[Emagazine]. Thành quả từ công tác dân vận

16:28, 22/10/2023
.
 
 

(Báo Quảng Ngãi)- Để triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn Quảng Ngãi, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Từ tỉnh đến cơ sở đã thành lập nhiều tổ công tác để thực hiện hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư (TĐC) cho người dân...

 

Cuối tháng 9/2023, gia đình ông Huỳnh Ngọc Khanh (76 tuổi), xã Phổ Nhơn (TX.Đức Phổ) đã làm lễ khởi công xây dựng nhà mới ở khu đất TĐC. “Tôi phấn khởi vì khu TĐC được đầu tư khang trang với hệ thống điện, đường hiện đại. Vì vậy, tôi quyết định bàn giao mặt bằng để sớm được xây nhà trên mảnh đất mới”, ông Khanh phấn khởi.

ẢNH: TR.PHƯƠNG
ẢNH: TR.PHƯƠNG

Ông Khanh là một trong số những hộ dân tiên phong trong việc tháo dọn nhà cửa, bàn giao đất cho chính quyền địa phương. Vợ chồng ông có 6 người con nhưng tất cả đã lập gia đình và ra ở riêng. Ông Khanh có diện tích đất bị thu hồi gần 1.100m2 để thực hiện dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua địa bàn TX.Đức Phổ. Sau khi chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể tuyên truyền về dự án cao tốc, ông Khanh ý thức được đây là dự án trọng điểm quốc gia nên đồng thuận tháo dỡ nhà cửa, bàn giao mặt bằng. Là Chi hội trưởng Người cao tuổi thôn Phước Lợi (xã Phổ Nhơn) nên ông tiên phong tháo dỡ nhà cửa để làm gương cho người dân xung quanh và tích cực vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng để dự án được thực hiện đúng tiến độ.

 

Một trong những tác động lớn nhất của dự án mang lại cho xã Phổ Nhơn là diện mạo của địa phương được thay đổi. Cụ thể, địa phương có được khu TĐC ngay sau trụ sở UBND xã với diện tích 8ha và được quy hoạch điện, đường, công viên, vỉa hè đúng quy chuẩn như một đô thị. Nơi đây sẽ trở thành điểm nhấn đô thị của xã Phổ Nhơn. Theo Chủ tịch UBND xã Phổ Nhơn Nguyễn Bảo Toàn, lúc đầu, khó khăn nhất đối với việc vận động, GPMB đó là áp giá đền bù theo giá đất miền núi nên người dân không đồng tình. Sau đó, UBND tỉnh cho cơ chế nhân hệ số 2.25 để ngang bằng với các xã đồng bằng nên thuận lợi hơn. Sau hơn 2 tuần, địa phương đã vận động và bàn giao 99% diện tích đất nông nghiệp nơi có dự án đi qua. Riêng đất do Nhà nước quản lý, người dân xã Phổ Nhơn đã thu hoạch cây và hoàn tất việc giao mặt bằng. 

Cán bộ huyện Tư Nghĩa tuyên truyền vận động người dân xã Nghĩa Kỳ trong vùng dự án nhận tiền đền bù.                                                                                                                                                                    ẢNH: KIM NGÂN
Cán bộ huyện Tư Nghĩa tuyên truyền vận động người dân xã Nghĩa Kỳ trong vùng dự án nhận tiền đền bù. ẢNH: KIM NGÂN

Xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) là địa phương có tổng diện tích đất thu hồi cao nhất so với các địa phương khác nhưng sự đồng thuận của người dân dành cho dự án rất cao. Xác định công tác bồi thường, GPMB dự án là nhiệm vụ trọng tâm, Đảng ủy, UBND xã Nghĩa Kỳ đã thành lập nhiều tổ công tác đến trực tiếp từng hộ dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Những kiến nghị chính đáng của người dân được ghi nhận và đề xuất cấp thẩm quyền kịp thời giải quyết, đảm bảo lợi ích cho người dân. Đặc biệt, khi chọn vị trí xây dựng khu TĐC thì đã lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân và người dân được tham gia quyết định chọn vị trí thuận lợi. Chủ tịch UBND xã Nghĩa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng cho biết, xã đã thành lập 4 tổ, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tỏa xuống cơ sở tuyên truyền, vận động, hỗ trợ công tác GPMB dự án Cao tốc Bắc - Nam. Hệ thống chính trị cơ sở đã chủ động vận động, giải thích cặn kẽ cho nhân dân hiểu. Đi một lần không được thì phải đi  đến hai, ba lần để mỗi hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án với sự đồng thuận cao để dự án đảm bảo tiến độ đề ra.

Đến thời điểm này, xã Nghĩa Kỳ có 158 hộ dân nhận đất TĐC trong tổng số 184 hộ và đã có gần 30 hộ xây dựng nhà ở. Tại khu TĐC Đồng Bà Thơi, thôn An Hội Nam 1 đã có gần 20 hộ tiên phong triển khai làm nhà. Còn tại khu TĐC  An Hội Bắc 1 cũng đã có 3 hộ triển khai xây dựng nhà. Theo Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Nguyễn Đăng Vinh, để hoàn thành tiến độ bàn giao mặt bằng, huyện đã thành lập 5 tổ công tác, luôn bám sát địa bàn để phối hợp chỉ đạo, tuyên truyền, giải thích và kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh. Các lực lượng, như thanh niên, dân quân được huy động để giúp người dân tháo dỡ nhà cửa, di chuyển đồ đạc; đồng thời kêu gọi doanh nghiệp tham gia hỗ trợ phương tiện giúp bà con đào móng làm nhà. Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho người dân vùng TĐC, tối đa 30 ngày sau khi phương án TĐC được phê duyệt, chính quyền huyện sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống.

 

Để hỗ trợ triển khai thực hiện các dự án: Khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ VSIP Quảng Ngãi; Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất và các dự án vệ tinh Khu liên hợp; Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua địa bàn Quảng Ngãi và sắp tới là dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi, những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập 4 tổ công tác giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo và tuyên truyền, vận động hỗ trợ GPMB đối với các dự án trọng điểm này.
“Việc thành lập các tổ công tác đã góp phần tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của các cấp chính quyền và cơ quan nhà nước đối với công tác dân vận. Công tác phối hợp của các cơ quan trong hệ thống chính trị ngày càng chặt chẽ, đồng bộ hơn. Công tác tuyên truyền, vận động trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được chú trọng và quan tâm hơn”, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Thanh An cho biết.

Bồi thường, GPMB là khâu khó, mất thời gian. Nhưng một khi cấp ủy đảng, chính quyền và hội, đoàn thể sát cánh cùng dân, lo cho dân, thấu hiểu nguyện vọng của người dân thì việc khó cũng thành dễ, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Được lòng dân, thì việc gì cũng làm được, trái ý dân, thì chạy ngược chạy xuôi”. Đây cũng là bài học kinh nghiệm của huyện Bình Sơn trong 10 năm qua.

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bình Sơn Phan Đình Chí cho hay, Bình Sơn là địa bàn có nhiều dự án lớn, trọng điểm quốc gia với diện tích thu hồi đất đứng đầu các địa phương trong tỉnh, nhất là dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất và sắp tới là dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi - công trình được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Kinh nghiệm của huyện là công tác tuyên truyền, vận động phải được coi trọng và phải đi trước một bước trước khi triển khai dự án. “Muốn thành công trong công tác dân vận nhất định phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ nhất quán giữa cấp ủy, chính quyền với các ban, ngành, tổ chức liên quan. Việc tuyên truyền, vận động cần có phương pháp khoa học, chặt chẽ, kiên trì, chắc chắn từng bước một”, đồng chí Phan Đình Chí nói.

Nội dung: K.NGÂN - H.THU - 
TR.PHƯƠNG  - T.THUẬN
Trình bày: VĂN CỦA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 16:28, 22/10/2023