(Báo Quảng Ngãi)- Nghị quyết 04 của Huyện ủy Bình Sơn đã góp phần đổi mới về tư duy và phương thức lãnh đạo quần chúng. Đặc biệt, với mô hình xây dựng “3 chi”, huyện Bình Sơn đã tạo được lực lượng nòng cốt trong những tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức tôn giáo. Họ chính là những hạt nhân đoàn kết, phát huy sức mạnh trong cộng đồng dân cư, thúc đẩy phát triển từ cơ sở.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.
Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Phước Hòa (xã Bình Trị) Tu Thành Tịnh (bên trái) trò chuyện, nắm bắt tâm tư của người dân. Ảnh: KHẢI NAM |
Đã gần 7 năm trôi qua nhưng anh Tu Thành Tịnh (43 tuổi) - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phước Hòa, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xã Bình Trị, vẫn còn nhớ như in ngày anh được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Lúc này, anh Tịnh làm nhân viên kế toán cho Hợp tác xã Nông nghiệp xã Bình Trị, trở thành đảng viên là người có đạo đầu tiên ở huyện Bình Sơn. Từ khi trở thành đảng viên, anh Tịnh là cầu nối gắn bó quần chúng có đạo với Đảng, chính quyền, đoàn thể tại địa phương, góp phần đưa nghị quyết của Đảng trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống.
Nhiều tuyến đường giao thông ở thôn Phước Hòa, xã Bình Trị được bê tông hóa nhờ đóng góp của nhân dân. Ảnh: NHÃ UYÊN |
Tháng 5/2022, Bình Sơn là một trong 3 địa phương triển khai thí điểm Đề án số 07-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi về thực hiện mô hình “Dân tin - Đảng cử”. Anh Tịnh được nhân dân tin tưởng bầu làm trưởng thôn. Đến năm 2023, anh được Đảng cử đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phước Hòa. Với vai trò Bí thư Chi bộ thôn Phước Hòa, anh Tịnh đã vận động nhân dân thực hiện bê tông đường làng ngõ xóm với tổng chiều dài gần 3km theo hình thức “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Anh vận động nhân dân xóm Hòa Tây hiến đất và tài sản trên đất để mở rộng, làm mới và tu sửa hơn 1,2km đường bê tông; xây dựng các tuyến đường thắp sáng đường quê, nạo vét kênh mương nội đồng; phối hợp với các chi hội làm 2 tuyến đường cờ, đường hoa... Thành quả của năm 2023 là Chi bộ thôn Phước Hòa và cá nhân anh Tịnh được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Để vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, nhiệm vụ cấp trên giao đòi hỏi người đứng đầu thôn phải gương mẫu đi đầu, là hạt nhân đoàn kết thực sự. Mọi công việc đều hướng đến quyền lợi của người dân thì mới được nhân dân tin tưởng”, anh Tịnh bộc bạch.
Nhà ghi ơn Mẹ Việt Nam Anh hùng và Anh hùng Lực lượng Vũ trang xã Bình Đông có kinh phí xây dựng gần 2 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp gần 1,8 tỷ đồng. Ảnh: SA HUỲNH |
Từng được biết đến với tên gọi "Cù lao khát" vì cảnh thiếu nước triền miên vào mùa nắng nóng; đường đi nhếch nhác, sình lầy vào mùa mưa, ô nhiễm môi trường từ rác thải... Thế nhưng, thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh đã làm được những điều tưởng chừng như không thể nhờ biết khơi dậy sức dân. Thành công đó phải nói đến vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy đảng ở thôn Mỹ Tân trong việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Mọi chủ trương liên quan đến thôn đều đưa ra bàn bạc công khai, minh bạch và khi có sự thống nhất cao mới triển khai thực hiện. Người có những quyết định mang tính đột phá là Bí thư Chi bộ thôn Mỹ Tân Nguyễn Hữu Quân. Ông Quân có thâm niên 13 năm đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ thôn.
Bí thư Chi bộ thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh Nguyễn Hữu Quân (bên trái) đã vận động nhân dân hiến đất làm đường bê tông. Ảnh: KHẢI NAM |
Trước nhu cầu bức thiết của người dân, ông Quân cùng Chi bộ thôn Mỹ Tân tập trung giải quyết từng việc một. Trong đó, làm đường bê tông là việc đầu tiên, vì giao thông phải đi trước một bước. Thôn đã phân công cụ thể cho từng cán bộ của chi, tổ, hội tham gia, nhất là tuyên truyền, vận động người dân trong thôn đóng góp 1,4 tỷ đồng để bê tông 3,5km đường. Tiếp đó, để giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt, xử lý rác thải, chi bộ cũng đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Bởi thời gian khá dài, hơn 600 hộ dân miền biển này hằng ngày phải đi chở nước. Việc thiếu nước sinh hoạt đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Trước tình hình đó, Chi bộ thôn Mỹ Tân đã vận động mỗi hộ dân đóng góp trên 3 triệu đồng. Chỉ một thời gian ngắn, số tiền huy động trong nhân dân được gần 2 tỷ đồng, giao cho Chi đoàn thôn Mỹ Tân chịu trách nhiệm thực hiện dự án cấp nước sạch. Sau 1 năm thi công, tháng 9/2016, nước sạch đã đưa về tận nhà từng hộ dân, giải bài toán thiếu nước sạch bao đời ở vùng đất cù lao này. "Kết quả có được phải nói đến vai trò của các chi, tổ hội trong việc vận động nhân dân. Chi bộ cho chủ trương, nghị quyết nhưng người thực hiện chính là các chi hội, đoàn thanh niên. Cán bộ các đoàn thể đã đến từng nhà để vận động người dân. Khi lòng dân đã thuận thì dù việc nhỏ hay lớn người dân cũng chung tay góp công, góp của. Mà muốn tạo được sức mạnh phải đoàn kết. Đó là kinh nghiệm đúc rút qua hàng chục năm tham gia quân ngũ của tôi”, ông Quân nhấn mạnh.
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Phước Hòa, xã Bình Trị Phan Thị Nhi (bên trái) trao quà cho phụ nữ nghèo, neo đơn. Ảnh: KHẢI NAM |
Gắn bó với phong trào, công tác hội phụ nữ suốt 12 năm cũng là ngần ấy thời gian Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Phước Hòa, xã Bình Trị Phan Thị Nhi cống hiến sức mình vì quê hương. Thôn Phước Hòa có gần 600 hộ dân với hơn 1.600 nhân khẩu, trong đó có 270 hội viên, phụ nữ thuộc 4 tổ phụ nữ. Nhận thức tầm quan trọng của phong trào “Chống rác thải nhựa”, bảo vệ môi trường đối với cuộc sống người dân, chị Nhi đã làm gương đi đầu và khởi xướng, xây dựng nhiều mô hình thiết thực như: “Tổ thu gom phế liệu”, “Phân loại rác thải nhựa tại nhà”... Những năm qua, chị là người trực tiếp tham gia và vận động chị em thành lập “Tổ thu gom phế liệu” với 8 thành viên. Ngoài thu gom phế liệu ở nhà dân, các thành viên trong tổ còn thu gom ở các hàng quán nên số lượng ve chai khá lớn. Trung bình mỗi tuần, tổ thu gom 3 lần, mỗi lần thu về số tiền quỹ từ 300 - 500 nghìn đồng. Từ năm 2018 đến nay, mô hình “Tổ thu gom phế liệu” đã thu và bán được với tổng số tiền trên 150 triệu đồng, giúp đỡ thường xuyên 12 trường hợp và giúp trên 500 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ, trẻ em, người già có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhiều mô hình, hoạt động vì hội viên, người nghèo trong thôn như: “Hũ gạo tình thương”, “Phụ nữ sưởi ấm tình thương”, “Bữa sáng yêu thương”, “Quầy sữa miễn phí”... cũng được chị Nhi tích cực triển khai thực hiện. Trong 5 năm qua, từ các mô hình đã đem về gần 1,4 tấn gạo và 120 triệu đồng giúp cho trên 200 trường hợp là hội viên, phụ nữ già yếu, neo đơn, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các cháu mồ côi. Đồng thời, chi hội nhận đỡ đầu 10 trường hợp phụ nữ nghèo, neo đơn với mức hỗ trợ 10kg gạo và 200 - 300 nghìn đồng/người/tháng.
Người dân thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh phấn khởi khi nguồn nước sạch được đưa về tận thôn, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Ảnh: NHÃ UYÊN |
SA HUỲNH - NHÃ UYÊN - KHẢI NAM
Trình bày: VÕ VĂN
Kỳ cuối: Vững từ gốc
TIN, BÀI LIÊN QUAN: