(Báo Quảng Ngãi)- Thay vì nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già thì đảng viên Nguyễn Thị Hường (70 tuổi), ở thôn An Hòa Nam, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa), 49 năm tuổi Đảng, lại chọn cách gắn bó với những đứa trẻ là nạn nhân chất độc da cam, khuyết tật... ở Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng. Mỗi ngày, bà tất bật với những công việc đi chợ, nấu cơm, chăm sóc, dạy dỗ các cháu không được may mắn ở trung tâm suốt 13 năm qua.
Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng đóng chân tại xã Nghĩa Thắng, đi vào hoạt động năm 2011. Trung tâm là nơi chăm sóc, ăn uống, phục hồi chức năng dành cho các nạn nhân chất độc da cam bị khuyết tật, theo hình thức bán trú. Bà Nguyễn Thị Hường là một trong những người đầu tiên gắn bó với trung tâm.
Đảng viên Nguyễn Thị Hường là người mẹ thứ hai của các cháu ở Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng. |
Trò chuyện cùng chúng tôi, bà Hường nhớ lại những ngày đầu trung tâm mới đi vào hoạt động, nhiều gia đình gửi con đến trung tâm, trong đó có những trường hợp bị khuyết tật nặng. “Vào giờ ngủ trưa, có một cháu sùi bọt mép, ngã vật xuống đất, tay chân giãy giụa khiến tôi hoảng hốt. Tôi vội gọi điện thoại cho lãnh đạo trung tâm đến hỗ trợ. Sau đó, tôi tìm hiểu thêm qua người thân của cháu, mỗi lần cháu lên cơn như vậy, lấy chiếc gối kê vào đầu và nghiêng người cháu để cháu nôn, không bị sặc. Có cháu khác đến buổi trưa cưỡi xe đạp đi suốt. Tôi phải canh chừng, dặn dò, chỉ bảo từng li từng tí để các cháu dần dần vào nếp sinh hoạt, tập luyện”, bà Hường kể lại.
Ngoài lo bữa ăn hằng ngày, đảng viên Nguyễn Thị Hường còn dành thời gian vui chơi, dạy bảo trẻ khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam tại trung tâm. |
"Đây là cháu Bùi Thanh Nghĩa (11 tuổi), ở xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa), bị chậm phát triển", vừa trò chuyện, bà Hường vừa xoa đầu cậu bé ngồi bên cạnh. Bà Hường kể, lúc bà ngoại mới dẫn đến trung tâm, Nghĩa khóc suốt, chỉ ngồi ăn dưới đất, ngủ cũng dưới đất như lúc ở nhà. Bà Hường chịu khó bón từng muỗng cơm cho Nghĩa ăn, ban đầu Nghĩa ngồi cách xa bàn ăn, mỗi ngày bà lại chuyển Nghĩa đến gần bàn ăn hơn.
Một tuần sau, hai bà cháu đã ngồi sát bàn ăn, bà bảo Nghĩa lên ghế ngồi. Vài hôm sau, đến giờ ăn cơm, Nghĩa tự cầm muỗng ngồi vào bàn ăn như các anh chị khác tại trung tâm. Ngay cả việc ngủ, bà cũng phải tập luyện từ lúc Nghĩa chỉ ngủ dưới sàn nhà, cho đến khi chịu lên giường nằm ngủ.
Trước đây, suất ăn của trẻ tại trung tâm được hỗ trợ từ 8 nghìn đến 10 nghìn đồng, rồi tăng lên 12 nghìn đồng/suất thông qua các nguồn vận động. Với số tiền ít ỏi, bà Hường trồng thêm rau tại nhà, hôm thì bà cắt nắm bồ ngót, lúc thì hái theo trái đu đủ mang lên nấu canh cho các cháu. Mùa mưa, bà cùng mọi người trồng thêm các loại rau trong khuôn viên trung tâm để cải thiện bữa ăn cho các cháu.
Năm 2020, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND quy định hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em khuyết tật thuộc gia đình hộ nghèo và hộ cận nghèo tại các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập. Từ ngày 1/1/2021, mỗi cháu thuộc gia đình hộ nghèo, cận nghèo tại trung tâm được hỗ trợ 20 nghìn đồng/suất. Hiện nay, trung tâm đang chăm sóc bán trú 15 cháu, trong đó có 9 cháu thuộc hộ nghèo, cận nghèo, còn lại 6 cháu có suất ăn 12 nghìn đồng.
Vật giá ngày càng lên cao, mỗi lần đi chợ, bà Hường cân đo, đong đếm, tính toán tiền mua thức ăn, gia vị, tiền gas nấu để bảo đảm bữa ăn dinh dưỡng phù hợp. Các tiểu thương ở chợ thương tình, lúc nào cũng bán rẻ hơn, trái bí 10 nghìn đồng thì bán cho bà Hường 8 nghìn đồng. Miếng thịt có giá 50 nghìn đồng thì bán cho bà 45 nghìn đồng, bà Hường để dành 5 nghìn đồng còn lại mua thêm cho các cháu chút rau xanh.
Vừa đi chợ về, bà Hường nhanh nhẹn sơ chế, ướp gia vị, bà còn giã thêm sả, hành, tỏi, ớt để ướp cho món ăn thêm đậm đà. Lát sau, mùi thơm bốc lên cả gian bếp. “Nhiều người nói tôi nấu ăn cho trẻ khuyết tật thì nấu đơn sơ chứ cầu kỳ chi cho tốn công. Tôi bảo, các cháu cũng cần ăn ngon, tôi chịu khó một tí để bữa ăn của các cháu thêm hấp dẫn”, bà Hường bộc bạch.
Ít ai biết rằng, người phụ nữ tóc đã bạc màu, dáng người gầy ốm, tất bật với các công việc chăm sóc trẻ khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, từng có một thời tuổi trẻ đầy gan dạ, quyết tâm. Bà Hường kể, khi mới 16 tuổi, tôi đi theo tiếng gọi của cách mạng. Tôi làm giao liên tại Bưu điện Quân khu 5 đặt giữa núi rừng Trà My (Quảng Nam). Tôi có nhiệm vụ vận chuyển thư từ, tài liệu từ trạm quân bưu đến các vị trí được giao. Để kịp thời giữ liên lạc, tôi cõng các kiện hàng nặng đến 40 - 50kg vượt qua đồi núi, đèo dốc. Giữa hiểm nguy, thiếu thốn, tôi vẫn luôn giữ tinh thần, ý chí bám trụ dù nhiều lần quân địch rải chất độc da cam tàn phá cây cối, đến cả củ mì cũng không có mà ăn.
Công việc thường ngày của đảng viên Nguyễn Thị Hường. |
Năm 1975, bà Hường vinh dự được kết nạp Đảng. Năm 1976, bà về quê, được bố trí đi học bổ túc; đến năm 1982, bà vừa học lớp 9 vừa học hệ trung cấp quản lý kinh tế. Sau khi học xong, bà Hường làm việc tại Công ty Cầu đường 2 Nghĩa Bình, từng có giai đoạn đảm nhận vai trò trưởng phòng tại công ty. Năm 1991, bà Hường về quê công tác tại Hợp tác xã Đông Thắng, xã Nghĩa Thắng. Đến năm 2001, bà được tín nhiệm giữ vai trò Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Thắng.
Đảng viên Nguyễn Thị Hường chuẩn bị thức ăn cho bữa cơm trưa. |
Địa bàn xã Nghĩa Thắng ngày ấy đi lại khó khăn, với chiếc xe đạp cọc cạch, bà đến từng chi hội cơ sở để huy động chị em cùng xây dựng phong trào hội và phát triển kinh tế gia đình. Bà Hường bộc bạch, tôi hạnh phúc vì được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện đi học xóa mù chữ. Ân tình đó, tôi ghi nhớ mãi trong tim và nỗ lực làm việc, quyết tâm khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Khi bà Hường chuẩn bị nghỉ hưu, lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh ngỏ lời bà về trung tâm để cùng quán xuyến các công việc tại đây. Công việc chăm sóc trẻ khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam rất vất vả, đòi hỏi sự kiên nhẫn, phải dành thời gian cả ngày ở trung tâm. Những ngày lãnh đạo trung tâm và giáo viên đi công tác, tập huấn, chỉ còn một mình bà quán xuyến mọi việc. Thế nhưng, mức thù lao của bà Hường chỉ có 900 nghìn đồng/tháng, sau đó tăng lên 1,2 triệu đồng/tháng. Từ năm 2020 đến nay, bà được nhận 1,5 triệu đồng/tháng.
Đoàn viên Chi đoàn Báo Quảng Ngãi đến thăm và chuẩn bị bữa cơm trưa cho các cháu ở trung tâm. Ảnh: CĐBQN |
Ở nhà, bà Hường nuôi 3 con bò, làm gần 2 sào ruộng và trồng bắp. Vào mùa hè, bà Hường phải thức dậy lúc 4 giờ 30 phút, mang cỏ vào chuồng cho bò ăn, rồi tất tả ra đồng làm đến 7 giờ kém trở về nhà, để kịp có mặt ở trung tâm lúc 7 giờ. Hàng xóm xung quanh ái ngại vì thấy bà vất vả, tiền hỗ trợ thấp, trong khi ngày công đi làm thuê bên ngoài bây giờ được 200 - 250 nghìn đồng/ngày.
Đoàn viên Chi Đoàn Báo Quảng Ngãi phụ đảng viên Nguyễn Thị Hường sửa soạn bữa ăn trưa cho các cháu. Ảnh: CĐ |
Công việc xong xuôi, bà vào phòng học, ngồi cùng với bọn trẻ. Bọn trẻ vỗ tay, hát “Bà ơi bà, cháu yêu bà lắm...”, bà Hường nở nụ cười thật tươi, hòa vào nhịp bài hát. Từ lâu, những đứa trẻ ấy coi bà Hường như người bà, người mẹ “đặc biệt”. Người đảng viên ấy đã dành tất cả tình yêu thương, trách nhiệm và cả sự tri ân với những gia đình từng đi qua thời chiến để chăm sóc những đứa trẻ thiệt thòi. Tình thương của mọi người tại trung tâm đã giúp nhiều cháu được cải thiện, phục hồi chức năng vận động và tinh thần. Nhiều trẻ có thể làm việc nhà, giúp đỡ ông bà, cha mẹ, trong đó có những trẻ đã hòa nhập với xã hội.
TIN, BÀI LIÊN QUAN: