Hướng đi mới cho nghề tre đan ở Tịnh Ấn Tây

09:06, 15/06/2011
.

(QNg)- Thời gian qua, việc áp dụng cơ khí hoá vào công đoạn chẻ nan ở làng nghề  tre đan xã Tịnh Ấn Tây (Sơn Tịnh) đã góp phần nâng cao năng suất và chất lượng khâu chẻ nan, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều người dân, mở ra hướng phát triển mới cho làng nghề truyền thống ở địa phương.

Nghề tre đan ở Sơn Tịnh đã có từ lâu đời, nhưng tập trung nhiều nhất ở xã Tịnh Ấn Tây và thị trấn Sơn Tịnh. Tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào, phong phú tại địa phương, cùng với đôi tay khéo léo người dân Tịnh Ấn Tây và thị trấn đã làm ra những sản phẩm phục vụ sản xuất và đời sống như: Thúng đựng lúa, nơm bắt cá, rế để nồi, rổ đựng rau và rất nhiều vật dụng khác của nhà nông. Dần dần nghề mây tre đan đã trở thành nghề phụ quan trọng, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều người dân ở địa phương.

Tuy nhiên nghề mây tre đan vẫn phát triển quy mô nhỏ, các cơ sở sản xuất không đủ vốn để đổi mới công nghệ, thiết bị... Do vậy hầu hết các công đoạn đều làm thủ công, và năng suất thấp, chất lượng sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường. Trước thực trạng đó Phòng Kinh tế và Hạ tầng, UBND huyện Sơn Tịnh đã đề xuất thực hiện dự án: "Hỗ trợ phát triển làng nghề mây tre đan tại xã Tịnh Ấn Tây...".

Dự án được triển khai tại hộ ông Nguyễn Tấn Sinh (thôn Cộng Hoà I, xã Tịnh Ấn Tây) trên diện tích hơn 400m2, với các loại máy móc, thiết bị được hỗ trợ đầu tư gồm: Máy cắt để cắt tre thành những đoạn có chiều dài khoảng 4m; máy bổ tre 2 đầu; máy róc mắt tre; máy chẻ lát thẳng dày, mỏng (có độ dày khoảng 8-10mm, độ mỏng từ 0,5-1mm); máy chẻ lát đôi; máy chẻ lát nghiêng (có độ dày khoảng 0,5-1mm); máy chẻ nan tròn (đường kính 5mm); máy chuốt nan. Quy trình công nghệ được vận hành như sau: Tre cây nguyên liệu sau khi đưa vào máy cắt để cắt thành từng đoạn, được đưa vào máy bổ thành những thanh tre, rồi sau đó qua máy róc mắt. Từ đây sẽ tiến hành các công đoạn khác như chẻ lát đôi, lát nghiêng, lát dày-mỏng, nan tròn… theo yêu cầu của từng loại sản phẩm.

Theo nhận xét của ông Sinh - chủ cơ sở sản xuất thì tỷ lệ phế phẩm của khâu chẻ nan bằng máy giảm xuống còn dưới 10% (tỉ lệ này khi chẻ thủ công chiếm đến 20-30%). Máy bổ có năng suất bình quân cao hơn 20 lần so với chẻ thủ công; các loại máy còn lại cho năng suất bình quân cao hơn 10 lần. Giá thành chẻ nan bằng máy thấp so với chẻ thủ công, do vậy tiền công trong ngày của người lao động cũng được tăng từ 50.000 lên 60.000 đồng/người/ ngày.

Qua tính toán sơ bộ hiệu quả kinh tế mang lại từ sản phẩm giỏ đựng trái cây tại cơ sở sản xuất như sau: Với giá bán bình quân 10.000 đồng/giỏ, tổng doanh thu từ 1.000 giỏ là 10 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí (nguyên liệu, chi phí chẻ nan, công đan, vật tư khác) khoảng 7,7 triệu đồng, thì lợi nhuận đem lại khoảng 2,3 triệu đồng (nếu chẻ nan bằng tay thì lợi nhuận chỉ đạt khoảng 1,2 triệu đồng, bằng 1/2 so với chẻ nan bằng máy).

Bên cạnh hiệu quả kinh tế, dự án còn giải quyết được việc làm cho lực lượng lao động nông nhàn ở địa phương, nhất là người lớn tuổi, người mất sức lao động và phụ nữ. Tuy nhiên hiện chủ cơ sở sản xuất vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định và lâu dài cho sản phẩm, nên chưa sử dụng hết công suất của các loại máy (trung bình một ngày cơ sở sản xuất khoảng 150 giỏ, chỉ sử dụng khoảng 20% công suất). Do đó để phát huy hiệu quả của dự án trong thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Ấn Tây cho biết: Địa phương sẽ thường xuyên theo dõi và đưa vào kế hoạch hàng năm việc duy trì làng nghề này.

Đồng thời cùng với Hội Nông dân xã có trách nhiệm mở rộng ngành nghề, tiêu thụ sản phẩm, để vừa giải quyết lao động tại địa phương, vừa phát huy yếu tố tích cực của dự án trong việc duy trì làng nghề. Đồng thời chủ cơ sở phải tìm kiếm và mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh. Thị trường có mở rộng, sản phẩm được tiêu thụ mạnh thì lực lượng lao động tham gia mới nhiều và thường xuyên, khi đó không còn là giải quyết lao động nhàn rỗi mà trở thành lao động thường xuyên, có chuyên môn hơn. Có như thế Tịnh Ấn Tây mới duy trì và phát triển bền vững được làng nghề truyền thống…

Phương Dung

.