![]() |
![]() |
Mỗi độ xuân về, đâu đâu cũng vang lên những thanh âm rộn ràng của lễ hội truyền thống. Thông qua các hoạt động lễ hội đầu năm mới, không chỉ để bày tỏ lòng thành kính của người dân với tổ tiên, những người có công với dân, với nước, mà còn góp phần làm tăng thêm tình đoàn kết, cố kết cộng đồng. Tại Quảng Ngãi, đầu xuân mới diễn ra các hoạt động lễ hội của cư dân vùng biển.
![]() |
Lễ hội đua thuyền ở xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: THANH PHƯƠNG |
Vào mùng 5 tết Nguyên đán Ất Tỵ, Lễ hội đua thuyền truyền thống xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) diễn ra sôi nổi. Hàng nghìn người dân, du khách tập trung về bờ sông Trà Khúc đoạn thuộc xã Tịnh Long để xem và cổ vũ cho 4 đội đua thuyền tứ linh. Tiếng hò reo, hòa cùng nhịp trống, nhịp chèo, làm rộn ràng cả khúc sông. Đây là lễ hội được duy trì hàng trăm năm nay. Ông Nguyễn Tử Hiểu (69 tuổi), Trưởng Ban nghi lễ đua thuyền xã Tịnh Long cho biết, khi tổ chức lễ hội đua thuyền, Ban tế tự cùng người dân trong thôn tổ chức làm lễ tế để xin phép thần linh được “hạ thủy”, đưa thuyền ra sông để luyện tập và tham gia cuộc đua.
![]() |
Các thuyền đua ở xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) được trang trí theo hình các con vật trong tứ linh Long, Lân, Quy, Phụng khá đẹp mắt. |
Xã Tịnh Long có 4 thôn: Gia Hòa, Tăng Long, An Lộc và An Đạo, mỗi thôn có một thuyền đua được nhân dân thờ tại miếu thờ của thôn. Thuyền được trang trí theo hình các con vật trong tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng). Thuyền đua được nhân dân gìn giữ và thờ cúng thiêng liêng tại các dinh miếu của thôn. Sau hai ngày tranh tài, đội thuyền An Lộc đã giành chiến thắng. "Chờ đợi 10 năm rồi, đội An Lộc năm nay mới giành cúp vô địch. Chúng tôi đã huy động 60 vận động viên là những thanh niên có sức khỏe tốt và tổ chức tập luyện. Đây là thành tích của tinh thần đoàn kết, đồng lòng", Trưởng thôn An Lộc Nguyễn Văn Lâm phấn khởi nói.
![]() |
Nhiều địa phương ven biển trong tỉnh duy trì tổ chức đua thuyền truyền thống mỗi dịp xuân về, tiêu biểu là lễ hội đua thuyền ở xã Tịnh Long và ở Lý Sơn. Lễ hội đua thuyền ở xã Tịnh Long có nét tương đồng với lễ hội đua thuyền ở huyện Lý Sơn về nghi lễ, trang trí thuyền đua và thể thức đua. Lễ hội đua thuyền ở xã Tịnh Long diễn ra trong 2 ngày và trong không gian sông nước hữu tình, gắn với ngôi chùa Thiên Mã, cầu Cổ Lũy là điều kiện để Quảng Ngãi thu hút du khách, phát triển du lịch cho địa phương. “Lần đầu tiên tôi được xem lễ hội đua thuyền trên sông Trà Khúc. Tiếng hò reo của hàng nghìn khán giả khiến cuộc đua thuyền thêm gay cấn, sôi động. Tôi đã có những trải nghiệm tuyệt vời khi hòa mình vào lễ hội đặc sắc vùng sông nước này”, chị Phạm Thị Huyền, du khách ở tỉnh Gia Lai chia sẻ.
![]() |
Lễ hội đua thuyền ở xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC
|
![]() |
Cùng với lễ hội đua thuyền truyền thống, tại các địa phương ven biển trong tỉnh còn tổ chức Lễ hội cầu ngư (hay còn gọi là lễ hội ra quân nghề cá) vào dịp đầu xuân. Đây là lễ hội lớn trong năm của cư dân vùng biển. Ngư dân Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) đã mở đầu tổ chức lễ cầu ngư vào mùng 3 Tết, tiếp đó là các địa phương ở huyện Bình Sơn, TP.Quảng Ngãi.
![]() |
Ngư dân phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) tổ chức Lễ hội ra quân nghề cá vào ngày mùng 3 tết Nguyên đán. |
![]() |
Tàu cá của ngư dân phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) vươn khơi sau Lễ hội ra quân nghề cá. Ảnh: MINH THU |
So với các địa phương, năm nay xã An Phú (TP.Quảng Ngãi) tổ chức lễ hội cầu ngư muộn hơn vào mùng 10 tháng Giêng. Ông Lê Quang Thanh, chủ bái lễ cầu ngư xã An Phú cho biết, khởi đầu buổi lễ là nghi thức rước thần Nam Hải từ các dinh, miếu trên địa bàn xã về dinh thờ cúng cửa lạch thôn Phổ Trường để thực hiện nghi thức cúng thần. Tiếp đó là lễ tế chính thức. Trong ngày lễ, bàn thờ được sắp xếp trang nghiêm. Ban nghi lễ gồm các bậc cao niên, hiền đức, có uy tín với bạn chài. Vị chánh bái dâng đồ tế lễ và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với công đức của cá Ông và cầu mong mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè đi về an toàn. Rạng sáng ngày hôm sau, dân làng đánh trống làm lễ rước trên biển, đó là lễ cá Ông chứng giám lòng thành của ngư dân ngoài biển. Ngư dân Nguyễn Đình Cảm, ở thôn Phổ Trường, xã An Phú chia sẻ, lễ hội cầu ngư đầu xuân là dịp để ngư dân thể hiện tấm lòng thành kính của mình đối với biển cả, thần Nam Hải... đã che chở cho ngư dân, tàu cá trong những chuyến ra khơi.
Các lễ hội mùa xuân trên cả nước nói chung và tại Quảng Ngãi nói riêng là sản phẩm sáng tạo, mang tính nhân văn sâu sắc của các bậc tiền nhân trong quá trình lao động và kiến thiết quê hương. Đây cũng là hoạt động thể hiện tấm lòng biết ơn đối với những bậc có công với làng, là hồn cốt văn hóa cao đẹp được bảo tồn và trao gửi cho ngàn đời sau.
Bài, ảnh: KIM NGÂN
Thiết kế, trình bày: P.DUNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: