Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh TRẦN HOÀNG TUẤN
(Báo Quảng Ngãi)- Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, xuất phát điểm thấp, sau 35 năm tái lập tỉnh, với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh nhà, Quảng Ngãi đã có sự đổi thay mạnh mẽ. Tiềm lực kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao, quốc phòng - an ninh được đảm bảo.
Tỉnh Quảng Ngãi được tái lập vào ngày 1/7/1989, trên cơ sở chia tách tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.
Khi mới tái lập tỉnh, Quảng Ngãi là một tỉnh nghèo, thuần nông, xuất phát điểm thấp, ngân sách phụ thuộc sự hỗ trợ của trung ương. Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng lớn; công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân đầu người thấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn thăm Công ty TNHH Giày Rieker Việt Nam - Chi nhánh Quảng Ngãi. Ảnh: THANH PHƯƠNG |
Trải qua 35 năm xây dựng và phát triển, với sự đoàn kết, đồng lòng, chung sức, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh nhà, Quảng Ngãi đã đạt được những thành tựu to lớn, làm thay đổi toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, quy mô và cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự thay đổi lớn sau khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động năm 2009; cùng với sự phát triển thành công của KKT Dung Quất; 2 KCN Quảng Phú, Tịnh Phong; KCN VSIP Quảng Ngãi và 18 cụm công nghiệp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh đã hình thành hơn 500 dự án, nhà máy, tổ hợp sản xuất công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến thực phẩm với quy mô, công suất lớn, giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học công nghệ cao như: Nhà máy Sản xuất thiết bị công nghiệp nặng Doosan Vina, Công ty CP Đường Quảng Ngãi, Công ty CP Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi và nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản, may mặc, tinh bột mì, dăm gỗ, vật liệu xây dựng, giày da, sợi bông... cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu đi hơn 30 nước trên thế giới.
Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi. Ảnh: THANH TRUNG |
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất về đêm. Ảnh: PV |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn và lãnh đạo các sở, ban, ngành thăm, tặng quà Công ty TNHH Happy Furniture Việt Nam nhân dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: TH.PHƯƠNG |
Đến nay, kinh tế tỉnh Quảng Ngãi tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Quy mô nền kinh tế năm 2024 (GRDP theo giá hiện hành) ước đạt trên 132,6 nghìn tỷ đồng, gấp 321 lần so với năm 1990; bình quân giai đoạn 1990 - 2024 tăng 18,5%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 106,2 triệu đồng (khoảng 4.464 USD), gấp 274 lần so với năm 1990. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng dần qua các giai đoạn. Năm 1989, thu ngân sách chỉ đạt 16,3 tỷ đồng, nhưng đến năm 2023, thu ngân sách đạt 30,667 nghìn tỷ đồng, gấp 1.881 lần so với năm 1989. Việc thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh hiện có 71 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư 2,287 tỷ USD và 642 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư 396,537 nghìn tỷ đồng; có 6.434 doanh nghiệp đang hoạt động.
Thời gian qua, Quảng Ngãi đã dành rất nhiều thời gian, công sức, trí tuệ để thực hiện công tác lập quy hoạch, nhất là các quy hoạch lớn. Đây là những công cụ quan trọng để tỉnh tổ chức quản lý, là cơ sở để đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian đến. Điển hình là Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 11/2023; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 2/2023. Trên cơ sở đó, tỉnh đã và đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh, quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất.
Ngành công nghiệp của tỉnh đang có sự phát triển vượt bậc (bên trái: Cảng Hòa Phát Dung Quất; bên phải: Doosan Vina xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài). Ảnh: PV |
Cùng với công tác quy hoạch, tỉnh cũng đề ra nhiều chính sách và giải pháp nhằm khơi dậy nội lực và tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài để đầu tư phát triển. Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, mạng lưới điện, hạ tầng nông nghiệp, thủy lợi, hệ thống thông tin và truyền thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chú trọng đầu tư hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, hạ tầng các khu dân cư, khu đô thị. Thời gian đầu tái lập tỉnh, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Năm 1989, vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước chỉ khoảng 37,3 tỷ đồng. Năm 2024, kế hoạch vốn đầu tư toàn xã hội đạt 39 nghìn tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 1989 - 2024 tăng 22%/năm.
Nhân sự Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn tham gia bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lần thứ 5. Ảnh: PD |
Kỹ sư, công nhân Doosan Vina trong ca làm việc. Ảnh: PV |
Tỉnh cũng tập trung thu hút các nguồn lực xã hội và hỗ trợ các nhà đầu tư để đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển, điển hình là hạ tầng KCN VSIP Quảng Ngãi; triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng các bến cảng chuyên dùng dùng chung cho KKT Dung Quất. Đồng thời, tiếp tục thu hút nguồn lực, tăng cường hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án lớn như: Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; các dự án Nhà máy Điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I, Dung Quất II, Dung Quất III; xây dựng Trung tâm Lọc, hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại KKT Dung Quất...
Cùng với phát triển kinh tế, công tác giáo dục, y tế, văn hóa... cũng được tỉnh quan tâm. Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, an sinh xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong những năm đầu tái lập tỉnh, ngành GD&ĐT gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp, nhưng đến nay hệ thống GD&ĐT từng bước hoàn thiện, đội ngũ cán bộ, giáo viên được chuẩn hóa về trình độ. Cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, chất lượng giáo dục được củng cố, phát triển toàn diện. Giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo được quan tâm. Thiết lập và mở rộng quan hệ với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, các đại học uy tín trong và ngoài nước trên nhiều lĩnh vực. Tỷ lệ học sinh thi đỗ các trường đại học, cao đẳng từ 13% trong năm 1989, tăng lên hơn 80% vào năm 2023.
Văn hóa truyền thống của đồng bào Cor ở huyện Trà Bồng luôn được gìn giữ, phát huy. Ảnh: TH.PHƯƠNG |
Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện, hệ thống y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở đã được củng cố. Năng lực, trình độ của đội ngũ y, bác sĩ được nâng lên, chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế đạt 90,17% (năm 2010 là 10,4%); tỷ lệ người tham gia đóng BHYT toàn dân đạt 95,2%.
Y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện kỹ thuật chuyên sâu. Ảnh: TL |
Bên cạnh đó, công tác giải quyết việc làm được tỉnh đặc biệt quan tâm và đạt kết quả cao. Sự chuyển dịch lao động từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ đã làm tăng năng suất lao động chung của toàn nền kinh tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2023 tăng lên 62,95%. Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Trong năm đầu tái lập tỉnh, tỷ lệ hộ đói nghèo của tỉnh ở mức rất cao, chiếm tỷ lệ đến 47,45%. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,13% (theo chuẩn nghèo đa chiều 2022 - 2025). Kế hoạch năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,53%.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn tham quan gian trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội thảo “Phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Ngãi - cơ hội và triển vọng”, tháng 4/2024. |
Đời sống văn hóa của nhân dân được cải thiện. Các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao có nhiều khởi sắc, thu hút đông đảo người dân tham gia, hưởng ứng; phối hợp tổ chức thành công nhiều giải đấu thể thao khu vực và toàn quốc. Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh được chú trọng.
Công tác huấn luyện cho lực lượng dân quân tự vệ được tổ chức thường xuyên. Ảnh: TL |
Nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được giữ vững. Xây dựng xã, phường, thị trấn vững mạnh về quốc phòng hằng năm đạt trên 95%; lực lượng vũ trang đủ số lượng, ngày càng vững mạnh toàn diện, chủ động sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Giữ vững và phát huy vai trò đảm bảo an ninh chủ quyền trên biển, cùng với việc tập trung xây dựng, triển khai thực hiện Đề án phát triển Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển, đảo theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị.
Công trình Thủy lợi Thạch nham. Ảnh: VƯƠNG QUỐC |
Nhìn lại sau 35 năm tái lập tỉnh, Quảng Ngãi đã đạt được những thành tựu to lớn trên hầu hết các lĩnh vực. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt và không ngừng nâng cao. Tiềm lực kinh tế - xã hội ngày một phát triển, quốc phòng - an ninh được đảm bảo. Công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh ngày càng hiệu quả, chặt chẽ hơn, tạo tiền đề thuận lợi cho chặng đường phát triển tiếp theo. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Quảng Ngãi phấn đấu hoàn thành sớm, trước thời hạn các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.
Thiết kế, trình bày: VÕ VĂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: