[Emagazine]. Vượt lên chính mình (Kỳ 1)

16:22, 30/12/2023
.
 
 
 

(Baoquangngai.vn)- Những học sinh (HS) bất hạnh luôn mang trong mình ý chí vượt lên chính mình. Mỗi em có một câu chuyện, một hoàn cảnh riêng và cuộc sống của các em luôn trong tình cảnh khó khăn. Song, tất cả các em đều có chung một mơ ước là tiếp tục hành trình đến trường để có một tương lai tươi sáng. 

 

Một buổi chiều giữa đông, chúng tôi tìm về ngôi nhà nhỏ của gia đình em Trần Thanh Vỹ, HS lớp 7B, Trường THCS Nghĩa Điền (Tư Nghĩa). Ngôi nhà nằm sâu trong một ngõ nhỏ ở thôn Điền An, xã Nghĩa Điền. Trước mắt chúng tôi, hình ảnh cậu bé Vỹ đang lò cò tay xách nước cho đàn bò uống. Một chân của Vỹ bị cưa khi mới lên 3, nhưng em vẫn kiên cường vượt qua biến cố để tiếp tục đến trường theo đuổi ước mơ con chữ. 

Trần Thanh Vỹ sinh ra trong một gia đình nghèo, có 3 anh chị em. Đã 10 năm trôi qua, chị Đặng Thị Thảo (mẹ Vỹ) vẫn không quên biến cố làm thay đổi cuộc đời con trai mình. Chị Thảo nhớ lại, một buổi trưa tháng 11 Âm lịch, chị đưa Vỹ về dự đám cưới người thân ở quê ngoại. Em chập chững bước ra cổng trại cưới thì bị một chiếc xe tải tông trúng rồi bất tỉnh. Vỹ được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu. Sau đó, em được chuyển ra Bệnh viên Đa khoa Đà Nẵng. Tại đây, bác sĩ chỉ định cưa chân trái để giữ tính mạng cho em. 

 
Dù được miễn học tiết học thể dục, hoạt động trải nghiệm, nhưng em Trần Thanh Vỹ tham gia tất cả các tiết học và hoạt động của trường.
Dù được miễn học tiết học thể dục, hoạt động trải nghiệm, nhưng em Trần Thanh Vỹ vẫn tham gia tất cả các tiết học và hoạt động của trường.
 

Tỉnh dậy sau phẫu thuật, Vỹ đưa mắt xuống cơ thể mình. Lúc ấy, dù chỉ mới là đứa trẻ, nhưng Vỹ cảm nhận được cơ thể mình không còn lành lặn, em òa khóc nức nở. Nhìn con, trái tim cha mẹ Vỹ như đang bị “bóp nghẹt”. Chị Thảo thất thần khóc nghẹn. Gia đình đã nghèo, vợ chồng lại thường xuyên đau ốm, cuộc sống nhờ cả vào mấy sào ruộng và nghề bắt ốc, cá đồng trên sông. Ngôi nhà đang ở là nhà che tạm, giờ đây Vỹ lại tật nguyền, cuộc sống của 5 con người khó khăn lại chồng chất khó khăn. 

 
Ngoài giờ học, em rất có ý thức giúp đỡ cha mẹ những việc nhà.

 

 
 

 Chị Thảo kể, mọi sinh hoạt của Vỹ lúc ấy phải nhờ vào cha mẹ. Nhìn con trai kiên cường vượt qua biến cố mà lòng chị vơi đi phần nào nỗi đau. Vỹ tập đi bằng cách vịn vào giường rồi vào tường mon men từng bước. Dần dần, em quen và bắt đầu nhảy lò cò. Dẫu nghèo, bữa đói bữa no, nhưng cha mẹ Vỹ luôn đồng hành cùng con, động viên em không từ bỏ việc học. Đều đặn hằng năm, cha mẹ lại chắt chiu, dành dụm tiền đưa Vỹ vào tỉnh Bình Định hay TP.Hồ Chí Minh để lắp chân giả. 

Vỹ kiên trì đến trường theo đuổi ước mơ con chữ. Những năm qua, em đều là HS tiên tiến. “Tôi luôn động viên con, khuyết tật là điều không may mắn. Song, con an phận thì không ai có thể giúp được mình, chỉ có học mới giúp con có được tương lai tươi sáng”, chị Thảo tâm sự. Nghe lời mẹ, Vỹ nỗ lực học tập. Dẫu được thầy, cô giáo miễn học các tiết học thể dục thể chất, hoạt động trải nghiệm… nhưng em không bỏ học tiết nào. “Vỹ không mặc cảm, tự ti vì mình kém may mắn. Sự lạc quan, yêu đời, ý chí, nghị lực của em đã khiến thầy, cô giáo, bạn bè cảm phục”, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Điền Trần Thị Thùy Vân cho biết.

 
Lãnh đạo Trường THCS Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) trao máy tính bảng của Chương trình “Sóng và máy tính cho em” và quần, áo đồng phục học sinh do các mạnh thường quân tặng cho em Vỹ.
Lãnh đạo Trường THCS Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) trao máy tính bảng của Chương trình “Sóng và máy tính cho em” và quần, áo đồng phục
học sinh do các mạnh thường quân tặng cho em Vỹ.
X
 
 
 

 Ngoài giờ học, Vỹ luôn có ý thức giúp đỡ cha mẹ những công việc nhà. Hình ảnh cậu con trai nhảy lò cò quét sân, quét nhà, cắt cỏ cho bò ăn, xách nước cho bò, cho heo uống… đã trở nên quen thuộc với mọi người trong gia đình. Vỹ không bao giờ cho phép mình gục ngã, em muốn chứng minh mình có thể làm tất cả mọi việc như các bạn bình thường. “Em rất vui khi cô Hải Hằng - con gái cố nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ hứa sẽ tặng chiếc chân giả mới tại Lễ trao học bổng Thắp sáng ước mơ và ra mắt Quỹ học bổng nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ”, Vỹ bộc bạch.

Phạm Thị Thanh Trúc, HS lớp 7B, Trường Tiểu học và THCS Bình Chương (Bình Sơn) là cô bé có gương mặt thanh tú và nụ cười rất duyên. Sinh ra trong một gia đình có 3 chị em gái, Trúc là con gái út. Em không may mắn có được thân hình lành lặn như bao bạn khác, vì em mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh. 

Sinh ra đã thiệt thòi, yếu ớt, nhưng Trúc rất ham học. Hôm chúng tôi đến thăm, Trúc tập tễnh bước ra hiên nhà đến bên chiếc bàn ngồi học bài. Đằng sau tinh thần ham học ấy của Trúc là sự động viên, hỗ trợ không mệt mỏi của cha mẹ em. Tuy gia đình khó khăn, vất vả vì phải nuôi 2 chị gái học đại học và Trúc bị bệnh, nhưng luôn ấm áp vì tình yêu thương vô bờ mà cha mẹ dành cho con gái. 

 
 
 
 

 Ngoài công việc chính là làm mấy sào ruộng, hằng ngày, ông Phạm Dũng (cha Trúc) còn dành thời gian để đưa Trúc đến trường. Trong ngôi nhà cũ chẳng có gì đáng giá, giọng ông Dũng trầm xuống khi nhớ lại những tháng ngày đã qua, từ khi Trúc học lớp 1, gia đình phải thường xuyên đưa em vào tận TP.Hồ Chí Minh để chữa bệnh. Nay Trúc 13 tuổi và đã trải qua 5 lần mổ u xương, gãy chân và gãy tay. Em đi lại tập tễnh cũng là điều may mắn rồi.

 
Năm nay, Trúc (bên phải) 13 tuổi và đã trải qua 5 lần mổ u xương, gãy chân và gãy tay. Dẫu vậy, em đã cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ để viết tiếp ước mơ cho cuộc đời mình bằng những thành tích đáng ngưỡng mộ, với nhiều năm liền là học sinh giỏi.
Năm nay, Trúc (bên phải) 13 tuổi và đã trải qua 5 lần mổ u xương, gãy chân và gãy tay. Dẫu vậy, em luôn cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ để
viết tiếp ước mơ cho cuộc đời mình bằng những thành tích đáng ngưỡng mộ, với nhiều năm liền là học sinh giỏi.
 
Em Trúc được nhận học bổng Thắp sáng ước mơ mang tên cố nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ.
Tại Lễ nhận học bổng Thắp sáng ước mơ - Quỹ học bổng nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, em Trúc còn được nhận nhiều phần quà
của các mạnh thường quân.
 
 

 

Những lần bị gãy chân, Trúc phải nghỉ học thời gian dài để điều trị. Thầy, cô giáo mang bài học, bài tập đến tận nhà hướng dẫn em học. Trúc đã cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ để viết tiếp ước mơ cho cuộc đời mình bằng những thành tích đáng ngưỡng mộ, với nhiều năm liền là HS giỏi. Ánh mắt rạng ngời, nụ cười luôn nở trên môi và thành tích học tập giỏi, Trúc đã minh chứng cho nghị lực và tinh thần vươn lên của em, là tấm gương sáng để các bạn noi theo.

“Nếu mình không theo đuổi con đường học tập sẽ không có tương lai. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này có được việc làm ổn định, có thu nhập lo cho bản thân và báo hiếu cha mẹ. Cha mẹ đã vì em mà vất vả quá nhiều. Em ước mơ trở thành nhà tâm lý học, một nghề nghiệp mang đậm tính nhân văn để giúp nhiều người có suy nghĩ và hành động tích cực hơn”, Trúc thổ lộ.

Nói về cô học trò đầy nghị lực, cô giáo Đoàn Thị Vân Hải, giáo viên chủ nhiệm lớp 7B, Trường Tiểu học và THCS Bình Chương cho biết, Trúc là HS khuyết tật, nhưng em luôn nỗ lực trong học tập, là một trong những HS có thành tích học tập tốt nhất lớp.

Thực hiện: ÁI KIỀU - TRỊNH PHƯƠNG - MAI LỰC

 
 
 
 
                            Kỳ 2: Viết tiếp ước mơ đến trường
 
                               TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 
Xuất bản lúc: 16:22, 30/12/2023