Nói đến du lịch nông nghiệp là nói đến tài nguyên phục vụ sản xuất nông nghiệp, là không gian tổ chức hoạt động du lịch nông nghiệp, chỉ diễn ra ở nông thôn và người thực hiện là cộng đồng cư dân. Vì vậy, du lịch nông nghiệp không thể tách rời du lịch nông thôn, loại hình du lịch sử dụng những tài nguyên mang tính đặc trưng ở nông thôn, nhằm cung cấp các trải nghiệm về sản xuất nông nghiệp, lối sống, văn hóa và môi trường sinh thái, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách qua trải nghiệm cảnh quan nông thôn và cuộc sống của cư dân bản địa. Và, cần thiết phải kết hợp thực hiện với du lịch cộng đồng, một loại hình du lịch phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi.
Trải nghiệm du lịch miệt vườn ở huyện trung du Nghĩa Hành. |
Phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các vùng nông thôn đang là hướng đi được nhiều địa phương trong nước triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn. Đảng, Nhà nước cũng đã có định hướng phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững.
Thực tiễn tại địa phương ở Tây Nam Bộ, thực hiện hiệu quả việc tổ chức các tour du lịch nông nghiệp kết hợp với du lịch nông thôn và du dịch cộng đồng. Đơn cử, tour du lịch làng hoa Sa Đéc - Vườn quýt Hồng Lai ở tỉnh Đồng Tháp; tour Mỹ Tho - Cù lao Thái Sơn - Cồn Phụng - Cần Thơ - Chợ nổi Cái Răng; Cồn Sơn - Đình Bình Thủy - Chợ nổi Cái Răng ở TP.Cần Thơ...
|
Quảng Ngãi là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái đa dạng, phong phú, nhiều di sản văn hóa, cảnh đẹp từ miền núi, đồng bằng cho đến hải đảo. Phần lớn diện tích của tỉnh là vùng nông thôn, có nhiều tiềm năng và triển vọng để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn và du lịch cộng đồng. Việc thực hiện thành công loại hình du lịch nông nghiệp kết hợp với du lịch nông thôn và du lịch cộng đồng nói trên là những gợi mở, giúp du lịch Quảng Ngãi phát triển tiềm năng kinh tế du lịch của tỉnh thời gian tới.
Đảo Lý Sơn có nhiều phong cảnh đẹp và hoang sơ. Ảnh: THANH NHỊ |
Trong đề án phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 304 ngày 10/3/2022, với 3 loại hình, đó là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. Phương thức hoạt động của các loại hình du lịch này đều chịu sự chi phối của sự tương tác giữa loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn và du lịch cộng đồng, gắn với đặc điểm môi trường văn hóa và sinh thái ở các vùng nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Xuất phát từ góc nhìn địa văn hóa và thực tiễn tiềm năng du lịch Quảng Ngãi nhìn từ quan hệ giữa du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn và du lịch cộng đồng, cũng như kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển du lịch ở các địa phương trong nước, Quảng Ngãi cần xây dựng cho mình hướng đi phù hợp, bền vững.
Trong đó, lưu ý khi xây dựng chiến lược phát triển du lịch, Quảng Ngãi cần lấy việc phát triển tiềm năng du lịch nông nghiệp trong quan hệ với du lịch nông thôn và du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới. Cần xác định thế mạnh của từng địa phương để có định hướng phát triển phù hợp với môi trường văn hóa nông thôn của từng vùng miền như: Vùng núi, đồng bằng, ven biển... Mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch dài hạn, ngắn hạn để trang bị kiến thức và kỹ năng du lịch gắn với đặc trưng vùng miền cho người làm du lịch, ưu tiên cho cư dân địa phương, cho có tour du lịch.
Nông thôn Quảng Ngãi có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. |
Bên cạnh đó, chú trọng việc đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp trong mối quan hệ với du lịch nông thôn và du lịch cộng đồng trên cơ sở chuỗi giá trị nông nghiệp nông thôn gắn với giá trị đặc trưng thể hiện màu sắc văn hóa cộng đồng của địa phương, lưu ý các sản phẩm OCOP mang giá trị văn hóa của mỗi vùng miền. Tăng cường sự liên kết, trao đổi sản phẩm du lịch nông nghiệp của cộng đồng nông thôn giữa các vùng miền trong xã, huyện, tỉnh để tạo sự phong phú, hấp dẫn, mới lạ cho sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách. Tích cực bảo vệ tài nguyên và môi trường nông nghiệp, nông thôn của mỗi cộng đồng theo hướng du lịch sinh thái nhân văn và phát triển du lịch bền vững.
Tạo môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp nhằm gây ấn tượng cho du khách. Phải xem môi trường văn hóa sinh thái nông nghiệp, nông thôn là tài nguyên du lịch của cộng đồng mà mỗi thành viên có trách nhiệm bảo tồn và phát triển. Mở rộng việc quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng theo hướng “xây dựng thương hiệu”.
Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái và điểm du lịch là một trong 6 nhóm sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Do đó, những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã phát huy tiềm năng, lợi thế để khai thác và phát triển các loại hình du lịch này, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Một trong những vấn đề được các địa phương chú trọng hiện nay là phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP.
Tại cơ sở sản xuất mạch nha Thy Thảo, xã Đức Nhuận (Mộ Đức), khách hàng đến đây không chỉ để mua sản phẩm, mà còn tìm hiểu, trải nghiệm các khâu chế biến mạch nha. Bà Trương Thị Thảo, chủ cơ sở mạch nha Thy Thảo, nhiệt tình kể cho khách hàng nghe về lịch sử của nghề, cũng như quá trình sản xuất mạch nha. Mạch nha được làm từ mộng lúa. Qua đôi tay khéo léo cùng sự cần mẫn trong lao động của con người, những mầm lúa được chuyển hóa thành loại đường dẻo quánh, thơm ngon. Nghề làm mạch nha có từ lâu đời.
Sách Địa Chí Quảng Ngãi có ghi: “Sản phẩm mạch nha từ những năm 1930 - 1935 đã được trưng bày tại hội chợ Hà Nội, Huế và được công nhận là sản phẩm tiểu thủ công nghiệp xuất sắc, được cấp bằng khen và triều đình Huế phong hàm Cửu phẩm văn giai cho nghệ nhân". Thi Phổ và Đồng Cát là "cái nôi” của mạch nha, bởi nghề này xuất phát từ gia đình ông Phó Sáu, ở thôn Thiết Trường, tổng Lại Đức (nay là thị trấn Mộ Đức) và được con, cháu phát triển thành cơ sở sản xuất quy mô tại thị trấn Thi Phổ và thị trấn Đồng Cát (Mộ Đức).
Hiện nay, mạch nha đã được công nhận là sản phẩm OCOP. Nhiều du khách khi đến Quảng Ngãi chọn mua sản phẩm mạch nha làm quà tặng. Câu chuyện về sản phẩm mạch nha và trải nghiệm các công đoạn làm mạch nha khiến nhiều du khách thích thú.
Chị Thượng Thị Bình Uyên - Chủ cơ sở Hương Vị Mới |
Sản phẩm “cơm cháy cá bống sông Trà” của cơ sở Hương Vị Mới, ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) cũng được nhiều người ưa chuộng. Chị Thượng Thị Bình Uyên - Chủ cơ sở Hương Vị Mới chia sẻ, những bữa cơm nguội cùng nồi cá bống kho của mẹ đã giúp tôi có ý tưởng làm nên sản phẩm cơm cháy cá bống sông Trà. Mỗi lần mẹ kho nồi cá bống sông Trà thơm phức, tôi thầm nghĩ, làm thế nào mà khi xa nhà, mình vẫn thưởng thức được món cơm trắng cá bống. Năm 2021, tôi bắt tay chế biến sản phẩm cơm và cá bống sông Trà. Sau 1 năm đổ bỏ không biết bao nhiêu mẻ cơm cháy cá bống vì không đạt yêu cầu, cuối cùng tôi cũng tìm được công thức chế biến để cho ra sản phẩm ưng ý.
Sản phẩm này đoạt giải Ba toàn quốc cuộc thi tìm kiếm dự án, ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo năm 2023, do Trung ương Hội LHTN Việt Nam tổ chức. “Câu chuyện sản phẩm của Uyên đã làm sống lại những ký ức tuổi thơ của nhiều người, lúc cả nhà quây quần bên nồi cơm cháy cùng nồi cá kho. Sản phẩm là một sự kết hợp thuần nông nhưng phù hợp với xu hướng hiện đại”, chị Bùi Thị Như Hòa, khách hàng ở TP.Hồ Chí Minh nói.
Cùng với đó, câu chuyện về sản phẩm thổ cẩm Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) cũng sinh động, hấp dẫn du khách qua câu chuyện kể của chị Phạm Thị Sung. “Thổ cẩm là linh hồn của dân tộc Hrê. Tôi sẽ gắng sức để giữ linh hồn này sống mãi”, chị Sung mở đầu câu chuyện. Với chất giọng nhẹ nhàng, chị Sung dẫn dắt khách hàng chiêm ngưỡng sự tinh xảo và nét độc đáo thổ cẩm Làng Teng. Qua câu chuyện giúp du khách hiểu về 3 màu chủ đạo trong thổ cẩm Làng Teng, màu đen tượng trưng cho màu da của con trâu - con vật tạo ra của cải, hoa màu; màu trắng tượng trưng cho linh hồn; màu đỏ tượng trưng cho dòng máu của đồng bào dân tộc Hrê.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, “câu chuyện sản phẩm” dựa vào sự đặc sắc gắn với văn hóa riêng của từng sản phẩm là công cụ để chủ thể OCOP tiếp cận và khai thác thị trường, cạnh tranh với những doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng cùng chủng loại. Câu chuyện sản phẩm hay, độc đáo và lôi cuốn sẽ chạm đến cảm xúc của khách hàng và chọn mua sản phẩm. Vì vậy, chủ thể OCOP cần “làm giàu” thông tin, tạo sự hấp dẫn trong từng câu chuyện để tôn vinh, lan tỏa các giá trị văn hóa bản địa gắn với phát triển sản phẩm.
TIN, BÀI LIÊN QUAN: