[Emagazine]. Đảng viên vùng cao Quảng Ngãi (Kỳ 2)

18:47, 30/10/2023
.
 
 

(Baoquangngai.vn)- Với tinh thần xung kích, trách nhiệm, sáng tạo, nhiều đảng viên trẻ ở vùng cao Quảng Ngãi đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”; “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”... Qua đó, góp phần rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa vùng cao với đồng bằng, thành thị, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng. 

 

Dòng suối Nước Nỏ ở xã Sơn Bua (Sơn Tây) mùa này nước cuồn cuộn chảy, vì đã bước vào mùa mưa. Cây rừng được tắm mát sau những tháng ngày nắng nóng gay gắt, nay đã trở xanh lại, làm cho không khí ở đây mát lạnh. Khu tái định cư Mang Rin, thôn Mang He, xã Sơn Bua trở nên khang trang và nhộn nhịp hơn dưới cái nắng vàng dịu của những ngày đầu đông đã níu chân chúng tôi ở lại.

Nhìn khung cảnh yên bình với từng dãy nhà sàn mới xây, ít ai nghĩ rằng những hộ dân nơi đây đã từng suýt mất mạng trong vụ sạt lở núi kinh hoàng cách đây gần 3 năm. Nhắc lại câu chuyện dẫu không vui đó, nhưng người dân trong làng ai nấy đều phấn khởi, rạng ngời niềm tin yêu đối với đảng viên Đinh Văn Trúc (38 tuổi), cán bộ Văn phòng UBND xã Sơn Bua. Bởi lẽ, anh Trúc là ân nhân của 15 hộ dân thôn Mang He, với hơn 40 nhân khẩu, vì anh kịp thời thông tin, đưa những hộ gia đình này đến nơi an toàn trước khi núi sạt lở.

Những hình ảnh sau trận sạt lở núi tại thôn Mang He cách đây gần 3 năm.
Những hình ảnh sau trận sạt lở núi tại thôn Mang He cách đây gần 3 năm.
 

Đưa chúng tôi đi thăm khu tái định cư Mang Rin, anh Trúc cho biết, từ ngày về đây, cuộc sống người dân không ngừng đổi thay và khấm khá hơn nơi ở cũ. Vừa thoáng thấy bóng dáng anh, ông Đinh Văn Vôn (74 tuổi) từ xa vui mừng chạy lại thăm hỏi với vẻ mặt phấn khởi. Sợ chúng tôi chưa hiểu, ông Vôn liền nói, nếu hôm đó không có cán bộ Trúc thì chắc giờ này không có chúng tôi ở khu tái định cư Mang Rin này.

Anh Đinh Văn Trúc (phải) và ông Đinh Văn Vôn (trái).
Đảng viên Đinh Văn Trúc (phải) và ông Đinh Văn Vôn.

Chuyện là thế này, trước khi bão số 9 (bão Molave) đổ bộ vào Quảng Ngãi một ngày (ngày 27/10/2020), được sự phân công của đảng ủy xã, anh Trúc liền sắp xếp công việc gia đình và về ngay khu dân cư Mang Rin vận động người dân di dời để phòng khi bão vào sẽ mưa to, gây sạt lở núi. Đêm hôm đó, anh Trúc ở lại đi từng ngõ, gõ cửa từng hộ dân, khuyên bảo chuẩn bị đồ đạc, di dời đến Trường Mầm non Tu Kpan, ở khu dân cư Mang Rin tránh bão.

Ngày hôm sau, gió bắt đầu thổi mạnh, mưa xối xả, những thửa ruộng bậc thang bên đường trở thành thác nước. Dòng suối Nước Nỏ trong xanh, êm đềm thường ngày trở nên đục ngầu, cuồn cuộn chảy. Con đường nối khu dân cư với trung tâm xã nước ngập gần tới đầu gối. Trường Mầm non Tu Kpan- nơi được chọn làm nơi tránh trú bão cho người dân cũng bị nước bao vây. Thấy không an toàn, anh Trúc vượt mưa, băng qua con đường nước chảy xiết đi tìm nơi trú ẩn mới, an toàn hơn cho người dân.

Khi đến được ngọn núi phía đông, anh Trúc nghe những tiếng nổ vang trời liên tục phát ra từ dãy núi phía tây, gần nơi người dân đang ở. Không chần chừ, anh Trúc liền chạy về dẫn đường cho người dân “chạy bão”. Từ thanh niên khỏe mạnh, cho đến người già, trẻ nhỏ đều bắt đầu hành trình chạy đua với núi lở. Ai có sức thì tự đi. Người già yếu, bệnh tật hay trẻ nhỏ được anh Trúc cùng thanh niên trong làng cõng đến nơi tránh trú mới. Sau hơn 2 giờ tháo chạy, 15 hộ dân với hơn 40 nhân khẩu được anh đưa đến nơi an toàn.

“Suốt quá trình đưa người dân Mang He di dời, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm. Từ những đợt đất đá và nước trên cao liên tục tràn xuống, những nhánh cây rừng bị gãy, ngã do gió bão, cũng như ngọn đồi sau lưng có thể đổ sập, vùi lấp tất cả mọi người bất cứ lúc nào. Nhưng với trách nhiệm của một đảng viên, tôi tự động viên bản thân là phải đưa bằng được các hộ dân đến nơi an toàn, dẫu bản thân có thể bị hy sinh”, anh Trúc bày tỏ.

Cách đây 2 năm, em Đ.T.T (17 tuổi) ở thôn Mang He, xã Sơn Bua có ý định cưới chồng khi chưa đủ tuổi. Sau khi được anh Trúc vận động, giải thích và hiểu được tác hại của việc tảo hôn, em T. và gia đình quyết định dừng đám cưới, đợi em khi em đủ 18 tuổi.

Cách đây 2 năm, em Đ.T.T (17 tuổi) ở thôn Mang He, xã Sơn Bua có ý định cưới chồng khi chưa đủ tuổi. Sau khi được anh Trúc giải thích và hiểu được tác hại của việc tảo hôn, em T. và gia đình quyết định dừng đám cưới.

a
 

Đảng viên Đinh Văn Trúc cũng là người tiên phong đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu tại địa phương như tảo hôn, mê tín dị đoan. Từ đó, góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới trong khu dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

 

Sơn Bua là xã miền núi có tỷ lệ hộ nghèo đứng thứ 2 trên địa bàn huyện Sơn Tây, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong. Với nhiều gia đình, để có miếng ăn hằng ngày đã khó thì làm sao có thể lo cho con ăn học. Mà một khi như thế thì những hủ tục lạc hậu, đói nghèo khó thoát khỏi đời sống người dân nơi đây. Nhưng để người dân nhận thức được điều này là không đơn giản và cũng là trăn trở của anh Trúc. Thế là, anh bàn với đảng ủy và cấp ủy chi bộ phải thực hiện đồng bộ 2 giải pháp, đó là hướng dẫn người dân làm ăn theo kiểu cầm tay chỉ việc, phát triển kinh tế gia đình và vận động học sinh ra lớp, không bỏ học giữa chừng để lập gia đình, để sau này vừa no cái bụng, vừa “no cái chữ”. Và anh Trúc cũng là người tiên phong nhận việc khó này để thực hiện.

Để làm việc khó đó, anh Trúc đã lập nhóm Zalo “Tuyên truyền vận động học sinh ra lớp”. Nhóm này được sự kết nối giữa chính quyền xã với nhà trường và cá nhân anh. Chỉ cần một dòng tin nhắn của giáo viên chủ nhiệm cho hay, có em học sinh vắng học không rõ lý do, hoặc có ý định bỏ học…, anh Trúc lên đường cùng thầy cô đến tận nhà để tìm hiểu nguyên nhân, rồi tận tình khuyên giải, động viên gia đình cho con em tiếp tục đi học.

a
 

Năm 2021, cha của em Đinh Thị Hải (18 tuổi) ở thôn Nước Tang qua đời vì bạo bệnh. Sau đó 1 năm, mẹ của Hải cũng ra đi vì bệnh hiểm nghèo. Gia đình chỉ còn Hải và 2 em trai đang học cấp 2. Cú sốc tinh thần khi mất người thân, không còn chỗ dựa khiến 3 chị em Hải nghĩ đến chuyện bỏ học, đi làm nuôi thân. Biết tin, anh Trúc liền đến nhà nắm bắt tâm tư, khuyên nhủ chị em Hải quay lại trường và vận động người dân giúp đỡ chị em Hải, vì để đến trường thì cái bụng cũng cần phải no.

Thấu cảm với việc làm của đảng viên Trúc và chia sẻ khó khăn với chị em Hải, người dân trong thôn đã tích cực tham gia giúp đỡ. Người có gạo, góp gạo; người có rau, góp rau; nhà có thịt, góp thịt… với hy vọng giúp chị em Hải tiếp tục thực hiện được giấc mơ con chữ. Và rồi, nay Hải đã tốt nghiệp THPT, đứa em trai kế của Hải cũng bước chân vào ngôi trường THPT.

 
 

Quảng Ngãi có 61 xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thuộc 5 huyện miền núi và một số huyện đồng bằng trong tỉnh, có diện tích tự nhiên chiếm hơn 2/3 diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Cùng với lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, các cấp ủy trên địa bàn miền núi cũng đang tập trung triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số. Tuy nhiên, công tác này đang gặp nhiều khó khăn, do hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém, nguồn lực đầu tư ít và trình độ dân trí còn thấp.

Trước năm 2022, Quảng Ngãi là tỉnh gần như trắng dịch vụ công trực tuyến cấp xã. Đến giữa năm 2023, dịch vụ công trực tuyến ở xã đã đạt trên 50%, có xã trên 80%. Tỉnh Quảng Ngãi đứng thứ 26/63 tỉnh, thành phố trong xếp hạng chuyển đổi số quốc gia - DTI năm 2022, tăng 34 bậc so với năm 2021 và là tỉnh có tốc độ tăng hạng cao nhất trong cả nước. Có được kết quả này là một quá trình nỗ lực, cố gắng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã. Trong đó có sự đóng góp quan trọng của những hạt nhân nòng cốt là cán bộ, đảng viên công an xã đang ngày đêm về với vùng cao, vùng sâu, vùng xa để giúp người dân hòa vào dòng chảy chuyển đổi số.

Năm 2020, Thiếu tá Bùi Ngọc Vương (37 tuổi) được điều động từ Công an huyện Ba Tơ về nhận nhiệm vụ Trưởng Công an xã Ba Bích. Đây cũng là thời gian Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (viết tắt là Đề án 06) được triển khai trên địa bàn tỉnh. Tuy có đôi chút lo lắng, do địa bàn phức tạp, điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, nhưng với tinh thần tiên phong, không ngại khó, ngại khổ của một đảng viên trẻ, anh Vương đã tích cực học hỏi, tham mưu cho đảng ủy xã những ý tưởng sáng tạo, cách làm hay. Từ đó, đưa xã Ba Bích trở thành một trong những địa phương đi đầu, tiêu biểu trong chuyển đổi số ở vùng cao Quảng Ngãi.

xx
Với những ý tưởng sáng tạo, cách làm hay, Thiếu tá Bùi Ngọc Vương đã góp phần đưa xã Ba Bích trở thành một trong những địa phương đi đầu, tiêu biểu trong phong trào chuyển đổi số ở vùng cao Quảng Ngãi.

Thiếu tá Bùi Ngọc Vương chia sẻ, Ba Bích là xã một xã miền núi, phần đông là người đồng bào dân tộc Hrê sinh sống. Với đặc thù là người dân thường đi làm ăn xa, không có điện thoại thông minh, trình độ văn hóa còn hạn chế, nên việc triển khai Đề án 06 gặp khá nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có cách làm mới, phù hợp với thực tiễn địa phương.

Với phương châm làm hết việc, không phải hết giờ, sau giờ hành chính, những chuyến xe chở cán bộ công an xã lại xuất phát đến các thôn, khu dân cư để tuyên truyền, kích hoạt tài khoản định danh điện tử... Bởi, đó là lúc người dân mới trở về nhà sau một ngày ở trên nương rẫy. Họ lặng lẽ vượt núi, băng rừng, qua những con đường lầy lội cho đến tận đêm, mặc cho sương lạnh hay mưa rơi trắng trời.

 

Trong quá trình thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, nhận thấy việc người dân lo ngại nhất là điền các thông tin vào tờ khai, Thiếu tá Bùi Ngọc Vương đã tự biên soạn tờ rơi Hướng dẫn đăng ký, quản lý cư trú trên Cổng dịch vụ công trực tuyến, tham vấn ngành cấp trên về những nội dung cơ bản nhất khi thao tác vào cổng dịch vụ công, giúp người dân dễ hiểu, dễ thực hiện.

Để mở rộng mạng lưới phục vụ công tác, công an xã đã tham mưu lãnh đạo UBND xã chỉ đạo cán bộ, công nhân, viên chức, đảng viên phải đăng ký tài khoản dịch vụ công quốc gia, thành lập điểm hỗ trợ nộp hồ sơ trực tuyến tại các thôn. Mỗi khu vực tập trung dân cư có nhiều thành viên hỗ trợ, trang bị bảng hiệu, tờ rơi và biểu mẫu phục vụ. Với cách làm là cầm tay chỉ việc, người dân đã dễ dàng tiếp cận dịch vụ công trực tuyến này. Những cuộc họp rút kinh nghiệm cũng thường xuyên được tổ chức, nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 06.

ccccss
Thiếu tá Bùi Ngọc Vương cùng cán bộ Công an xã Ba Bích đến tận nhà hướng dẫn người dân tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến.

Phải nói rằng, Thiếu tá Bùi Ngọc Vương là một đảng viên nhiệt huyết, tận tụy, trách nhiệm với công tác, với nhân dân, được đồng bào Hrê ở xã Ba Bích tin yêu. Sau đợt ra quân về với khu dân cư để “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, anh đã mang đến cho người dân một niềm tin rất lớn. “Mỗi khi có thông tin gì cần hỗ trợ, người dân đều gọi điện nhờ tư vấn. Nhờ đó, quần chúng nhân dân trên địa bàn đã thường xuyên cung cấp cho lực lượng công an những nguồn tin có giá trị về an ninh trật tự, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn”, Thiếu tá Bùi Ngọc Vương bày tỏ.

Đứng vào hàng ngũ của Đảng, mỗi một đảng viên đều mang trong mình một lý tưởng sống đẹp. Đó là, mong muốn được góp sức mình vào sự phát triển của quê hương, vì lợi ích của cộng đồng, tỏa sáng trong thực hiện các nhiệm vụ khó.

Thực hiện: Đ.NGUYỄN - N.ĐỨC - T.HẬU - T.NHÀN

 

KỲ CUỐI: CHĂM LO, TẠO NGUỒN CHO ĐẢNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Xuất bản lúc: 18:47, 30/10/2023