã Ba Giang Phùng Quốc Hoàng phấn khởi cho hay.
Trong ngôi nhà sàn thoáng đãng, sạch tinh tươm, vợ chồng ông Phạm Văn Trường (71 tuổi), người Hrê, ở thôn Nước Lô, xã Ba Giang vui mừng chào đón chúng tôi. Rót ly chè xanh nóng hổi mời khách, ông Trường khoe, 95 mùa xuân có Đảng, tôi vinh dự và tự hào khi bản thân có 42 năm tuổi Đảng. Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng đã làm nên những chiến công vang dội, đem lại cuộc sống ấm no, yên bình cho người dân. Sau giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Tơ bắt tay vào diệt giặc đói, giặc dốt. Người dân Ba Tơ đồng lòng, chung sức xây dựng quê hương. Nhờ Đảng soi đường, chỉ lối, Nhà nước quan tâm hỗ trợ, đầu tư, tôi động viên con cháu ra sức học tập, cùng mọi người tham gia phát triển kinh tế vùng ATK.
Xem video:
Hơn 10 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận các xã Ba Vinh, Ba Giang, Ba Động, Ba Thành và thị trấn Ba Tơ của huyện Ba Tơ là vùng ATK của trung ương trong kháng chiến chống Pháp, hôm nay, các địa phương này đã có sự đổi thay mạnh mẽ. Nhờ có các chính sách đầu tư đồng bộ, xã Ba Giang ngày càng vươn mình phát triển. Những con đường bê tông trải dài, những ngôi trường và trạm y tế kiên cố, khang trang đã giúp người dân phấn khởi và càng thêm niềm tin vào Đảng. Không khí đón xuân mới càng rộn ràng hơn trong niềm tự hào 95 mùa xuân có Đảng.
Học sinh tham quan Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ. Ảnh: PV |
Rời các xã ở vùng ATK, chúng tôi theo chân anh Nguyễn Đức Phong - viên chức phụ trách Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ để được tìm hiểu sâu hơn về những chiến công lẫy lừng của Đội du kích Ba Tơ. Từ năm 1985, tượng đài kỷ niệm và Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ đã được xây dựng bên cạnh địa điểm trước đây là sân vận động và đồn Ba Tơ. Hiện nay, Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ trưng bày 150 hiện vật, 85 hình ảnh, 26 tư liệu về cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ, về Đội du kích Ba Tơ anh hùng, một lực lượng nòng cốt tham gia Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Quảng Ngãi. Mỗi hiện vật là một câu chuyện lịch sử gắn liền với cuộc khởi nghĩa Ba Tơ...
Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ trở thành nơi lưu giữ những câu chuyện về cuộc khởi nghĩa, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, trân trọng giá trị hòa bình hôm nay để ra sức học tập, xây dựng quê hương... Từ những hình ảnh bất khuất của các chiến sĩ du kích Ba Tơ, những hiện vật như gươm, dao, giáo mác đến sa bàn... không chỉ giúp người xem hình dung toàn bộ diễn biến cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ, mà còn phản ánh khá rõ về một thời dân tộc không cam chịu làm nô lệ, bằng sự dũng cảm, mưu trí, dùng vũ khí thô sơ đứng lên giành chính quyền.
“Em rất tự hào về những thành quả mà cha ông ta đã thực hiện trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”, em Phạm Thị Thanh Hà, lớp 8C, Trường THCS thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ) chia sẻ.
Bia lưu niệm nơi thành lập Đội du kích Ba Tơ. Ảnh: PV |
Quê hương Ba Tơ vinh dự 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Phát huy truyền thống ấy, ngày nay, Ba Tơ tiếp tục vươn mình, đoàn kết, chung tay khắc phục mọi khó khăn để xây dựng quê hương ngày càng phát triển, xóa đi những vết thương hằn in trong chiến tranh.
Theo Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Đinh Ngọc Vỹ, Ba Tơ là chiếc nôi cách mạng căn cứ địa vùng ATK. Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ diễn ra vào đêm 11/3/1945 đã đi vào lịch sử vẻ vang. Nơi đây, Đội du kích Ba Tơ anh hùng đã ra đời vào ngày 12/3/1945. Từ đây, lực lượng vũ trang Quảng Ngãi phát triển liên tục, xây dựng Ba Tơ trở thành căn cứ địa cách mạng, góp phần làm nên cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương trong cao trào Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Tơ tự hào về truyền thống cách mạng, luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng kiến thiết quê hương, đất nước.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Tơ nhận thức rõ, 95 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng đã lãnh đạo đất nước thực hiện sứ mệnh vẻ vang, đó là đổi mới và phát triển đất nước. Hòa chung niềm vui, niềm tự hào ấy, Đảng bộ và chính quyền huyện Ba Tơ luôn luôn tự hào về Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại đã làm nên công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước ngày nay.
Xem video:
Đầu năm 1959, để xây dựng chính quyền bù nhìn tay sai hòng thực hiện âm mưu phá hoại Hiệp định Giơnevơ, chia cắt lâu dài nước ta, đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm ráo riết thực hiện chính sách “tố cộng, diệt cộng”, đưa ra Luật 10/59 trả thù những người kháng chiến cũ, chia cắt Đảng với dân, dìm phong trào cách mạng trong bể máu. Chúng lấy Quảng Ngãi là một trọng điểm.
Học sinh huyện Trà Bồng sinh hoạt dưới cờ tại Tượng đài Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi. Ảnh: THANH TRUNG |
Trong bối cảnh ấy, tỉnh Quảng Ngãi kêu gọi nhân dân tham gia cách mạng. Đặc biệt, thành lập các đơn vị vũ trang, chờ thời cơ khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi. Ngày 23/8/1959, địch điều quân lên Trà Bồng vây ráp cưỡng chế dân đi học tập bầu cử. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở các xã Trà Thuỷ, Trà Giang biểu tình chống lại, sau đó rút vào rừng cắm chông, cài bẫy chống địch đàn áp. Địch tiến hành khủng bố, đàn áp dã man đồng bào. Ngọn lửa căm thù địch như bùng cháy.
Từ sáng sớm 28/8, với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đồng bào các dân tộc ở huyện Trà Bồng cùng với các lực lượng vũ trang của ta đã nổi dậy tấn công, tiêu diệt địch ở các căn cứ, đồn bót. Vùng cao Trà Bồng bừng bừng khí thế quật khởi, lính địch hốt hoảng trốn vào các thôn, nóc, liền bị ta bao vây, gọi hàng, bắt sống.
Đơn vị 339 cùng du kích và nhân dân chặn đánh địch ở nhiều nơi, tấn công trụ sở, dẹp bộ máy chính quyền bù nhìn, địch rút chạy. Bộ máy ngụy quyền của địch ở Trà Bồng hoàn toàn bị tê liệt. Toàn huyện Trà Bồng được giải phóng. Chính quyền cách mạng ở các xã được thành lập. Tin Trà Bồng được giải phóng lan nhanh khắp các huyện miền núi của tỉnh. Cả miền Tây Quảng Ngãi nhất tề đứng lên giành chính quyền về tay cách mạng. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi tạo nên một vùng căn cứ giải phóng rộng lớn. Đây là minh chứng cho sự sáng suốt và đúng đắn của đường lối cách mạng miền Nam do Đảng ta đề xướng.
Lãnh đạo địa phương và người uy tín tham quan Bảo tàng Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi. Ảnh: PV |
Sau cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, nhân dân các dân tộc ở Kon Tum, Đắk Lắk nổi dậy diệt ác. Khí thế của quần chúng cách mạng đang nhen nhóm lại được thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Trà Bồng cổ vũ, quân và dân ở các tỉnh Nam Trung Bộ nổi dậy đánh bại cuộc càn quét của địch. Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi giành thắng lợi đã mở ra giai đoạn lịch sử mới về sự kết hợp giữa bạo lực cách mạng của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng với khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân không những ở Quảng Ngãi mà cả Nam Trung bộ, có tác động trực tiếp đến cao trào Đồng khởi ở miền Nam những năm 1959 - 1960.
Hơn 65 năm đã trôi qua, giờ đây ngọn lửa của cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi vẫn còn sáng mãi. Người Cor tự hào được mang họ Bác Hồ, một lòng, một dạ sắt son với Đảng, với Bác Hồ, chung tay xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Trên địa bàn huyện Trà Bồng hôm nay, những con đường được đầu tư mở rộng, nhiều công trình công cộng được xây dựng khang trang, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.
Với ông Hồ Văn Nghĩa, một người uy tín ở xã Trà Thủy và người Cor ở Trà Bồng, đến hôm nay, ngọn lửa ấy vẫn luôn bừng sáng, luôn là động lực để người dân Trà Bồng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Xem video:
Hơn 65 năm qua, đồng bào các dân tộc ở huyện Trà Bồng đã phát huy tinh thần đoàn kết, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, cùng nhau vượt qua khó khăn, hăng say lao động, sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương Trà Bồng ngày càng giàu đẹp.
Thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) hôm nay nhìn từ trên cao. Ảnh: VIỆT CƯỜNG |
Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Nguyễn Văn Dũng cho biết, đồng bào Cor ở Trà Bồng luôn tự hào được mang họ Bác Hồ, một lòng, một dạ sắt son với Đảng, với Bác Hồ. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo lực lượng vũ trang và nhân dân đập tan các cuộc càn quét, lấn chiếm của địch, giữ vững vùng giải phóng, tấn công giải phóng Trà Bồng vào ngày 18/3/1975, góp phần giải phóng tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 24/3/1975 và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng, trong thời gian đến, huyện nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2025, xóa đói giảm nghèo và đưa Trà Bồng thoát khỏi huyện nghèo trong nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Thực hiện: H.TRIỀU - TH.THUẬN - TR.PHƯƠNG - TH.HẬU - H.THU - M.LỰC
Trình bày: LONG HOANH
*Kỳ 2: Lời thề trước Đảng
TIN, BÀI LIÊN QUAN: |