Thực hiện Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, trong những năm qua, từ nhiều nguồn lực, tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là mạng lưới giao thông nhằm kết nối các vùng kinh tế động lực ven biển. Những công trình động lực có thể kể đến như: Cầu Cổ Lũy, đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (giai đoạn 1, IIa), đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi, đường Trì Bình - cảng Dung Quất; Công viên Quảng trường biển, kết hợp khu đô thị - dịch vụ sinh thái TP.Quảng Ngãi; cảng Bến Đình (Lý Sơn) và nhiều kè chống sạt lở ven biển...
Cùng với đó, tỉnh đã tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển đồng bộ KKT Dung Quất, các KCN, cụm công nghiệp, khu đô thị ven biển và từng bước hình thành các khu đô thị sinh thái ven biển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Tại huyện đảo Lý Sơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu ngày càng hoàn thiện như: Hệ thống kè chắn sóng phía đông nam đảo, với quy mô trên 10,5km. Kè chống sạt lở khu vực mom tàu An Bình (gần 260m). Hệ thống trữ nước sinh hoạt, kết hợp tưới tiết kiệm phục vụ sản xuất cho 80ha đất nông nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt cho 1.000 hộ dân... Qua đó tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cải thiện và nâng cao đời sống, vật chất tinh thần người dân.
Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, từ sự hỗ trợ của trung ương và tỉnh, cùng sự nỗ lực của hệ thống chính trị và nhân dân, huyện tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng đô thị, từng bước hoàn thiện các tiêu chí để sớm đạt chuẩn đô thị loại IV. Phát triển trồng rừng phòng hộ ven biển, nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường gắn với phục hồi, bảo tồn hệ sinh thái biển. Đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế và dư địa đặc biệt về di sản văn hóa, huyện đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch có đặc thù, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm du lịch biển - đảo của tỉnh.
Phát huy lợi thế cảng biển nước sâu Dung Quất, cũng như hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh, trong giai đoạn 2018 - 2022, tỉnh đã thu hút 2 dự án đầu tư kinh doanh cảng, nâng tổng các dự án đầu tư cảng biển ở KKT Dung Quất lên 9 hệ thống bến cảng. Tại KKT Dung Quất và các KCN tỉnh hiện có 26 dự án logistics, đóng góp quan trọng cho phát triển công nghiệp, cũng như xuất nhập khẩu của tỉnh.
Lãnh đạo Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh (Ban Quản lý) cho biết, cảng Dung Quất là nơi xuất nhập khẩu vật tư, trang thiết bị và hàng hóa cho hầu hết các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại KKT Dung Quất và các KCN tỉnh. Số lượng hàng hóa thông qua cảng Dung Quất lên đến hàng triệu tấn mỗi năm; số lượng tàu cập cảng trung bình đạt 150 - 200 lượt tàu/năm. Quá trình phát triển dịch vụ logistics tại KKT Dung Quất luôn gắn liền với hệ thống cảng Dung Quất. Cùng với hệ thống các cảng tổng hợp, chuyên dùng đã đi vào hoạt động và dự án Bến cảng tổng hợp - Container Hòa Phát Dung Quất (do Công ty CP Cảng tổng hợp Hòa Phát đầu tư) được hoàn thành đưa vào khai thác vận hành trong năm 2023, thì hệ thống hạ tầng cảng biển Dung Quất 1 cơ bản được đầu tư đồng bộ, hiện đại.
“Trong thời gian đến, Ban Quản lý sẽ đề xuất bổ sung danh mục các dự án dịch vụ hậu cần cảng, dịch vụ logistics vào danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư và nghiên cứu chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thu hút các thành phần kinh tế phát triển dịch vụ hậu cần cảng, dịch vụ logistics đảm bảo đồng bộ, phát huy tối đa hệ thống hạ tầng cảng đã được đầu tư”, Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Hà Hoàng Việt Phương chia sẻ.
Theo đánh giá của Tỉnh ủy, qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của biển đảo trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biên giới biển đảo được nâng lên rõ rệt. Kinh tế biển của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ trọng GRDP của các ngành kinh tế biển chiếm tỷ trọng cao trong GRDP của tỉnh, môi trường đầu tư được cải thiện, thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất đạt kết quả khá, với một số ngành công nghiệp chủ lực có quy mô lớn, gắn với cảng nước sâu Dung Quất. Các cơ chế, chính sách thông thoáng của trung ương và tỉnh ban hành đã thu hút nhiều dự án trong và ngoài nước đến đầu tư. Các ngành kinh tế biển có bước tăng trưởng khá, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng ven biển được quan tâm đầu tư. Đời sống nhân dân được cải thiện; quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới biển được tăng cường, giữ vững.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, qua thực tế phát triển kinh tế biển của Quảng Ngãi thời gian qua cho thấy, kinh tế biển chính là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Trong năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt trên 57,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,83% so với năm 2018. Chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh năm 2018 là 0,693 (nhóm trung bình) thì đến năm 2022 là 0,724 (nhóm cao) của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 2.520 USD/người, đến năm 2022 đạt 3.836 USD/người (tăng 1.316 USD/người so với năm 2018. Kết quả trên có sự đóng góp rất lớn từ kinh tế biển.
Hệ thống cẩu trục bốc dỡ hàng hóa tại cảng Hào Hưng ở KKT Dung Quất (bân trái) và Cảng tổng hợp - container Hòa Phát Dung Quất (bên phải). Ảnh TL |
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Quy mô phát triển kinh tế biển của tỉnh còn nhỏ, một số ngành kinh tế biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng như: Việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản phát triển chưa đồng bộ, thiếu bền vững, còn yếu trong khâu bảo quản, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá dẫn đến giá trị hàng hóa thấp. Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; sản phẩm, dịch vụ du lịch chưa phong phú, đa dạng. Công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới phát triển còn hạn chế. Hệ thống hạ tầng chưa được kết nối đồng bộ, chưa tạo động lực mạnh cho thu hút đầu tư để phát triển kinh tế và đô thị ven biển...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cho rằng, cần kiến tạo môi trường chính sách, pháp lý phù hợp và hoàn thiện, đảm bảo cho các KKT ven biển có một khung pháp lý đủ mạnh. Qua đó tạo cơ sở để thu hút và huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển các ngành kinh tế biển, gắn với đẩy mạnh liên kết, phát triển các dịch vụ và hoạt động logistics, đặc biệt là Trung tâm logistics khu vực cảng biển Dung Quất. Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kết nối các vùng kinh tế động lực ven biển, phát triển hệ thống giao thông hàng hải thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên và các hoạt động du lịch dựa vào bảo vệ và bảo tồn hệ sinh thái biển và ven biển... qua đó hướng đến phát triển kinh tế biển bền vững theo chuẩn mực quốc tế.
Nội dung: PHẠM DANH - MỸ HOA
Thiết kế, trình bày: L.H
TIN, BÀI LIÊN QUAN: |