(Báo Quảng Ngãi)- Miền Trung là một trong những vùng văn hóa tiêu biểu của đất nước, trong đó có tiểu vùng văn hóa xứ Quảng, gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng. Với địa hình, thiên nhiên đa dạng, vừa có biển đảo, đồng bằng, trung du, miền núi, xứ Quảng quy tụ nhiều lớp dân cư, có sự giao lưu, tiếp biến nhiều nền văn hóa, từ Sa Huỳnh, Chămpa đến Đại Việt và các dân tộc thiểu số ở miền núi.
Trong quá trình hình thành và phát triển, di sản văn hóa của vùng đất xứ Quảng ngày càng phong phú, mang đậm sắc thái, đặc trưng của một vùng đất. Sự kết nối giữa các địa phương thuộc tiểu vùng văn hóa là yếu tố cần thiết để khai thác, phát huy các di sản này.
Dấu ấn văn hóa xứ Quảng
Vào giai đoạn sơ kỳ thời đại đồ sắt, cách nay khoảng 2.000 - 2.500 năm, ở miền Trung có một nền văn hóa cổ nổi tiếng, đó là nền văn hóa Sa Huỳnh. Từ năm 1909 đến nay, các nhà khảo cổ đã phát hiện hàng trăm di chỉ thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh. Địa bàn Quảng Nam và Quảng Ngãi là cái nôi của văn hóa Sa Huỳnh với nhiều di chỉ khảo cổ học tiêu biểu. Qua các đợt khai quật, các nhà khảo cổ đã thu thập được nhiều mộ chum, nồi gốm, công cụ và vũ khí bằng sắt, bằng đồng thau, nhiều đồ trang sức...
Hội thi biểu diễn dân ca bài chòi tỉnh. Ảnh: TL |
Dấu ấn văn hóa biển khá đậm nét trong cơ tầng văn hóa xứ Quảng. Cư dân Sa Huỳnh từ xưa đã biết “tựa đầu vào núi, vươn mình ra biển” để sinh sống, phát triển. Di chỉ khảo cổ học ở Bãi Ông (Quảng Nam), Xóm Ốc ở huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) chứng minh con người đã sinh sống và sáng tạo văn hóa cách ngày nay từ 2.500 - 2000 năm trên các đảo gần bờ. Vùng biển xứ Quảng từng là đầu mối giao thông của con đường tơ lụa và gốm sứ trên biển. Tàu buôn trong nước và nước ngoài đến cập cảng Cửa Đại hoặc Cù Lao Chàm, đảo Lý Sơn để nhận hàng, dừng chân lấy lương thực, nước ngọt và nhận hàng cho những chuyến đi biển dài ngày. Đây cũng là nơi những con tàu gặp nạn bị chìm nằm sâu dưới lòng biển hàng thế kỷ, tiêu biểu là tàu đắm ở Cù Lao Chàm (Hội An), Châu Thuận Biển (Bình Sơn)...
Lễ hội đua thuyền ở xã Bình Hải (Bình Sơn). Ảnh: LINH PHẠM |
Cư dân miền biển xứ Quảng còn tích lũy một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú. Về tín ngưỡng dân gian có tục thờ cúng cá Ông gắn liền với lễ hội cầu ngư vào dịp đầu xuân. Trong lễ cầu ngư có hát bả trạo hay chèo cạn, một loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc của cư dân vùng biển... Về ẩm thực có cách thức khai thác, chế biến, bảo quản hải sản như mắm, cá khô, mực khô, rau mứt, rau câu... Đặc biệt, nghề làm nước mắm truyền thống ở các làng biển vẫn còn duy trì, là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm gia đình hay ở nhà hàng, quán xá.
Miền núi xứ Quảng là nơi sinh sống lâu đời của các dân tộc như Cơ Tu, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Cor, Hrê. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, các tộc người nơi đây đã sáng tạo và bảo lưu những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể hết sức phong phú và độc đáo. Những giá trị đó được thể hiện sinh động trong văn hóa mưu sinh, săn bắn, hái lượm, lao động sản xuất, nghề thủ công truyền thống, trang phục, lễ hội, tín ngưỡng, phong tục, cư trú, nghệ thuật trang trí, diễn xướng dân gian... Tất cả tạo nên một bản sắc riêng của tiểu vùng văn hóa Trường Sơn.
Kết nối để khai thác di sản
Với sự thuận lợi về vị trí địa lý, đều nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung, lại cùng chung cơ tầng văn hóa, các tỉnh láng giềng Quảng Nam, Quảng Ngãi và TP.Đà Nẵng cần có sự kết nối, tương hỗ lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong hoạt động văn hóa. Cần khai thác có hiệu quả vốn văn hóa truyền thống của cư dân đồng bằng, miền biển và các dân tộc thiểu số ở miền núi. Tập trung tiềm lực, đầu tư có hiệu quả để đánh thức, khai thác cả tiểu vùng văn hóa xứ Quảng, nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển sự nghiệp văn hóa, hoạt động du lịch, dịch vụ của các địa phương.
Đồng bào Cor huyện Trà Bồng biểu diễn tiết mục đấu chiêng trong ngày hội văn hóa tổ chức ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam). Ảnh: TẤN VỊNH
|
Việc liên kết các hoạt động văn hóa giữa các tỉnh, thành phố, đặc biệt là Quảng Nam và Quảng Ngãi là rất cần thiết. Ngành văn hóa của hai tỉnh cần phối hợp trong công tác nghiên cứu, bảo tồn, trùng tu di tích, hoạt động lễ hội, dịch vụ du lịch, quảng bá tiềm năng của từng địa phương. Với sự đa dạng, giàu có về kho tàng cổ vật khai quật từ các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh và khai thác từ các con tàu đắm, Bảo tàng Quảng Nam và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi cần phối hợp nghiên cứu, hội thảo khoa học, trưng bày, bảo quản và tiếp tục điều tra, khảo sát, khai quật khảo cổ để bổ sung, làm giàu kho tàng và bộ sưu tập hiện vật, nâng cao giá trị di sản văn hóa xứ Quảng.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở huyện Lý Sơn. Ảnh: TL |
Văn hóa truyền thống của cư dân miền biển và miền núi của tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi có nhiều nét tương đồng. Do vậy, cần có sự chung tay, hợp lực giữa hai địa phương để đánh thức tài nguyên nhân văn của các cộng đồng tộc người. Chẳng hạn, Lễ hội văn hóa - thể thao các dân tộc miền núi Quảng Nam cần có sự đổi mới. Để chương trình thêm đặc sắc, đa dạng, rất cần huy động lực lượng nghệ nhân tài giỏi người Ca Dong, Cor ở các huyện Sơn Tây, Trà Bồng (Quảng Ngãi)... cùng tham gia giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với người đồng tộc tại Trà My trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tộc người. Các địa phương nên có sáng kiến, sớm xây dựng và triển khai thực hiện các đề án bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở miền núi. Cần đặc biệt quan tâm đến những di sản có nguy cơ mai một và các di sản đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như nghề dệt của dân tộc Hrê, ở huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi); nghề dệt của dân tộc Cơ Tu, ở các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang (Quảng Nam); trang trí cây nêu, bộ gu của dân tộc Cor, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam)... Tương tự, đối với hoạt động ngày hội văn hóa - thể thao miền biển, hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và TP.Đà Nẵng cần phối hợp chặt chẽ, tạo nên một lễ hội ấn tượng, mang đậm sắc màu văn hóa biển xứ Quảng.
Nội dung: TS.TRẦN TẤN VỊNH
Trình bày: PHƯƠNG DUNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: