Người dân làng Lâm Sơn, thôn Phước Lâm, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) vẫn luôn xem đình làng Lâm Sơn cùng cây đa gần 300 năm tuổi trong khuôn viên đình, nằm ngay bên bờ sông Phước Giang, là biểu tượng của làng. Theo lời kể của người dân trong làng, cây đa tại đình Lâm Sơn được những cư dân đầu tiên đến làng để khai hoang, lập ấp trồng nên, từ trước thời vua Lê Hiến Tông, niên hiệu Cảnh Hưng 1740 - 1786.
|
Bên hữu ngạn sông Thoa, đoạn qua thôn Phước Xã, xã Đức Hòa (Mộ Đức), cũng có một cây đa cổ thụ đã hơn 200 năm tuổi. Cây đa này được các bậc tiền nhân của làng trồng ở khuôn viên đình làng năm xưa. Từng có một khoảng thời gian dài, hình ảnh “cây đa, bến nước, sân đình” bên dòng sông Thoa, được người xưa xem như biểu tượng của làng quê Phước Xã. Song, trải qua bao biến thiên của thời gian, đình làng năm xưa không còn nữa, bến nước bên sông Thoa cũng dần thưa vắng người, duy chỉ còn cây đa vẫn lặng lẽ bám chặt rễ vào đất, sum suê cành lá, tỏa bóng mát cho người dân trong làng.
Cây đa di sản ở phía bắc đầu cầu Trà Khúc 1, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: BÙI THANH TRUNG |
Ở Quảng Ngãi, những cây đa trăm năm tuổi, không chỉ hiện diện ở làng quê, mà ngay trong lòng phố thị, nhiều cây đa cổ thụ vẫn đang mải miết vươn cành. Ngay khu vực phía bắc cầu Trà Khúc 1, thuộc địa phận phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi), cây đa hơn 300 năm tuổi, với tán xòe rộng như ôm lấy cả một góc trời. Từ lâu, cây đa đã trở thành điểm dừng chân hóng mát của nhiều người dân ở TP.Quảng Ngãi và khách phương xa.
Người dân trân quý những cây đa hàng trăm năm tuổi không chỉ vì cây tạo không gian xanh cho làng, mà còn bởi mỗi cây đa đều gắn liền với những giá trị văn hóa, lịch sử của từng vùng đất.
Tại cánh đồng Rộc Ban Yên, thôn Long Bàn Nam, xã Hành Minh (Nghĩa Hành), cây đa gần 300 năm tuổi sừng sững giữa đồng từng là địa điểm quan trọng của cách mạng. Theo ông Bùi Đình Dũng, cán bộ hưu trí xã Hành Minh, thời kháng chiến chống Pháp, vị trí cây đa trăm năm tuổi của thôn Long Bàn từng là trạm quân y, điểm tuyên truyền cách mạng, nơi các chiến sĩ tuyên thệ trước khi lên đường. Vì vậy, cây đa không chỉ là biểu tượng của làng quê, mà còn nhắc nhớ người làng về một thời kháng chiến kiên cường, bất khuất.
Người dân ở tổ dân phố 6, phường Quảng Phú, thì luôn tề tựu dưới bóng cây đa cổ thụ vào 3 dịp lễ lớn trong năm, đó là ngày 25 tháng Chạp, rằm tháng Giêng và ngày 16 tháng 3 âm lịch. Ông Bùi Tá Phương, người trông coi, chăm sóc cây đa cổ thụ tại nơi này cho biết, cây đa cổ thụ của làng tôi gắn với dinh Bà, nơi mà các bậc tiền nhân thờ Ngũ Hành Nương Nương gồm 5 vị thần biểu trưng cho Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Cứ đến ngày 25 tháng Chạp, người dân tổ chức lễ cúng gọi là “lên phướn”. Đến ngày rằm tháng Giêng, tổ chức lễ cúng “hạ phướn”. Còn lễ cúng ngày 16 tháng 3 âm lịch là cúng Thanh Minh, để tỏ lòng tri ân các vị tiền nhân đã có công lập làng, cũng như những thân phận bất hạnh đã khuất.
Tại thôn Phước Xã, Đức Hòa, cây đa cổ thụ bên dòng sông Thoa là nơi linh thiêng, là địa điểm người dân tổ chức các lễ cúng quan trọng của cộng đồng. Vào ngày 20 tháng Chạp hằng năm, người dân cùng tề tựu về đây để cúng tất niên làng. Đến tháng Giêng, mọi người lại sửa soạn mâm cúng, mang đến dưới gốc cây đa để cúng đầu năm mới. Sang đến tháng 4 âm lịch, cũng tại gốc đa cổ thụ này, người dân lại kính cẩn cúng nghĩa từ... Đây là nét đẹp trong văn hóa ứng xử dân gian, biểu trưng cho lối sống ân tình, được người làng duy trì suốt mấy trăm năm qua...
Cây đa di sản ở tổ dân phố 6, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: ĐÔNG YÊN |
Mỗi cây đa cổ thụ đều trải qua dặm dài lịch sử, lớn lên cùng đất, cùng người, nên các cộng đồng dân cư đều xem cây là biểu tượng của làng. Sự hiện diện của cây đa ở làng, ở phố không chỉ đơn thuần là những cá thể thực vật, mà đó chính là “gạch nối” của quá khứ với hiện tại, gợi nhớ lòng người hướng về với cội nguồn, hướng về tổ tiên...
Nội dung: ĐÔNG YÊN
Trình bày: PHƯƠNG DUNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: