(Báo Quảng Ngãi)- Kể từ ngày tái lập tỉnh đến nay, ngành GD&ĐT Quảng Ngãi đã găt hái được rất nhiều thành công, góp phần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển của tỉnh.
Dấu ấn nổi bật là toàn ngành đã và đang tập trung đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT trên tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) "về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" (Nghị quyết 29).
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Cao Phúc và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn trao Bằng khen của UBND tỉnh cho 10 nhà giáo trẻ tiêu biểu. |
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, toàn ngành đã từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên đạt được nhiều thành tích nổi bật. Trong đó, tỷ lệ học sinh (HS) khá, giỏi, đạt hạnh kiểm tốt ngày càng tăng. Học sinh tốt nghiệp THPT đạt tỷ lệ cao. Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có gần 12,7 nghìn HS được xét công nhận tốt nghiệp THPT, đạt 97,49%, tăng 10 bậc so với năm học trước, đứng thứ 36/63 tỉnh, thành phố. Tỷ lệ HS đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đứng vị thứ cao trong cả nước.
Những năm gần đây, Trường THPT Chuyên Lê Khiết tiếp tục phát huy thế mạnh trong việc phát triển giáo dục mũi nhọn từ việc số lượng học sinh giỏi quốc gia tăng đáng kể. |
Học sinh đoạt giải HS giỏi quốc gia tăng qua các năm. Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 49 em đoạt giải HS giỏi quốc gia. Trường THPT Chuyên Lê Khiết tiếp tục phát triển giáo dục mũi nhọn. Hằng năm, trường xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội tuyển tham gia các kỳ thi. Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Khiết Trần Quang Hồng cho biết, thời gian qua, nhà trường đã quy hoạch đội ngũ giáo viên dạy chuyên và phụ trách đội tuyển. Đây là những giáo viên tiêu biểu nhất ở tất cả các bộ môn, có tâm huyết và say mê với nghề. Trường tham mưu Sở GD&ĐT tuyển chọn giáo viên trẻ, mới ra trường, tốt nghiệp loại xuất sắc để bổ sung đội ngũ kế cận.
Ngoài việc được trang bị kiến thức, học sinh Trường THPT Chuyên Lê Khiết còn được rèn luyện các kỹ năng thông qua các câu lạc bộ trong nhà trường. |
Hệ thống giáo dục trong tỉnh đã từng bước được đầu tư hoàn thiện; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã được chuẩn hóa trình độ. Công tác đảm bảo chất lượng GD&ĐT được đẩy mạnh. Nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo theo định hướng phát triển năng lực người học.
Hơn 22 năm đứng lớp, cô giáo Phạm Thị Nhung, giáo viên môn Toán, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh đã có từng ấy năm gắn bó với HS người đồng bào dân tộc thiểu số. Cô Nhung nhớ lại, năm 2002, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế), cô được phân công giảng dạy tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Sơn Tây rồi đảm nhiệm lớp nhô (lớp 10) tại trường. Đến khi Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Sơn Tây) được thành lập, cô được luân chuẩn về trường công tác. Sau 16 năm gắn bó với giáo dục Sơn Tây, cô chuyển về giảng dạy tại Trường THPT Quang Trung (Sơn Hà). “Tôi vui lắm! Ứơc mơ trở thành cô giáo để dạy HS người địa phương đã thành hiện thực. Tôi thương HS nên việc gì cũng kiên nhẫn hướng dẫn các em", cô Nhung thổ lộ.
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa ý nghĩa cho học sinh. |
Từ năm 2023, cô Nhung được chuyển về công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh - nơi cô Nhung đã gắn bó những năm học của bậc THPT. "Tôi rất xúc động vì được trở lại ngôi trường mình từng học để dạy học. Yêu nghề, yêu trò, tôi luôn nỗ lực tự học, nâng cao trình độ chuyên môn để đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng HS", cô Nhung chia sẻ.
Gần 35 năm thành lập, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh là đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập đặc thù của tỉnh. Hằng năm, nơi đây nuôi dạy 500 HS là con em đồng bào dân tộc thiểu số của các huyện miền núi. Từ ngôi trường này, HS có nền tảng để vững bước vào các trường cao đẳng, đại học học tập, nghiên cứu chuyên sâu, tiếp thu kiến thức quay về phục vụ quê hương. Hiện nay, có rất nhiều cán bộ chủ chốt ở các địa phương miền núi hay công chức đang giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước đã từng theo học tại ngôi trường này. "Thời gian tới, ngoài việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường còn chú trọng đến việc phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc trong mỗi HS. Tham mưu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, nhằm đảm bảo thực hiện công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay", Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Nguyễn Trà chia sẻ. Song song với việc dạy chữ, Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) còn chú trọng giáo dục các kỹ năng mềm cho HS, như đẩy mạnh các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, nhằm giúp HS phát triển toàn diện. Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo Trần Quốc Bảo cho biết, trong 35 năm qua, trường đã gặt hái được những thành tích đáng khích lệ, là một trong những trường THCS tốp đầu của tỉnh. Cuối năm 2023, trường được công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3. Đầu năm 2024, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Đó là động lực để tập thể nhà trường tiếp tục nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng GD&ĐT.
Trường THPT Trần Quốc Tuấn cũng là một trong những trường có bề dày thành tích, thuộc tốp đầu của tỉnh. Dù ở giai đoạn lịch sử nào, trường cũng luôn khẳng định được thương hiệu là một trong những trường có chất lượng giáo dục cao tại địa phương. "Nhà trường luôn xác định, mỗi thầy, cô giáo phải thực sự là một tấm gương sáng về đạo đức, tinh thần tự học và sáng tạo. Trường chú trọng đổi mới trong dạy và học, trong kiểm tra đánh giá, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý và các hoạt động giáo dục. Ngoài ra, trường còn tạo điều kiện cho HS tham gia các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, văn nghệ, TD-TT... nhằm giúp các em phát triển toàn diện", Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn Nguyễn Thái An nhấn mạnh. |
Nội dung: TRỊNH PHƯƠNG
Trình bày: Q.DUYÊN