[Emagazine]. Bước đi mới của du lịch Quảng Ngãi

08:51, 09/03/2024
.
 
 

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Phan Long nhận định, thời gian qua, ngành du lịch Quảng Ngãi đã có bước phục hồi đáng kể. Hiệp hội phối hợp với các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch và chiến dịch truyền thông với chủ đề "Quảng Ngãi - Điểm đến an toàn, thân thiện" đối với các thị trường nội địa nằm trong chuỗi liên kết với các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Du khách tham quan điểm du lịch bàu Cá Cái, xã Bình Thuận 
(Bình Sơn). Ảnh: PV
Du khách tham quan điểm du lịch bàu Cá Cái, xã Bình Thuận (Bình Sơn). Ảnh: PV

Cùng với đó, Hiệp hội Du lịch tỉnh tăng cường giới thiệu và hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành khai thác các sản phẩm du lịch dành riêng cho liên kết: "Quảng Ngãi - Hành trình di sản văn hóa, địa chất biển, đảo". Từ đó tạo ra những tour du lịch hấp dẫn, dịch vụ tối ưu, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh. Phát triển sản phẩm du lịch các tuyến mới liên kết vùng Quảng Ngãi - Lý Sơn - Măng Đen - Ngã ba Đông Dương - Gia Lai. Đồng thời, khai thác tuyến sản phẩm mới: Quảng Ngãi - Rừng dừa nước - Biển Mỹ Khê - Chùa Minh Đức...

 

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Phan Long cho rằng, du lịch Quảng Ngãi tuy có khởi sắc nhưng thiếu bền vững và ảnh hưởng bởi tính mùa vụ. Dù sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhưng đến nay, việc khai thác thế mạnh này của Quảng Ngãi vẫn chưa bắt kịp sự phát triển của nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực miền Trung. Hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu, sản phẩm du lịch chưa đa dạng... Những khó khăn này phần nào ảnh hưởng đến việc khai thác, thu hút khách đến với Quảng Ngãi.

Du khách check-in tại điểm du lịch “Đi về nơi có gió”, ở xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi).
Du khách check-in tại điểm du lịch “Đi về nơi có gió”, ở xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi).

Giám đốc Công ty TNHH Saigon Land Travel chi nhánh Quảng Ngãi Lê Hồng Phong cho biết, năm 2023, công ty khai thác được hơn 50 tour du lịch lớn, nhỏ trong và ngoài tỉnh. Ngành Du lịch Quảng Ngãi cần có sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để đáp ứng nhu cầu du lịch của người dân trong tỉnh và du khách. Tỉnh cần đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông vào các khu, điểm du lịch, để các công ty lữ hành có điều kiện đưa những đoàn khách lớn đến tham quan. Đối với cơ sở lưu trú cần đầu tư cơ sở vật chất và có thêm nhiều khu nghỉ dưỡng, nhất là ở khu vực biển để đáp ứng nhu cầu du khách. Tăng cường thêm các hoạt động giải trí về đêm tại TP.Quảng Ngãi, Lý Sơn... Các điểm đến của Quảng Ngãi cần đầu tư quy mô và đồng bộ hơn, bởi lâu nay nhiều điểm đến còn manh mún, kém phát triển.

Du khách tham quan chùa Minh Đức (TP.Quảng Ngãi).
Du khách tham quan chùa Minh Đức (TP.Quảng Ngãi).
Du khách check-in tại Khu du lịch sinh thái Suối Chí (Nghĩa Hành).
Du khách check-in tại Khu du lịch sinh thái Suối Chí (Nghĩa Hành).

Cụ thể hóa Nghị quyết 05 ngày 2/11/2021 của Tỉnh ủy khóa XX về đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, ban hành Kế hoạch 12 thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm nâng cao nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và nhân dân tập trung phát triển du lịch của tỉnh.

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn cho biết, Quảng Ngãi đề ra kế hoạch đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông gắn với hạ tầng du lịch, nâng cao khả năng kết nối giao thông đến các khu di tích, điểm du lịch; kêu gọi đầu tư các hoạt động vui chơi giải trí phục vụ người dân và du khách tham quan. Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải khách du lịch đường thủy tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn, Đà Nẵng - Lý Sơn, Cửa Đại - Lý Sơn, đảo Lớn- đảo Bé, huyện Lý Sơn và các tuyến lòng hồ thủy điện Đăkđrinh. Đồng thời, nghiên cứu phát triển các tuyến thủy nội địa trên sông Trà Khúc kết nối Khu Văn hóa Thiên Mã - du lịch cộng đồng Tịnh Long; thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp, phát huy có hiệu quả các di tích lịch sử - văn hóa, công trình tôn giáo phục vụ phát triển du lịch...

 

Riêng đối với phát triển du lịch biển, đảo, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển huyện Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển đảo theo Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Dự thảo đề án đã hoàn thành, đang thực hiện quy trình xem xét, phê duyệt để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Phát triển huyện Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển đảo. Ảnh: PV
 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn nhấn mạnh, để Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển đảo, cần tập trung giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch. Hai là giải pháp về huy động nguồn lực. Đặc biệt là ưu tiên thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào các công trình hạ tầng kỹ thuật quy mô lớn theo quy hoạch phân khu đô thị Lý Sơn như: Sân bay, cảng biển hành khách; thu hút đầu tư các khách sạn cao cấp, khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí quy mô lớn, qua đó đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của du khách. Ba là giải pháp phát triển sản phẩm, đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo là đặc trưng của Lý Sơn và đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, liên kết, hợp tác, tìm kiếm thị trường, đào tạo nhân lực, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Với các nhóm giải pháp rất cụ thể như trên, thời gian tới, khi đề án được phê duyệt và triển khai thực hiện, hy vọng hoạt động du lịch biển, đảo tại Lý Sơn nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung sẽ có chuyển biến mạnh mẽ, từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh như Nghị quyết 05-NQ/TU đã đề ra.

Bài, ảnh: KIM NGÂN
Trình bày: P.DUNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 08:51, 09/03/2024