(Báo Quảng Ngãi)- Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm”. Thấm nhuần điều này, thời gian qua, nhiều cán bộ, đảng viên của tỉnh đã phát huy tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo” vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước và nhân dân.
Từ vị trí 60 trên bảng xếp hạng chuyển đổi số (DTI) năm 2021, đến năm 2022, DTI của tỉnh đã cải thiện vượt bậc, tăng 34 bậc, đứng thứ 26/63 tỉnh, thành phố và là tỉnh có tốc độ tăng hạng cao nhất nước. Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh, đây là kết quả của việc tỉnh mạnh dạn và sáng tạo trong triển khai các giải pháp mới, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số. Trong đó, phải kể đến việc HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND ngày 7/7/2022 quy định giảm 50% mức thu phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Ở cấp xã, hầu hết các địa phương đều bố trí thiết bị và nhân lực hỗ trợ người dân tiếp cận, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. ẢNH: Ý THU |
Với nghị quyết này, Quảng Ngãi là một trong những địa phương quy định giảm mức thu phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến sớm nhất của cả nước. Sau gần 1 năm Quảng Ngãi ban hành chính sách giảm lệ phí, đến tháng 6/2023, Bộ TT&TT mới hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai 20 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó có ban hành chính sách giảm phí, lệ phí để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Điều này chứng tỏ, cách làm mới của Quảng Ngãi thực sự phù hợp, hiệu quả.
Cùng với việc ban hành chính sách mới để khuyến khích chính quyền các cấp và người dân tham gia chuyển đổi số, Quảng Ngãi còn là điểm sáng trong việc thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng. Toàn tỉnh có đến 1.141 tổ công nghệ số cộng đồng, với hơn 7.500 thành viên tham gia. Đây là lực lượng “đi tận ngõ, gõ tận nhà” hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ số. Nhờ đó, trong năm 2022, dù là tỉnh phát triển ở mức trung bình khá của cả nước, nhưng chỉ số nhận thức số trong chuyển đổi số, Quảng Ngãi là 1 trong 9 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.
Xã Sơn Liên (Sơn Tây) là một trong những địa phương nằm ở khu vực miền núi của tỉnh, với 97% dân số là đồng bào Ca Dong. Điều kiện đi lại khó khăn, kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp nhưng việc sản xuất vẫn còn manh mún. Đó là nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm hơn 53%, hộ cận nghèo gần 3,4%. Thu nhập bình quân của người dân nơi đây chưa đến 15 triệu đồng/người/năm.
Đảng viên Phạm Thị Trầm đến tận vườn để hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ dân trồng ổi tại xã Sơn Liên (Sơn Tây). |
Nắm rõ tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương, đảng bộ xã đã xây dựng nghị quyết bám sát thực tế, với chương trình trọng tâm là đến năm 2025 phải hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với liên doanh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Lấy nghị quyết làm “kim chỉ nam”, đảng viên Phạm Thị Trầm - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên đã phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo để đưa nghị quyết vào cuộc sống. “Sơn Liên có diện tích hơn 3.000ha, nhưng chỉ có 390 hộ dân sinh sống. Dân cư thưa thớt, địa hình lại hiểm trở, nên giao thương khó khăn. Vì vậy, người dân không mạnh dạn sản xuất vì sản phẩm làm ra không biết bán cho ai. Thực tế trên càng thôi thúc tôi cùng các thành viên chủ chốt của HTX thuyết phục người dân cùng hình thành nên các vùng sản xuất chuyên canh kết hợp với tìm đầu ra cho nông sản. Có như vậy, mới thoát được nghèo”, đảng viên Phạm Thị Trầm tâm sự.
Phối hợp cùng những người uy tín tại địa phương để thuyết phục các hộ dân tham gia mô hình, chị Trầm đã thành công khi vận động 40 hộ gia đình (chiếm 1/10 số hộ dân toàn xã) liên kết trồng ổi, chuối mốc theo tiêu chuẩn VietGAP và thành lập các nhóm hộ nuôi bò, heo bản địa, gà thả vườn. Tham gia mô hình, các hộ dân nghèo đồng bào Ca Dong nơi rẻo cao được chị Trầm “cầm tay, chỉ việc”, hướng dẫn nhiều kỹ thuật canh tác mới, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất. “Trước kia, tôi trồng bắp và mì, nhưng dựa vào nước trời, nên thu nhập chỉ vài triệu đồng mỗi năm. Tôi phải đi hái cà phê thuê trên Tây Nguyên mới có tiền lo cho con. Còn 3 năm nay, sau khi tham gia trồng ổi sạch cùng chị Trầm, tôi chẳng những có việc làm, lợi nhuận được 60 triệu đồng/năm mà còn tạo việc làm cho 4 - 5 lao động trong làng khi vào mùa làm cỏ, thu hoạch ổi”, anh Đinh Văn Thiếu, ở xã Sơn Liên, cho biết.
Sau khi hình thành được vùng sản xuất tập trung, chị Trầm tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu, đứng ra kết nối với 5 HTX khác trên địa bàn huyện, để đa dạng sản phẩm, tiến đến đưa nông sản núi rừng xuống phố. Giữa năm 2023, chỉ sau 3 năm thành lập, HTX chính thức có cửa hàng bày bán sản phẩm tại TP.Quảng Ngãi.
Sản phẩm do HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên (Sơn Tây) sản xuất và chế biến được đóng gói đẹp mắt và có mã số để người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc. |
Theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hồ Quý Nhân, đây là lần đầu tiên tại Quảng Ngãi có một HTX ở miền núi mở được cửa hàng nông sản bày bán gần 20 sản phẩm được chế biến, đóng gói và có mã số, mã vạch để người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc. Là mô hình mới đối với người dân miền núi, nên những gì mà HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên đạt được là kết quả của sự nỗ lực tìm tòi, đổi mới tư duy và cách làm, đoàn kết, tập hợp người dân.
Vừa điện thoại đến Tổng đài 0255.3818.558 của Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh (trung tâm) để cung cấp thông tin cho cán bộ phụ trách thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, ngư dân Nguyễn Thanh Nam, ở xã Bình Châu (Bình Sơn) mừng vui bảo, mấy năm trước, ngư dân phải vượt chặng đường mấy mươi cây số lên trung tâm để làm thủ tục. Còn nay, chúng tôi chỉ cần ngồi nhà, gọi cho tổng đài, nói rõ tên, số căn cước công dân, kích thước cơ bản của tàu cá, thời gian đề nghị kiểm tra, địa chỉ tàu cá đang neo đậu và địa chỉ nhận kết quả. Các thủ tục còn lại, trung tâm sẽ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý. Ngay đến kết quả giải quyết, cũng được bưu điện chuyển phát đến tận nhà.
Quảng Ngãi là một trong những tỉnh có số lượng tàu cá nhiều nhất cả nước, với hơn 4,5 nghìn tàu cá. Do đặc thù nghề nghiệp, thời gian ngư dân làm việc trên biển nhiều hơn ở đất liền. Trong khi đó, để làm một số thủ tục hành chính (TTHC), ngư dân mất nhiều thời gian, chi phí đi lại. Vì vậy, để không ảnh hưởng nhiều đến việc đi biển, nhiều ngư dân đã nhờ đến người làm dịch vụ. Điều này khiến ngư dân phát sinh nhiều chi phí không chính thức khi thực hiện TTHC. Trước thực tế trên, vào tháng 10/2021, trung tâm đã tham mưu UBND tỉnh chủ trương thí điểm việc tiếp nhận, giải quyết TTHC liên quan đến tàu cá bằng phương thức chủ tàu gọi điện thoại đến tổng đài của trung tâm. Đây là cách làm mới, chưa có tiền lệ trong cả nước. Sau 2 tháng triển khai thí điểm, nhận được 100% phản hồi tích cực từ người dân, đến năm 2022, Quảng Ngãi chính thức áp dụng giải pháp mới này để cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá cho ngư dân. Từ năm 2022 đến nay, TTHC này đã phát sinh hơn 4.500 hồ sơ, chiếm khoảng 90% so với nộp theo hình thức truyền thống. Từ khi triển khai đến nay, với sáng kiến nộp hồ sơ TTHC qua điện thoại, trung tâm đã tiết kiệm chi phí cho các chủ tàu cá gần 1,5 tỷ đồng; tiết kiệm ngân sách nhà nước 45 triệu đồng cho dịch vụ bưu chính, được ngư dân đồng tình, hưởng ứng.
TIN, BÀI LIÊN QUAN: