(Baoquangngai.vn)- Năm 2020, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 867/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Trên cơ sở đó, huyện Tây Trà được sáp nhập vào huyện Trà Bồng, đồng thời sáp nhập 6 xã trên địa bàn huyện thành 3 xã mới là Sơn Trà, Trà Tây, Hương Trà. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, bộ máy của hệ thống chính trị từ huyện đến xã từng bước đi vào hoạt động ổn định; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập, đòi hỏi trung ương và tỉnh sớm có giải pháp tháo gỡ, nhất là vấn đề đời sống người dân, sắp xếp cán bộ, xử lý tài sản dôi dư sau khi sáp nhập.
Kỳ 1: ĐẦY ẮP NHỮNG NỖI LO
Mặc dù cấp ủy, chính quyền đã có nhiều cố gắng trong việc chăm lo đời sống người dân, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với đồng bằng, nhưng hiện nay ở các xã thuộc huyện Tây Trà cũ đang rơi vào tình cảnh “đã nghèo còn gặp cái eo”. Bởi lẽ, trước khi sáp nhập, Tây Trà là một trong những huyện nghèo nhất nước. Vì vậy, lời giải cho bài toán này đang đặt ra nhiều thách thức đối với cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây.
[Video]- Nỗi lo của người dân xã Trà Tây sau sáp nhập:
Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi trở lại xã Trà Tây với niềm hy vọng nơi đây sẽ có nhiều đổi thay sau 3 năm thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Trà Trung và Trà Thọ. Những cánh rừng già bạt ngàn một màu xanh thăm thẳm trải dọc tuyến đường ĐT.626 đã xua tan cái nắng nóng oi bức của ngày cuối hè. Ở độ cao khoảng 1.400m so với mực nước biển, phóng tầm mắt ra xa, chúng ta sẽ bắt gặp những ngôi làng biệt lập nằm bên cạnh hồ chứa nước Nước Trong. Càng đi sâu vào bên trong làng, càng nhận thấy rõ những bộn bề khó khăn trong cuộc sống của người dân. Bởi lẽ, vốn ngày xưa giao thông đi lại nơi đây đã cách trở, nay nhập 2 xã thành một, diện tích tự nhiên tăng lên, đường sá xa xôi, nhiều ngôi làng ở xa trung tâm xã nên dần trở nên biệt lập với bên ngoài. Điển hình là ngôi làng thuộc tổ 3, ở thôn Xanh, có 10 ngôi nhà, nằm cheo leo trên núi cao, thi thoảng mới thấy bóng người qua lại.
Đường vào thôn Xanh, xã Trà Tây. |
Trước khi chạy xe đến ngôi làng này, Bí thư Chi bộ thôn Xanh Hồ Văn Sự căn dặn chúng tôi phải cẩn thận khi đi đường, vì không chắc tay lái hay bất cẩn thì sẽ lọt dưới vực sâu, do đường dốc thẳng đứng, mặt đường gồ ghề. Đúng như lời ông Sự căn dặn, để vào làng, chúng tôi chỉ được đi khoảng 2/3 tuyến đường làm bê tông nhưng rất hiểm trở, còn lại phải đi bộ qua nhiều đoạn với đất, đá lổm chổm...
Dường như cuộc sống của người dân nơi đây đang dần tách biệt với bên ngoài, vào mùa mưa lũ thì bị cô lập, nên người dân rất lo lắng mỗi khi đau ốm phải đi bệnh viện để khám, điều trị. Gặp lại chúng tôi sau trận đau “thập tử, nhất sinh”, già làng Hồ Văn Việt (55 tuổi), rất phấn khởi khi được người dân trong làng giúp đỡ chuyển viện kịp thời. Theo người nhà ông Việt kể lại, cách đây vài tháng, người nhà phát hiện ông Việt gần như chết lâm sàng, nhưng không biết làm sao để chuyển đi bệnh viện cấp cứu. Lúc này, người dân trong làng lo lắng cho tính mạng của ông Việt nên liền buộc võng khiêng ông Việt vượt qua đoạn đường dài hơn 3km với nhiều con dốc đứng để chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà, rồi gọi xe taxi chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu. Và ông Việt may mắn được cứu sống.
Mỗi khi có người ốm đau, người dân ở tổ 3, thôn Xanh và nhiều ngôi làng khác trong xã Trà Tây phải buộc võng, khiêng người ra đường bê tông đi cấp cứu. |
Ông Việt cho biết, từ ngày sáp nhập xã, Trạm Y tế xã Trà Trung chuyển về khu vực trung tâm xã Trà Thọ theo chủ trương chung để xây dựng cơ quan hành chính xã Trà Tây mới. Song, cái khó ở đây là quãng đường từ thôn về trung tâm xã xa gấp đôi so với quãng xuống Sơn Hà, với hơn 1,5 giờ đồng hồ di chuyển bằng xe máy. Còn xuống Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng thì chặng đường cũng dài gấp nhiều lần. Trong khi điều kiện kinh tế của người dân nơi đây quá nhiều khó khăn, mỗi lượt đi, về từ thôn đến xã và ngược lại cũng mất vài trăm nghìn đồng taxi.
Toàn thôn Xanh có 50 hộ dân, nhưng có đến 37 hộ là hộ nghèo. Thời gian đầu mới sáp nhập, địa phương có cử người xuống trực cấp thuốc, khám bệnh ban đầu cho người dân các thôn của xã Trà Trung cũ tại trụ sở công an xã trước đây, vào thứ 2, 4, 6 hằng tuần, nhưng sau này thì thưa dần. Được biết, Trạm Y tế xã Trà Trung cũ phải dỡ bỏ vì nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, còn nhà làm việc của Công an xã Trà Trung cũ thì cơ sở vật chất không đảm bảo cho công tác khám, chữa bệnh. Mặt khác, việc tổ chức khám, chữa bệnh ở nhiều nơi trên cùng một địa bàn gây khó khăn trong việc thanh toán bảo hiểm cho người dân nên địa phương chưa triển khai.
Trạm Y tế xã Trà Trung cũ bị dỡ bỏ vì nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. |
Người dân ở xã Trà Quân cũ (một phần của xã Sơn Trà bây giờ) và xã Trà Nham (một phần của xã Hương Trà bây giờ) cũng gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi sáp nhập xã, dân số và diện tích tự nhiên tăng lên, dân cư thì phân bố không đồng đều, khoảng cách giữa các khu dân cư rất lớn, xa khu vực trung tâm, dẫn đến việc mua bán, tiêu thụ hàng hóa nông, lâm sản không được thuận lợi như trước. Việc nắm bắt đời sống người dân của cán bộ thôn, xã cũng gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là công tác nắm tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội…
Chủ tịch UBND xã Hương Trà Hồ Bảo Xuyên cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã còn một số nơi chưa có đường nhựa, đường bê tông, như ở thôn Cà Đam, Trà Vân... Mặt khác, trụ sở xã Hương Trà nằm ở xã Trà Lãnh cũ, dẫn đến việc đi lại, chăm sóc sức khỏe cho người dân rất khó khăn, nhất là người dân ở khu vực xã Trà Nham cũ. Để khắc phục điều này chỉ còn cách là đầu tư làm đường giao thông; hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe định kỳ cho người dân…”.
Thôn Vàng, xã Trà Tây là khu vực trung tâm của xã Trà Trung trước đây. Theo chân Bí thư Chi bộ thôn Vàng Hồ Thị Hải, chúng tôi tìm đến nhà bà Hồ Thị Bình (50 tuổi), một trong những hộ nghèo nhất ở xã. Trong căn nhà do Nhà nước hỗ trợ từ nhiều năm trước, bà Bình không giấu được nỗi lo về tương lai của con trai là Hồ Văn Lâm (13 tuổi), do Lâm đã bỏ học. “Đợt đó, Lâm chuẩn bị bước vào lớp 7 thì ốm nặng, không thể đến trường. Nhà neo người, tôi còn phải chăm sóc người thân lớn tuổi và không có phương tiện đi lại, nên không kịp lên xã làm giấy tờ bổ sung hồ sơ cho con. Quá thời gian quy định nộp hồ sơ cho nhà trường, nên Lâm đành nghỉ học cho đến nay”, bà Bình than thở.
Nhiều năm qua, đói nghèo vẫn bám lấy gia đình bà Hồ Thị Bình (50 tuổi), ở thôn Vàng, xã Trà Tây. |
Chồng mất sớm, một tay bà Bình nuôi 4 con thơ. Vì hoàn cảnh nghèo khó, 2 con gái lớn bỏ học, có chồng sớm. Giờ đây, nhà chỉ còn có mỗi bà, 2 con và người mẹ già đau ốm. Gánh nặng đè lên đôi vai bà Bình nhưng gia đình không có kế sinh nhai ổn định. Bà Bình lo lắng chia sẻ, con trai giờ cũng đã nghỉ học, tương lai của con gái út cũng gập ghềnh như những con đường mà hằng ngày các con đi lại. Được biết, gia đình bà Bình không có ruộng, rẫy, nên bà làm đủ nghề, từ lột keo, hái rau rừng, bắt ốc… để bán kiếm sống qua ngày.
Sau khi sáp nhập xã Trà Trung cũ với xã Trà Thọ cũ để thành lập xã Trà Tây, thì toàn xã có khoảng 716 hộ, với hơn 2.900 nhân khẩu. Từ ngày sáp nhập đến nay đã giảm được 35 hộ nghèo, trung bình mỗi năm giảm gần 6% hộ, nhưng nguy cơ tái nghèo rất cao. Toàn xã còn 405 hộ nghèo, 130 hộ cận nghèo, chiếm 73% dân số toàn xã. Tại các xã Sơn Trà, Hương Trà cũng vậy. Sau khi sáp nhập, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 5 - 6%, nhưng năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã Sơn Trà vẫn còn chiếm hơn 63% và Hương Trà chiếm gần 61%, trong khi nguồn lực đầu tư cho những xã sau khi sáp nhập vần còn thấp. Thực trạng đó đang là thách thức không nhỏ đối với cấp ủy, chính quyền nơi đây.
Xã Trà Phong là trung tâm của huyện lỵ Tây Trà cũ. Trước khi sáp nhập, nơi đây luôn nhộn nhịp người mua bán, hàng hóa sầm uất, giá bất động sản dao động từ 200 triệu đến 700 triệu đồng/lô tùy theo diện tích… Còn nay, sau 3 năm trở lại, khung cảnh nơi đây trở nên hiu quạnh, vắng lặng; nhiều hàng quán ăn uống nhộn nhịp một thời, giờ phải đóng cửa; trụ sở của nhiều cơ quan, đơn vị nằm phơi mình dưới nắng sương; ngoài đường chỉ có trẻ con, học sinh qua lại… báo hiệu nguy cơ đói nghèo đang rập rình trở lại.
Xã Trà Phong là trung tâm của huyện Tây Trà cũ, nay trở thành xã vùng sâu của huyện Trà Bồng. |
Sau một thời gian vào TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp, vợ chồng ông Phạm Hồng Phát (48 tuổi) quyết định trở về quê lên Trà Phong mua đất để mở cửa hàng kinh doanh buôn bán tạp hóa đối diện với trụ sở Công an xã Trà Phong. Thế nhưng, khi vừa trở về cũng là lúc huyện Tây Trà sáp nhập vào huyện Trà Bồng. Điều này khiến ông không khỏi hụt hẫng, do công việc kinh doanh, buôn bán không thuận lợi. “Hàng trăm triệu đồng bỏ ra nhưng vợ chồng tôi phải thu lại tiền lẻ mỗi ngày. Bây giờ ở đây, ngoài bán cho học sinh, chúng tôi không biết bán cho ai. Kinh doanh, buôn bán ế ẩm, ngày kiếm vài chục nghìn để trang trải chi phí, bù lỗ. Đảng và Nhà nước cần có giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, ông Phát chia sẻ.
Điều kiện kinh doanh, buôn bán của người dân gặp nhiều khó khăn. |
Ký ức về một trung tâm huyện lỵ với nhiều người lên xuống tấp nập hằng ngày, đã để lại nhiều tiếc nuối cho người dân nơi đây. Thả mắt về ngọn đồi trước mặt, ông Hồ Văn Thịnh (59 tuổi), ở thôn Gò Rô chia sẻ, trước đây, phương tiện giao thông, cán bộ, người dân từ các nơi khác đến công tác, làm việc đông đúc nên vừa bước ra đường đã thấy vui. Cây trồng, vật nuôi làm ra đều có giá trị. Ngoài cây trồng chủ lực là quế, keo, người dân Trà Phong còn kiếm thêm thu nhập từ công việc buôn bán sản vật núi rừng ở dọc đường. Ngày nào bán chạy cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng. Còn bây giờ, cây quế, cây keo, con heo làm ra bị ép giá đến vài lần, nhưng cũng đành bán tháo vì lo sợ không có người mua. Nhiều người ở đây có đất đai bị thu hồi để triển khai các công trình, dự án gần hết, không còn kế mưu sinh.
[Video]- Chia sẻ của chính quyền, người dân xã Trà Phong sau sáp nhập:
Tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật diễn ra khá phổ biến. |
Bên trong những ngôi làng ở xã Trà Phong hôm nay chỉ toàn người già, phụ nữ và trẻ em trong độ tuổi đến trường. Người chí thú làm ăn thì đổ xô xuống phố làm công nhân ở các khu công nghiệp; còn không thì tụ tập chè chén; thanh niên thì tóc đỏ, tóc xanh, chở ba chạy nhan nhản ngoài đường… trở thành nỗi lo của rất nhiều gia đình.
“Chúng tôi mong Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa đến đời sống người dân. Đặc biệt là hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, hỗ trợ dạy nghề cho thanh niên, cấp đất sản xuất, đầu tư các nguồn lực để mở hướng thoát nghèo cho người dân. Nếu không thì người dân rơi vào con đường cùng”, ông Thịnh chia sẻ.
Theo Chủ tịch UBND xã Trà Phong Trương Ngọc Thanh, sau khi sáp nhập, đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là trong trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế xã - xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo có giảm nhưng không đáng kể. Đến cuối năm 2022, toàn xã có 1.167 hộ nhưng vẫn còn 712 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ khoảng 61% và 56 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,8%. Điều này tạo ra một áp lực lớn cho chính quyền địa phương trong việc giải bài toán về việc làm, phát triển kinh tế cho người dân.
[Video]- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Đỗ Đình Phương nói về sự đồng cảm, chia sẻ của chính quyền với người dân sau sáp nhập:
(Còn nữa)
KỲ 2: GẶP KHÓ TRONG SẮP XẾP, XỬ LÝ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, TÀI SẢN DÔI DƯ
Thực hiện: Đ.NGUYỄN - T.HẬU - T.NHÀN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: