(Báo Quảng Ngãi)- Vượt qua nhiều thách thức, năm 2024, ngành nông nghiệp Quảng Ngãi đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chuyển dịch đúng định hướng; cơ cấu các loại sản phẩm đa dạng và gia tăng chất lượng.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, một trong những thành quả nổi bật của ngành là từng bước chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ sản lượng sang chất lượng và hiệu quả, từ tăng trưởng đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị. Như với sản phẩm OCOP, người dân đã vận dụng và tích hợp những tài nguyên bản địa, để tạo ra những dòng sản phẩm mới. Ngành cũng đã hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất, gắn kết với doanh nghiệp (DN) để xây dựng các chuỗi giá trị “nông sản sạch, lối sống xanh, tiêu dùng bền vững”. Qua đó, giúp nông dân tiếp cận thông tin, ứng dụng khoa học kỹ thuật để thay đổi phương thức sản xuất, chú trọng đến vấn đề “sức khỏe” của đất, hướng đến phát triển bền vững, tạo sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền và Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương tham quan mô hình trồng cây cảnh ở xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa). |
Năm 2024, toàn tỉnh đã xây dựng 237 cánh đồng lớn (gần 4.000ha) và 36 cánh đồng sản xuất (trên 391ha), đạt doanh thu từ 100 - 290 triệu đồng/ha/năm. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết đạt 5% (tăng 2%). Cấp và quản lý mã số vùng trồng đối với 15/16 giấy xác nhận mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa. Áp dụng và nhân rộng các tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... Theo đó, đã có 83ha lúa (sản lượng gần 823 tấn/năm); trên 27ha rau (sản lượng hơn 543 tấn/năm) và hơn 30ha cây ăn quả (sản lượng 808 tấn/năm) được chứng nhận VietGAP.
Nhiều vùng sản xuất tập trung hình thành, góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. |
Chăn nuôi là một trong “điểm sáng” của ngành nông nghiệp qua việc mở rộng quy mô, phát triển theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường. Đến cuối năm 2024, tổng đàn gia súc (trâu, bò) đạt trên 335 nghìn con, tỷ lệ đàn bò lai đạt 79,8%; đàn heo gần 381 nghìn con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 97 nghìn tấn.
Có 98 trang trại chăn nuôi tập trung (từ 100 con trở lên). Các DN, trang trại đã ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, chăn nuôi tuần hoàn, đầu tư dây chuyền thức ăn tự động, xây dựng hệ thống xử lý chất thải để thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi tập trung. Qua đó, góp phần tạo ra sản phẩm lớn, năng suất cao, chất lượng tốt và thân thiện với môi trường.
Sở NN&PTNT xác định, số hóa trong quản lý, sản xuất nông nghiệp là đòn bẩy để ngành bứt phá, cũng là động lực để nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản.
Theo ông Hồ Trọng Phương, để chuyển đổi số, quản lý nhà nước trên môi trường số đạt hiệu quả thì trước hết phải xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL). Có CSDL sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Do đó, Sở NN&PTNT tập trung xây dựng CSDL từng lĩnh vực, gắn với hỗ trợ nông dân, DN, hợp tác xã tiếp cận và ứng dụng công nghệ trong sản xuất, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Thúc đẩy các cơ sở xây dựng, áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (ISO, HACCP...) và quy trình sản xuất tốt (VietGAP, GlobalGAP...), đảm bảo minh bạch, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như yêu cầu về truy xuất nguồn gốc của thị trường.
Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh được người tiêu dùng ưa chuộng trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. |
Đến nay, 100% sản phẩm OCOP của tỉnh đều có mã QR và 153/240 sản phẩm OCOP đã đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Quảng Ngãi (www.quangngaitrade.gov.vn) và các sàn voso.vn, buudien.vn... Đặc biệt, Sở NN&PTNT đã hoàn thành các nội dung của phần mềm CSDL chăn nuôi và thú y và đang được triển khai tại địa chỉ: https://csdlnn.quangngai.gov.vn, vừa giúp cơ quan chuyên môn nâng cao hiệu quả quản lý, vừa giúp người dân và DN cập nhật chính xác, kịp thời các thông tin liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi và thú y. Ngoài ra, Sở NN&PTNT đang triển khai thực hiện 52 thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến (30 thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 22 thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến một phần), đảm bảo tiến độ và chất lượng thực hiện các nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao...
Đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trong ảnh: Kiểm tra và thực hiện các thủ tục xuất nhập bến tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. |
“Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện các giải pháp chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang nông nghiệp kinh tế, phát triển du lịch nông nghiệp, nông nghiệp giải trí gắn với truyền thông sản phẩm. Cùng với tăng cường ứng dụng KH&CN, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa nông dân với DN... ngành nông nghiệp tranh thủ các nguồn lực đầu tư xây dựng CSDL, thúc đẩy kinh tế số trong từng lĩnh vực. Từ đó, đẩy nhanh quá trình thích ứng với xu thế thay đổi, xu hướng xanh hóa trên toàn cầu”, ông Hồ Trọng Phương nhấn mạnh.
Bài, ảnh: MỸ HOA
Trình bày: Q.DUYÊN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: