(Báo Quảng Ngãi)- Từ những thân mây, tre gai góc, thô kệch, qua đôi bàn tay khéo léo, những người thợ thủ công đã “thổi hồn” thành các sản phẩm gia dụng mang đậm nét văn hóa của đồng bào vùng cao.
Nằm ẩn mình dưới ngọn núi Cao Muôn hùng vĩ là hàng chục nóc nhà sàn của đồng bào Hrê, ở xã Ba Vinh (Ba Tơ). Người dân nơi đây từ lâu đã gắn bó với nghề đan lát, một nghề truyền thống không chỉ tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày, mà còn góp phần tạo nên nét văn hóa riêng của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.
Các sản phẩm được làm từ mây, tre có độ tinh xảo cao. |
Bên nếp nhà sàn, ông Phạm Văn Ghi (83 tuổi), ở thôn Cao Muôn, xã Ba Vinh tỉ mẩn vót từng nan tre để chuẩn bị đan các loại vật dụng. “Ở vùng núi có rất nhiều mây, tre, nứa, lồ ô và các loại dây leo khác. Ðây là nguồn nguyên liệu dồi dào để người dân phát triển nghề đan lát. Để các vật dụng đẹp, tinh xảo, người thợ cần phải khéo léo chẻ nan, chuốt nan làm sao cho mềm, nhẵn, đều. Quá trình đan cần tỉ mỉ, kiên nhẫn. Sản phẩm mây, tre đan sở dĩ có màu đẹp, bền, không bị mối mọt là do khi đan xong, bà con gác trên bếp lửa, khói bếp giúp mây, tre bền chắc hơn”, ông Ghi chia sẻ.
Đan lát đem lại kinh tế và niềm vui cho ông Phạm Văn Ghi (83 tuổi), ở thôn Cao Muôn, xã Ba Vinh (Ba Tơ). |
Vợ ông Ghi là bà Phạm Thị Gui cũng là một người giỏi đan lát. Bà Gui học đan từ năm 16 tuổi, đến nay, dù đã 78 tuổi nhưng bà vẫn gắn bó với nghề. Những chiếc rổ, sàng... được bà đan vừa chắc chắn, vừa đẹp với đường nan sắc sảo. “Mấy hôm nay, có nhiều người đặt hàng Tết nên vợ chồng tôi tranh thủ làm để kịp giao cho khách hàng. Sản phẩm làm ra được thương lái đến tận nhà thu mua. Trung bình mỗi sản phẩm có giá từ 70 - 130 nghìn đồng. Giá của sản phẩm không phụ thuộc vào kích thước lớn hay nhỏ mà là do sản phẩm đó tốn nhiều công và có tính thẩm mỹ cao”, bà Gui cho hay.
Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vinh Phạm Văn Chon cho biết, ở Ba Vinh hầu như nhà nào có người lớn tuổi đều biết đan lát. Thời gian qua, xã khuyến khích người dân gìn giữ và phát triển nghề truyền thống này. Xã Ba Vinh đã chọn một số sản phẩm đan lát của người dân đưa vào Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Qua các đợt trưng bày, quảng bá sản phẩm truyền thống được huyện tổ chức, sản phẩm đan lát của Ba Vinh ngày càng được nhiều người biết đến.
Tận mắt chứng kiến quy trình làm ra một sản phẩm đan lát mới thấy được sự độc đáo và đầy công phu. Để hoàn thành một sản phẩm, người làm nghề phải mất 3 - 7 ngày. Bà Đinh Thị Rôm, ở xã Thanh An (Minh Long) chia sẻ, với những khách hàng có yêu cầu cao, tôi thường trang trí thêm hoa văn cho đẹp, nhưng công đoạn này mất nhiều công sức. Sản phẩm này có giá tiền cao hơn nên chỉ làm theo đơn đặt hàng. Còn đối với các sản phẩm phục vụ đời sống hằng ngày của người Hrê, tôi làm thường xuyên. Tôi đã dạy cho con tôi và một số người trẻ trong làng biết cách đan lát, nhằm giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc mình.
Bà Đinh Thị Rôm, ở xã Thanh An (Minh Long) là người giỏi đan lát. |
Nghề mây, tre đan phổ biến ở vùng cao. Các sản phẩm mây, tre đan của đồng bào Hrê đa dạng về mẫu mã, tính ứng dụng, thẩm mỹ cao nên đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần giúp người dân cải thiện thu nhập. Phó Trưởng phòng VH - TT huyện Minh Long Đinh Văn Ý cho biết, thực hiện Đề án Phát triển tổng thể dịch vụ - du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 - 2025, huyện bố trí 2,5 tỷ đồng để xây dựng không gian văn hóa Hrê ở làng Thượng Đố, xã Thanh An và phục hồi một số nhà sàn, ruộng bậc thang, xây dựng làng nghề truyền thống mây, tre đan... Qua đó, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Hrê, đồng thời phát triển du lịch cộng đồng.
Để làm ra một chiếc rổ tre, người thợ phải mất 3 - 4 ngày. |
Rổ tre đan được người dân ở các huyện miền núi sử dụng phổ biến. |
Hơn nữa, sản phẩm mây, tre đan tinh xảo, bền đẹp, sử dụng nguyên liệu thiên nhiên, thân thiện với môi trường nên phù hợp với xu hướng phát triển xanh.
Bài, ảnh: HIẾU HOA
Thiết kế: VÕ VĂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: