(Báo Quảng Ngãi)- Trong cuộc đời làm cách mạng, mối quan tâm lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Người đã khẳng định: “Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”, phát huy mọi nguồn lực vốn có trong dân để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Chăm lo đời sống nhân dân từ những điều đơn giản, gắn liền với thực tiễn để đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chủ trương dồn điền đổi thửa và triển khai những cánh đồng mẫu lớn của Đảng ủy, UBND xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) giúp nâng cao đời sống của người dân. Ảnh: TR.PHƯƠNG |
Những ngày tháng 8, chúng tôi có dịp trở lại thôn An Ba, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành). Người dân đang tất bật gặt lúa vụ hè thu trên những cánh đồng mẫu lớn trĩu hạt vàng óng. Lau vội những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt sau những chuyến chở lúa từ cánh đồng Nam Ba Tơ, thôn An Ba về nhà, ông Huỳnh Xuân Tạo (68 tuổi), phấn khởi cho biết, vụ hè thu năm nay thời tiết hơi khắc nghiệt, nhưng năng suất trung bình đạt khoảng 68 tạ/ha, vẫn cao so với trước đây.
“Năm 2017, địa phương thực hiện quy hoạch cánh đồng mẫu lớn trên cánh đồng Nam Ba Tơ. Sau khi quy hoạch, nhiều thửa nhỏ được nhập lại thành thửa lớn, thuận lợi cho người dân trong khâu chăm sóc, tưới tiêu và thu hoạch. Từ đó, năng suất lúa cũng tăng theo”, ông Tạo nói.
Cánh đồng lúa Bắc Ba Tơ, thôn An Ba, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành), có năng suất bình quân trên 75 tạ/ha. Ảnh: TR.PHƯƠNG |
Bí thư Chi bộ thôn An Ba Nguyễn Tấn Bảy cho hay, An Ba là thôn có diện tích lớn nhất của xã Hành Thịnh; trong đó có 64ha ruộng và 25ha rau màu. Toàn thôn có 3 cánh đồng lớn, gồm: Bắc Ba Tơ, Nam Ba Tơ và Đồng Rá. Năm 2016, Đảng ủy, UBND xã có chủ trương dồn điền đổi thửa. Thôn An Ba chọn cánh Đồng Rá để tiến hành dồn điền đổi thửa trước. Sau đó, địa phương tiếp tục dồn điền đổi thửa ở 2 cánh đồng lớn còn lại và triển khai làm cánh đồng cao sản với năng suất trung bình đạt trên 75 tạ/ha. Người dân kết hợp giữa trồng trọt với chăn nuôi.
Nhờ vậy, đời sống nhân dân ngày càng đảm bảo, nhà cửa khang trang, con cái ăn học tới nơi tới chốn. Những quyết sách phù hợp với thực tế của người dân địa phương đã góp phần thay đổi diện mạo của xã Hành Thịnh.
Bí thư Đảng ủy xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) Ngô Thị Kiều Diễm (giữa) trao đổi với các hộ dân trồng cây ăn quả trên địa bàn xã. Ảnh: TR.PHƯƠNG |
Rời thôn An Ba, chúng tôi đi dọc trên con đường bê tông, 2 bên nhà cửa khang trang để đến với xã Hành Thiện (Nghĩa Hành). Với đặc thù vùng đất nơi rốn lũ, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi, cấp ủy đảng và chính quyền địa phương tập trung nguồn lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trọng tâm là phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả; đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống đập, trạm bơm, kênh mương, đường nội đồng.
“Để người dân vươn lên phát triển kinh tế bền vững, Đảng ủy, UBND xã đã phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn kỹ thuật, đồng thời đưa người dân đi tham quan học tập các mô hình phát triển kinh tế ở các địa phương khác”, Bí thư Đảng ủy xã Hành Thiện Ngô Thị Kiều Diễm chia sẻ.
Anh Trương Văn Thẩm (giữa), ở xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) được hỗ trợ xây nhà tránh lũ vào năm 2019. Ảnh: TR.PHƯƠNG |
Tiếp tục hành trình tìm về những địa phương vùng rốn lũ của huyện Nghĩa Hành, chúng tôi đến xã Hành Tín Tây. Tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hành Tín Tây Nguyễn Thị Ánh Nga chia sẻ, Hành Tín Tây là xã miền núi, điều kiện kinh tế khó khăn nhất của huyện Nghĩa Hành với 2 thôn đặc biệt khó khăn, gồm thôn Trũng Kè 1 và Trũng Kè 2. Đây là 2 thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số. Với đặc thù 8/8 thôn của xã đều nằm dọc theo sông Vệ, nên Hành Tín Tây là rốn lũ của huyện Nghĩa Hành.
"Trận lũ lịch sử năm 2013 đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân trong xã. Để giải quyết vấn đề lâu dài, cả hệ thống chính trị của xã tập trung thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Địa phương triển khai thực hiện chương trình xây dựng nhà tránh lũ cho hàng trăm hộ dân. Đồng thời, vận đồng người dân trong quá trình sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới nhà ở thì kết hợp xây dựng mê chống lũ", bà Nga nhớ lại.
Vườn cây ăn quả của chị Mai Thị Hoa, ở thôn Ngọc Sơn, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) phát triển . Ảnh: TR.PHƯƠNG |
Giờ đây, phần lớn hộ dân ở xã Hành Tín Tây đều có nhà tránh lũ. Người dân an tâm phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Trong căn nhà tránh lũ được địa phương hỗ trợ xây dựng vào năm 2019, ông Trương Văn Thẩm (56 tuổi) bày tỏ, tôi được địa phương hỗ trợ xây nhà tránh lũ cùng 500 con gà và 1 con bò. Nhờ vậy, cuối năm 2023, tôi đã thoát nghèo. Tôi tiếp tục phát triển kinh tế gia đình từ việc trồng trọt, chăn nuôi để chăm lo cho vợ, là nạn nhân chất độc da cam và 2 con đang học đại học.
Từ những thửa đất ruộng trồng lúa không hiệu quả, những năm qua, cấp ủy, chính quyền phường Phổ Minh (TX.Đức Phổ) định hướng, vận động người dân chuyển đổi cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác rau xanh nên đời sống kinh tế của người dân ngày càng khấm khá.
Lão nông Nguyễn Nam, ở tổ dân phố 3, phường Phổ Minh chia sẻ, sau khi nắm bắt kỹ thuật trồng trọt từ việc tham gia các đợt tập huấn, tôi mạnh dạn đầu tư làm giàn sắt để trồng khổ qua, bí, mướp và làm mái che lưới trồng các loại rau. Thay vì tưới nước bằng phương pháp thủ công, tôi đầu tư thêm hệ thống tưới béc phun tự động và nhỏ giọt để cung cấp đủ nước cho rau, giúp cây rau phát triển tốt cả trong mùa hè nắng nóng.
“Rau trồng được quanh năm nhờ đầu tư hệ thống tưới nước tự động phù hợp. Với hơn 1.000m2 đất trồng rau, củ, quả, gia đình tôi có sản phẩm xuất bán ra thị trường hằng ngày. Nhờ vậy, chúng tôi có nguồn thu nhập ổn định gần 10 triệu đồng/tháng”, ông Nam nói.
Lão nông Nguyễn Nam chăm sóc vườn rau. |
Để tiết kiệm nhân công, nâng cao năng suất và hướng đến quy trình sản xuất rau an toàn, các hộ trồng rau sử dụng nguồn phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu sinh học... Nhờ vậy, tổ dân phố 3, phường Phổ Minh được xem là vựa rau lớn của TX.Đức Phổ, với diện tích gần 8ha. Rau xanh ở đây nổi tiếng tươi ngon, an toàn, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Ngoài cung cấp cho thị trường trong tỉnh, nhiều hộ dân làm đầu mối thu gom rau để đưa vào TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ, phục vụ người dân xa quê. “Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm định hướng các mô hình, loại cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ đó, mức thu nhập bình quân đầu người của phường đạt 56 triệu đồng/người/năm. Thời gian đến, địa phương tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn trồng rau sạch, vận động người dân canh tác rau theo đúng quy trình sản xuất an toàn và hướng tới vùng chuyên canh rau sạch tập trung”, Phó Chủ tịch UBND phường Phổ Minh Nguyễn Tấn Phát chia sẻ.
NHÓM PV NỘI CHÍNH
Thiết kế, trình bày: P.DUNG
Kỳ 2: Phát triển kinh tế ở miền núi
TIN, BÀI LIÊN QUAN: