|
Những ngày đầu năm mới, đền thờ thủy tổ Trần Văn Đạt, ở thôn Vạn Phước, xã Đức Hòa (Mộ Đức), rộn ràng khi con cháu quây quần sửa sang, quét dọn để chuẩn bị cho lễ tế Thanh Minh (tế xuân). Lễ tế xuân được tổ chức tại nhà thờ vào ngày 16/2 âm lịch hằng năm nhằm tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân.
Lễ tế xuân tại nhà thờ tộc họ Trần - Sáu xã Vạn Phước (thuộc xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức) được tổ chức trang trọng theo nghi lễ truyền thống. Ảnh: Xuân Hiếu |
Họ Trần là một trong 4 dòng họ lớn đầu tiên (Trần, Huỳnh, Hồ, Phạm) đến lập nên Sáu xã Vạn Phước. Căn cứ vào địa bạ tỉnh Quảng Ngãi, đến đời Minh Mệnh (1820 - 1840), Sáu xã Vạn Phước thuộc tổng Quy Đức, huyện Mộ Hoa, tương ứng với địa phận 2 xã Đức Hòa, Đức Phú (Mộ Đức) và một phần hữu ngạn sông Vệ, từ Hành Thịnh đến Hành Thiện, Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) ngày nay. Đền thờ thủy tổ Trần Văn Đạt do con cháu xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVI, để tưởng nhớ vị tổ di dân lập nghiệp của dòng họ - người có công mở đất lập làng Vạn Phước Xã xưa kia.
Ngày Tết là dịp để con cháu cùng trở về với cội nguồn, quê hương. Ảnh: X.Hiếu |
Ông Trần Quang Lục - Phó tộc họ Trần cho biết, đền thờ dòng họ Trần tổ chức nhiều nghi lễ truyền thống như lễ tế xuân, tế thu, lễ đông chí, rằm tháng Bảy, rằm tháng Tám... nhưng lớn nhất là lễ tế xuân. Đây là ngày giỗ tổ, con cháu trong họ tộc tề tựu rất đông, cùng nhau dâng lễ vật làm lễ tế cáo tổ tiên sau một năm. Lễ tế xuân được chuẩn bị kỹ. Trước lễ, khu vực thờ được sửa soạn trang hoàng, bàn thờ tổ được sắp mâm lễ với đầy đủ lễ vật. Giờ lành, các cụ cao niên trong trang phục áo the, khăn xếp thực hiện các nghi thức tế tổ.
Đã trở thành nét đẹp từ bao đời, vào ngày 30 tháng Chạp, tại các nhà thờ họ tộc trong tỉnh đều làm lễ cúng. Ông Võ Duy Hùng - Trưởng tộc chi họ Võ - Đại An, ở thôn Đại An Đông 1, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) cho biết, lễ vật thờ cúng ngày 30 Tết được gia đình chuẩn bị gồm mâm ngũ quả, gà, xôi, chè, rượu... Đại diện những chi phái nhỏ hơn ở khắp nơi cũng dâng lên bàn thờ tổ mâm lễ vật. Vào thời khắc giao thừa, trưởng họ kính cẩn nghiêng mình trước hương án, bày tỏ lòng tri ân tổ tiên và cầu mong năm mới con cháu trong dòng họ khỏe mạnh, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Các nghi thức khấn mời tổ tiên ông bà về ăn Tết với gia đình tạo nên không khí thiêng liêng, đầm ấm. Trong 3 ngày Tết, các bậc cao niên trong họ đều dâng lễ cúng tổ tiên rất chu đáo. Sau lễ cúng, mọi người quây quần bên nhau, chúc nhau một năm mới an lành.
Tết là dịp để con cháu tộc họ Trần - Sáu xã Vạn Phước tề tựu đông đủ. |
Hằng năm, dù đi đâu về đâu, đến Tết cổ truyền, mọi người đều cố gắng thu xếp để trở về với quê hương, gia đình, dòng họ... Những ngày Tết, về thăm nhà thờ dòng họ còn là dịp để con cháu chúc thọ các bậc cao niên, anh em họ hàng nhân dịp đầu xuân. Ông Trần Quang Kim Sơn là con cháu đời thứ 15 của tộc họ Trần - Sáu xã Vạn Phước, hiện sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, năm nào vào dịp Tết, gia đình tôi cũng về nhà thờ dòng họ để thắp hương tưởng nhớ tổ tiên. Đây là nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong ngày Tết. Về nhà thờ, các con tôi tìm hiểu về lịch sử, truyền thống của dòng họ, gặp gỡ bà con, cùng nhau chuyện trò... từ đó gần gũi với nhau hơn.
Đường quê ngập tràn sắc hoa xuân. |
Nhiều dòng tộc còn duy trì các hoạt động truyền thống trong ngày xuân, như chúc thọ người cao tuổi, tuyên dương con cháu học hành chăm ngoan. “Chúng tôi rất vui khi trong dòng tộc vẫn giữ được nét đẹp truyền thống trong ngày Tết, nhằm động viên người già cũng như lớp trẻ. Thông qua đó, giáo dục con cháu đạo hiếu với cha mẹ, kính trọng người cao tuổi và phát huy truyền thống hiếu học”, ông Nguyễn Tấn Hùng (71 tuổi), thuộc dòng họ Nguyễn thôn Hòa Bân, xã Tịnh Thiện (TP.Quảng Ngãi), một trong những dòng họ khuyến học tiêu biểu trong tỉnh, chia sẻ.
Tháng Chạp, nhìn đám cải ngồng nở vàng ươm dưới đồng, bà nội tôi chống gậy ra thăm vườn. Nội ngó đám lá dong năm nay xem có đẹp không? Mấy quả bưởi liệu có chín kịp để bày mâm ngũ quả cúng ông bà ngày Tết? Trong bữa cơm tự nhiên như nhớ ra điều gì, bà nội hỏi: “Cuối năm rồi xem nhà mình còn thiếu nợ ai thì nhớ trả”. Mẹ tôi thì bao nhiêu năm vẫn giữ thói quen bấm ngón tay tính đủ thứ trên đời. Như hôm nay ngồi ngoài hiên gió, mẹ tính xem trong chuồng còn bao nhiêu con gà, liệu có đủ làm cỗ và biếu một vài nơi ơn nghĩa? Còn bố, cả ngày bận rộn đồng áng, lúc rảnh lại lúi húi chăm vườn hoa trước nhà để mong chúng luôn rực rỡ. Bởi bố biết dù cả ngày có vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì khi trở về nhà, chỉ cần nhìn hoa nở là mẹ tôi đã thấy bớt đi phần cực nhọc. Nhà tuy nghèo nhưng chưa bao giờ thiếu sắc hoa. Hoa trồng trước sân. Hoa mọc sau nhà. Ngay cả vệ đường phía trước nhà, bố cũng trồng đầy hoa mười giờ, tỉ muội, thược dược bảy màu... Chúng tôi nhìn vào tình yêu của bố dành cho mẹ từ những điều giản dị, mà vui.
Những người phụ nữ ở quê, dù “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, song những ngày cuối năm đều cùng tâm trạng nôn nao. Thỉnh thoảng dưới cổng lại có tiếng người ới gọi. Mẹ dù bận việc gì cũng bỏ đấy chạy ra, tiếng nhỏ to dưới cổng nhà trở thành quen thuộc trong ký ức của tôi. Cô hàng xóm khều tay rủ: “Hay là ngày mai mình đi chợ hoa? Đi sớm để chọn mua hoa đẹp”. Cũng có khi những tiếng í ới gọi nhau để dặn: “Nhà chị năm nay nhiều lá dong đẹp lắm. Tết sang mà cắt, không phải ra chợ mua cho tốn kém”. “Năm nay là em nuôi được con heo ngon lắm, chỉ thả rừng ăn giun dế và cám gạo. Mình cùng góp để xẻ thịt con heo ăn Tết. Yên tâm ra Giêng trả tiền em cũng được. Lo gì”. Người quê thật thà, thơm thảo. Có khi trồng một vườn rau cả xóm ăn chung. Đến bữa hết gạo và thức ăn thì chạy vội sang hàng xóm mượn tạm. Khoai, sắn chia nhau qua hàng rào. Đi làm đồng bắt được mớ cua ngon giã nấu canh mẹ cũng sớt chia cho hàng xóm. Bao nhiêu năm trôi qua, cuộc sống đã đổi thay thì tình người vẫn vậy. Tôi đi xa trở về, bác hàng xóm vẫn bê sang cho đĩa xôi củ mì, vài chiếc bánh rán vẫn còn nóng hổi. Tháng Chạp vẫn í ới gọi nhau san sẻ hạt giống rau, ít hạt tiêu xanh, có mấy xâu nấm hương ngon cũng chia cho hàng xóm.
Có lẽ những điều bình dị ấy đã làm nên bao cái Tết ấm áp mà bất cứ ai xa quê cũng thương nhớ khôn nguôi. Nhớ nồi bánh chưng cả xóm gói chung, cùng nhau chẻ lạt, cọ lá, nhóm lửa, canh nồi. Miếng bánh nóng hổi vừa vớt được ăn cùng nhau bao giờ cũng ngon hơn mua ở chợ. Nhớ cái không khí cùng nhau tát cá đồng những ngày cuối năm ôi chao là vui. Trên những khuôn mặt lấm lem bùn đất nở nụ cười rạng rỡ khi chia nhau từng con cá, mớ tôm. Chia nhau miếng cá nướng ngoài đồng sao mà thơm mà ngọt. Tết này trong nhà tôi hoa rực rỡ được cắt từ vườn nhà bên. Trong mâm cỗ thắp hương tổ tiên thơm thảo cả tình làng nghĩa xóm...
Tết đến, tôi mang tâm trạng của người ở quê, nhớ cái Tết đọng mãi trong tâm thức. Khi tháng Chạp về, bên cạnh phải lo việc đồng áng, các mẹ, các chị lại tất bật chuẩn bị để gia đình đón Tết. Trong đó, làm bánh để dâng lên bàn thờ tổ tiên và tiếp khách trong 3 ngày Tết là không thể thiếu. Thường thì sau ngày tiễn ông Táo về trời, công việc làm bánh Tết càng rầm rộ hơn. Tiếng chày quết bánh ít thập thình, tiếng vồ nện bánh nổ vang khắp đầu làng cuối xóm, tiếng gọi nhau í ới từ nhà này vọng sang nhà nọ để chuyền nhau mượn khuôn bánh thuẫn, bánh in, như giục những nụ hoa đón Tết hé nở. Những tràng bánh, tràng mứt được trải ra phơi dưới nắng mai tỏa mùi thơm phức. Chúng được tạo ra từ sản phẩm quê kiểng mang đậm hương đồng gió nội, qua bàn tay khéo léo của các mẹ, các chị, chẳng hề pha lẫn chút hương công nghiệp đánh lừa vị giác.
Hoa mai ngày Tết. Ảnh: Ý THU |
Thuở ấy, Tết ở làng quê thật ấm áp và trang trọng. Mọi thứ đều chuẩn bị thật chu đáo, đến chiều 30 tháng Chạp xem như mọi thứ đều đã chuẩn bị hoàn tất, chỉ còn chờ đến thời khắc giao thừa. Tục lệ không buôn bán trong ba ngày Tết cũng rất hay. Một mặt vừa để cho người buôn bán có chút thời gian để vui Xuân, đón Tết cùng gia đình, bà con sau một năm vất vả, một mặt vừa nhắc nhở mọi người về tính lo xa, tính chu đáo đối với cái Tết thiêng liêng của dân tộc.
Trong những ngày Tết, người ta cấm kỵ nói những lời không hay, không gây gổ mà buông bỏ vị tha những khiếm khuyết của nhau, dành cho nhau những lời ái ngữ. Nếu ai không làm được điều đó sẽ xui xẻo quanh năm. Chính phong tục này giúp con người sống có văn hóa, văn minh hơn. Tình làng nghĩa xóm càng thêm bền chặt.
Tục lệ không quét nhà trong 3 ngày Tết có người cho là hủ tục. Thực ra không phải vậy. Trong 3 ngày Tết nhà nào cũng sạch sẽ tươm tất, bởi tục lệ không quét nhà đã giúp cho mọi người có ý thức vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi. Những thứ rác hữu cơ mang đậm sắc thái ngày xuân, nó như sợi dây ký ức gợi nhớ xuân xa. Ví như những vỏ hạt dưa bé xíu đỏ xinh vương vãi trên lối đi, những cánh mai vàng khẽ khàng rơi theo làn gió xuân đọng trên mặt bàn, trên lối nhỏ sân quê, cho lòng người rạo rực cùng xuân. Sau đó, người ta tỉ mẩn lượm đi, hay dồn vào góc khuất nào đó, đợi đến chiều mùng 3 Tết, sau lễ cúng tiễn ông bà, rác được tập kết ra ngã ba gần nhất. Trước khi đổ, người ta đọc lẩm nhẩm câu: “Kiến càn, kiến riện, kiến cánh chui ra. Đến chiều mùng ba, ta đi bán kiến”. Ngẫm cũng thú vị, chính câu gọi là “thần chú” giúp các gia đình duy trì ý thức giữ vệ sinh chung trong 3 ngày Tết. Làm thế liệu nhà mình sạch, đường thì bẩn không? Thực ra đấy chỉ là cách “làm phép”, mỗi nhà chỉ mang ít rác đi đổ thôi, còn lại tự xử lý trong vườn nhà mình. Thuở ấy, toàn là rác hữu cơ, người dân tự dùng bật lửa đốt.
Ở quê tôi, ngoài những phong tục kể trên, còn có phong tục “Tết giếng”, “Tết bò”. Phong tục này thể hiện biết ân nghĩa đối với con vật đã giúp người dân giảm bớt nhọc nhằn trong nghiệp nông phu và đối với vị thần (Thần Giếng) đã giúp họ duy trì sự sống... Đón Tết này lại nhớ Tết xưa. Tết nay ít nhiều có sự thay đổi, nhưng đọng lại trong tâm thức mỗi người là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc vẫn luôn được gìn giữ. Người người, nhà nhà đều mong đón Tết an lành, hạnh phúc, đón năm mới với tràn đầy niềm tin và hy vọng.
TIN, BÀI LIÊN QUAN: