Khơi nguồn đam mê văn hóa truyền thống: (kỳ 2) Tiếp nối những mạch nguồn văn hóa

10:02, 30/06/2023
.

Kỳ 2: TIẾP NỐI NHỮNG MẠCH NGUỒN VĂN HÓA

(Baoquangngai.vn)- Văn hóa phi vật thể là một di sản quý báu, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với một quốc gia, dân tộc. Với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao Quảng Ngãi cũng vậy, những loại hình văn hóa phi vật thể luôn là sợi dây gắn kết mọi người lại với nhau. Do đó, việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, nhằm đảm bảo cho mạch nguồn văn hóa chảy mãi trong hành trình đi lên của vùng đất còn nhiều khó khăn này. 

Quảng Ngãi có 3 dân tộc thiểu số chủ yếu là Hrê, Cor và Cadong, sinh sống ở các huyện miền núi, trong đó đồng bào Hrê chiếm tỷ lệ nhiều nhất, với hơn 133 nghìn người, sống tập trung tại huyện Ba Tơ, Minh Long và Sơn Hà.

Xã Ba Thành (Ba Tơ) là nơi duy nhất mà đồng bào Hrê còn giữ gìn nghề dệt thổ cẩm ở Quảng Ngãi. Những hoa văn, họa tiết trên sản phẩm thể hiện nét đặc trưng, phong tục tập quán, sự cần mẫn, tỉ mỉ của người phụ nữ Hrê. Trong quá trình phát triển của xã hội, có thời điểm nghề này không được quan tâm nên dần bị mai một. Tuy nhiên, sau khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, với sự chung sức của cộng đồng người Hrê ở Làng Teng, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Hrê nơi đây mới dần được khôi phục và ngày càng phát triển. Điều đáng mừng là, nhiều bạn trẻ sinh ra và lớn lên ở Làng Teng đã thẩm thấu trong máu thịt về những giá trị đặc sắc của văn hóa truyền thống, nên đã góp sức cùng các bà, các mẹ làm hồi sinh nghề dệt thổ cẩm. 

Điển hình trong số đó là chị Phạm Thị Y Hòa (30 tuổi), được coi là viên ngọc của làng. Tốt nghiệp trung học phổ thông, Y Hòa theo học ngành y, nhưng sau đó lại chuyển sang ngành giáo dục mầm non. Nhưng rồi, Y Hòa không theo nghiệp nhà giáo, chị quay về quê để khởi nghiệp bằng nghề truyền thống của đồng bào Hrê đang bị mai một theo thời gian. Với tinh thần, việc gì khó có thanh niên, Y Hòa đã dùng sức trẻ, ngày đêm nỗ lực, góp phần làm rạng danh nghề dệt truyền thống của đồng bào Hrê, cũng là thêu dệt ước mơ cho riêng mình.  

 
 

Từ đôi bàn tay, khối óc thông minh, chị tự học hỏi, tự vẽ, thiết kế nên những bộ trang phục trên nền hoa văn truyền thống của thổ cẩm Làng Teng, dù chưa từng qua trường lớp đào tạo nào. Mỗi năm, Y Hòa cung cấp cho thị trường khoảng 1.000 sản phẩm các loại. Đặc biệt, sau khi đưa sản phẩm thổ cẩm Làng Teng của đồng bào Hrê đến Triển lãm thế giới - EXPO 2020 diễn ra tại Dubai, sản phẩm cà vạt, khăn trải bàn làm từ thổ cẩm… mang thương hiệu “Y Hòa” còn được UBND tỉnh, Sở Ngoại vụ, cùng nhiều đơn vị lựa chọn để làm quà tặng, quảng bá đến nhiều nước như Đức, Lào, Anh, Pháp, Thụy Sĩ, Ý, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Có được những kết quả như ngày hôm nay là cả một hành trình dài đầy gian khó của cô gái trẻ người Hrê. Tâm huyết với văn hóa truyền thống là điều dễ dàng nhận thấy ở hầu hết các cô gái trẻ Làng Teng. Riêng với Y Hòa, đó là một cô gái trẻ luôn có nhiều trăn trở với những loại hình văn hóa phi vật thể dân tộc chưa có nhiều điều kiện để khôi phục và phát triển. Y Hòa đã biết cách làm sống lại nghề. Bên cạnh làm ra những sản phẩm truyền thống, Y Hòa còn tự học hỏi để phát triển các sản phẩm phù hợp với thị hiếu người dùng hiện nay, có màu sắc bắt mắt, hiện đại. Thế là, cùng với quần áo, khăn, khố, những sản phẩm như túi xách, cà vạt, áo dài, trang phục đám cưới… lần lượt chào hàng và được người tiêu dùng, du khách tin tưởng lựa chọn. 

Để mở rộng thị trường tiêu thụ, Y Hòa cũng đặc biệt chú trọng đến công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội và luôn giữ những nét đặc trưng, truyền thống của đồng bào Hrê. “Nhiều khách hàng đề nghị mua sản phẩm với giá cao nhưng kèm theo điều kiện phải xen kẽ, biến tấu sản phẩm dệt hoặc may những bộ trang phục không phù hợp với truyền thống của đồng bào Hrê, tôi đều từ chối. Bởi lẽ, hoa văn thổ cẩm của người Hrê có bản sắc văn hóa riêng. Đích đến cuối cùng của tôi là quyết tâm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình, đưa sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Hrê đến nhiều khách hàng trong và ngoài nước”, chị Y Hòa chia sẻ.

 
 

Những năm gần đây, huyện Trà Bồng luôn quan tâm đầu tư, khai thác và gìn giữ các di sản văn hóa truyền thống của đồng bào Cor, như các lễ hội, làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ; nghệ thuật điêu khắc trên cây nêu, gurbla; bảo tồn những bài chiêng, điệu múa, các loại nhạc cụ mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Cor... Trong hành trình đó có sự đóng góp công sức không nhỏ của các nghệ nhân. Toàn huyện hiện có 5 nghệ nhân được công nhận là nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân. Họ là “báu vật sống” trực tiếp sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng. 

Dưới sân nhà của nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Biên (60 tuổi), ở thôn Bắc 2, xã Trà Sơn, từ lâu đã trở thành lớp học của bao chàng trai, cô gái Cor. Giữa nắng hè, ông Biên cùng nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Nương (57 tuổi) và người học trò Hồ Văn Huy (50 tuổi) vẫn say sưa dạy chiêng, hát xà ru, a giới… cho thế hệ trẻ. Vừa dạy thực hành, các nghệ nhân lồng ghép những câu chuyện thú vị để người trẻ am hiểu sâu sắc hơn về những giá trị đặc biệt trong văn hóa truyền thống của đồng bào Cor. 

Ông Biên cho hay, dàn chiêng của người Cor chỉ có 2 chiếc chiêng bằng là chiêng vợ, chiêng chồng cùng một chiếc trống. Khi tấu lên, âm thanh của chiêng vang cả núi rừng, rộn ràng cả làng quê. Người Cor thường chơi các bài chiêng chính như “Chiêng chào khách”, “Chiêng tiễn khách”, “Chiêng cúng thần linh, ông bà” và diễn tấu cồng chiêng, trong đó đấu chiêng là màn biểu diễn hấp dẫn nhất. Đấu chiêng của người Cor thể hiện cả trí lực và thể lực của người tham gia. Bởi thế, thường chỉ có những trai làng khỏe mạnh, tài trí nhanh nhẹn mới được già làng chọn vào đội tham gia. 

Nói về dân ca, nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Nương cho rằng, từ khi sinh ra, lúc những đứa trẻ học nói cũng là lúc chúng học hát, từ những lời ru ngọt ngào của phụ nữ Cor. Dân ca của người Cor phổ biến nhất là làn điệu clu, xà ru, a giới… Người Cor sử dụng clu trong nghi thức cúng tế là chính, thể hiện tấm lòng thành đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người đã khuất. Xà ru là điệu hát có giai điệu trong sáng, mượt mà, theo lối tự sự, có kể, có tâm tình, có nói bóng gió... Trai gái hay dùng xà ru để hát tỏ tình, trong rừng quế hay ngoài sông suối, nương rẫy. A giới là hình thức hát đối đáp gần giống như hát hò khoan của người Kinh, có giai điệu ngọt ngào, trong sáng. Người hát a giới có thể ứng khẩu phần lời cho phù hợp với từng hoàn cảnh. Đề tài của a giới thường về những nỗi niềm riêng tư, khó khăn vất vả, bất hạnh. 

Hiện nay, các huyện miền núi trong tỉnh đều ban hành nghị quyết về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn. Theo Phó Trưởng phòng VH&TT huyện Trà Bồng Hồ Thanh Sơn, từ năm 2013, huyện Trà Bồng đã xây dựng và triển khai Đề án Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Trà Bồng giai đoạn 2013 - 2020 và đạt được những kết quả tích cực. Hiện tại, huyện đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 02 của Huyện ủy về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Năm 2022, huyện mở 5 lớp truyền dạy cách đánh chiêng, hát xà ru, a giới cho người dân. Riêng xã Trà Thủy đã tổ chức Đại hội Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Cor lần thứ nhất, giai đoạn 2022 - 2027, do nghệ nhân ưu tú Hồ Ngọc An đảm nhiệm. 

Ngành GD&ĐT huyện Trà Bồng cũng đã xây dựng kế hoạch tập huấn, phối hợp với các nghệ nhân truyền dạy chiêng, hát dân ca cho cán bộ, giáo viên. Sau đó, các giáo viên về tổ chức dạy lại cho học sinh. Qua đó, tuyên truyền cho các em giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Nhiều câu lạc bộ văn hóa và các lễ hội truyền thống cũng được đưa vào sinh hoạt trong trường học, như: Trường PTDT nội trú THCS Tây Trà; Trường Tiểu học và THCS Trà Lâm; Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Trà Thủy… 

 
 
 

(Còn nữa)
Kỳ 3: CÒN ĐÓ NHỮNG NỖI LO

Bài, ảnh: THIÊN HẬU - THANH NHÀN

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 10:02, 30/06/2023