[Emagazine]. Người bán cá nghĩa tình

17:13, 06/10/2023
.
 

(Báo Quảng Ngãi)- Chiều muộn, người phụ nữ bán cá tất tả trở về nhà sau một buổi mệt nhoài. Gỡ giỏ đựng cá tanh nồng ra khỏi xe, bà mang theo quyển sổ ghi chép đến nhà người dân trong tổ dân phố (TDP) để vận động góp tiền làm đường, ủng hộ các hoàn cảnh nghèo khó...  Đó là bà Nguyễn Thị Đựng (57 tuổi), ở TDP Nam Phước, phường Phổ Vinh (TX.Đức Phổ). Vì thế, hình ảnh của bà Đựng trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. 

 

Chậm rãi dìu con trai bước lên thềm nhà, ông Nguyễn Cạnh, ở TDP Nam Phước, phường Phổ Vinh nói trong niềm xúc động, tôi mắc bệnh ung thư dạ dày, con trai lại không may bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, gãy cả tay và chân. Chúng tôi đã vượt qua cơn khốn cùng, một phần là nhờ vào sự kết nối, giúp đỡ của chị Đựng. Kinh phí điều trị cho con tôi khoảng 200 triệu đồng, trong đó chị Đựng đã vận động quyên góp hơn 50 triệu đồng. Nếu không có tấm lòng nghĩa tình của chị Đựng và nhiều người thì cha con tôi đâu có được ngày hôm nay.

Bà Nguyễn Thị Đựng (bên phải) khiêng cá từ bến sông Trường để đưa lên xe chở ra chợ bán.
ẢNH: Ý THU
Bà Nguyễn Thị Đựng (bên phải) khiêng cá từ bến sông Trường để đưa lên xe chở ra chợ bán. ẢNH: Ý THU

Gần 1 năm trước, trong một lần phụ chồng bốc vác cá từ tàu xuống bến sông Trường, bà Đựng nghe người ta kể cho nhau nghe về gia cảnh của người cha ung thư đang chạy vạy khắp nơi để có tiền lo cho con trai không may bị tai nạn giao thông. Ngay hôm đó, sau khi bán hết cá ở phiên chợ chiều, bà Đựng vội chạy xe đến nhà ông Cạnh để tìm hiểu. Vài ngày sau, thông qua sự kết nối, vận động của bà Đựng, hơn 50 triệu đồng đã được trao đến tận tay cha con ông Cạnh.

“Tôi vận động đủ nơi, nhưng nhiều nhất vẫn là từ những người họ hàng của mình. Tôi may mắn có được những người họ hàng xa quê, làm ăn khấm khá. Mọi người hễ nghe tôi a lô, là biết tôi cần xin tiền cho người khác. Mọi người hiểu tính tôi nên luôn tin tưởng, chỉ cần tôi đề xuất, là giúp đỡ ngay. Còn người được giúp, hễ ai cảm ơn tôi, tôi đều bảo hãy cảm ơn các nhà hảo tâm, vì tôi chỉ là người kết nối thôi”, bà Đựng chia sẻ.

Chiều đi bán cá, sáng làm lưới, làm mồi câu thuê, bà Đựng luôn bận rộn. Nhưng chỉ cần nghe người khác gặp khó khăn, người phụ nữ giàu lòng thương người này lại gác việc nhà, xắn tay lo cho việc người khác.

Bà Đựng động viên bà Huỳnh Thị Hạnh, ở tổ dân phố Nam Phước, phường Phổ Vinh, có tàu cá bị cháy cuối năm 2022. ẢNH: Ý THU
Bà Đựng động viên bà Huỳnh Thị Hạnh, ở tổ dân phố Nam Phước, phường Phổ Vinh,
có tàu cá bị cháy cuối năm 2022. ẢNH: Ý THU

Cuối năm 2022, tàu cá của vợ chồng bà Huỳnh Thị Hạnh, ở TDP Nam Phước không may bốc cháy và thiệt hại toàn bộ. Hay tin tàu cháy, bà Đựng liền góp trước 500 nghìn đồng và vận động các ngư dân khác trong TDP cùng góp sức. Của ít, lòng nhiều, ngư dân ở TDP Nam Phước cùng với bà Đựng, đã góp hơn 7 triệu đồng phụ giúp gia đình bà Hạnh vơi bớt nỗi khó khăn, sớm sắm lại ngư lưới cụ để tiếp tục đi biển.

Vừa giúp đỡ xong hoàn cảnh của gia đình bà Hạnh, thì bà Đựng hay tin, tàu cá của một ngư dân ở TDP Khánh Bắc, phường Phổ Vinh không may bốc cháy.  “Với ngư dân, con tàu là đầu cơ nghiệp. Nên khi cơ nghiệp của họ mất đi, mình chung tay giúp đỡ được gì thì cứ cố gắng làm”, bà Đựng bộc bạch. Chia sẻ bớt khó khăn với rủi ro của người khác, bà Đựng tiếp tục tiên phong hỗ trợ 500 nghìn đồng và kêu gọi các ngư dân ở TDP Nam Phước cùng tham gia. Cứ thế, những người làm biển ở Nam Phước đã đồng lòng hỗ trợ cho chủ tàu ở Khánh Bắc hơn 7 triệu đồng. Từ sự kết nối của bà Đựng, tình cảm của ngư dân thêm khăng khít, khi khó khăn, hoạn nạn, mọi người đều hết lòng tương trợ nhau.

 


Trên bến cá sông Trường, bà Đựng lọt thỏm giữa đám đông bởi thân hình gầy gò, bé nhỏ. Sức khỏe chưa kịp hồi phục hoàn toàn sau đợt phẫu thuật u tuyến giáp, bà Đựng đã tất tả đến tận tàu vận động mọi người cùng đóng góp tiền để rải đá cấp phối cho tuyến đường dọc sông. “Bác sĩ bảo phẫu thuật xong, cố gắng nghỉ ngơi, hạn chế nói chuyện để vết mổ lành hẳn. Nhưng cái tâm cứ thôi thúc tôi đi vận động để làm cho xong tuyến đường này trước mùa mưa bão”, bà Đựng bảo.

Tuyến đường ven sông Trường được rải đá cấp phối nhờ sự vận động của bà Nguyễn Thị Đựng.                            ẢNH: Ý THU
Tuyến đường ven sông Trường được rải đá cấp phối nhờ sự vận động của bà Nguyễn Thị Đựng. ẢNH: Ý THU

Ngày ngày ra bến cá sông Trường để lấy cá ra chợ bán, bà Đựng nhiều lần chứng kiến cảnh người dân bị ngã xe, do đường đất trơn trượt. Không đành lòng nhìn cảnh bà con phải đi lại trên tuyến đường lầy lội, người đàn bà luôn xông pha vì việc chung này lại tiếp tục tiên phong đóng góp kinh phí làm đường và vận động mọi người cùng tham gia.

Thấy đề xuất của bà Đựng hợp lý, hợp tình, các chủ tàu cá và ngư dân - những người thường xuyên qua lại trên tuyến đường này liền đồng thuận. Người ít thì đóng góp 100 - 200 nghìn đồng, người nhiều lên đến 1 triệu đồng. Cứ thế, chỉ sau 4 ngày vận động, người dân địa phương đã đồng lòng đóng góp kinh phí làm đường gần 50 triệu đồng. Số tiền này, được bà Đựng ghi chép chi tiết và thông báo đến từng hộ dân, để minh bạch toàn bộ chi phí đóng góp. Khi thi công, bà lại thay người dân địa phương đứng ra giám sát, đôn đốc.

 

Sức khỏe chưa hồi phục đã xông pha vì việc chung, việc làm của bà Đựng đã chạm đến trái tim của nhiều người. Lòng nhiệt thành và minh bạch trong mọi việc của bà chính là lý do khiến những đề xuất, vận động của bà luôn được mọi người tín nhiệm.

“Cách đây hơn 1 năm, con đường phía trước nhà tôi vẫn là đường đất. Ấy thế rồi, nhờ có cô Đựng đứng ra hô hào, vận động mà 17 hộ dân trong xóm đã cùng đồng lòng đóng góp mỗi người 3,5 triệu đồng để cùng Nhà nước làm đường bê tông. Cô Đựng là vậy, bận rộn từ sáng sớm tới tận chiều tối, nhưng luôn gánh thêm đủ việc không tên vì xóm làng. Chúng tôi trân trọng cô là vì thế”, ông Võ Đạt, ở TDP Nam Phước bộc bạch.

Chiều muộn, ngay khi chiếc tàu nhỏ làm nghề câu ven bờ của gia đình vừa cập bến, bà Đựng tất tả ra sông phụ chồng gánh cá. Vươn khơi suốt một ngày, một đêm nhưng tàu cá của gia đình bà Đựng chỉ thu về chừng 10kg cá các loại. “Nếu bán sỉ tại tàu thì ngần này cá chỉ được khoảng 1,7 triệu đồng. Sau khi trừ hết chi phí, chỉ dư được 500 nghìn đồng, đủ bù vào công 2 cha con đi biển cả ngày lẫn đêm. Trước tình hình biển giả ngày một khó khăn, ngày nào tôi cũng chịu khó mang cá lên chợ bán hoặc đi bán dạo để có thêm chút tiền trang trải”, bà Đựng bảo.

Hằng ngày, bà Đựng đi bán cá từ lúc16 giờ đến khi trời tối mịt. Sáng ra, bà lại bắt đầu hành trình mưu sinh bằng nghề làm mồi câu thuê cho các chủ tàu tại địa phương đến tận đầu giờ chiều. Vất vả mưu sinh, tiết kiệm từng đồng, nhưng khi gặp người khó khăn hơn mình, người phụ nữ giàu nghĩa tình này lại không ngại giúp đỡ, sẻ chia tiền trăm, tiền triệu.

Ý THU
Thiết kế, trình bày: VÕ VĂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 17:13, 06/10/2023