Văn hóa Sa Huỳnh ở vùng núi Quảng Ngãi

09:45, 19/01/2025
.
 

(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ để lại dấu ấn đậm nét ở vùng biển, văn hóa Sa Huỳnh còn hiện diện trong đời sống và tư duy thẩm mỹ của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao Quảng Ngãi.

Không ai có thể ngờ được rằng giữa vùng thung lũng được bao bọc bởi các dãy núi lớn hai bên bờ sông Tang, lại mở ra bên ngoài bằng con đường duy nhất thông thương với vùng đồng bằng, đó là phải đi qua hẻm núi mà hiện nay là công trình đập đầu mối của hồ chứa nước Nước Trong (thuộc địa phận huyện Sơn Hà). Cư dân văn hóa Sa Huỳnh đã cư trú ở đây trong suốt khoảng 1.000 năm (niên đại trên dưới 3.000 năm cách ngày nay, kéo dài đến thế kỷ đầu công nguyên). Cuộc khai quật 4.000m2 trong vùng thung lũng sông Tang ở lòng hồ chứa nước Nước Trong đã phát hiện văn hóa Sa Huỳnh vùng núi vô cùng độc đáo.

Hồ Nước Trong, ở xã  Sơn Bao (Sơn Tây). 
Ảnh: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC
Hồ Nước Trong, ở xã Sơn Bao (Sơn Tây). Ảnh: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC

Cư dân văn hóa Sa Huỳnh thích ứng với hệ sinh thái vùng thung lũng núi với kinh tế khai thác lâm thổ sản, săn bắt thú rừng, hái lượm; dưới sông, suối thì khai thác thủy sản. Đặc biệt với trục đường sông, người Sa Huỳnh cổ chuyển sản vật thu được về xuôi để đổi lấy muối ăn, các vật dụng sinh hoạt, đồ trang sức. Văn hóa Sa Huỳnh vùng núi có vai trò là cầu nối trung chuyển giữa vùng đồng bằng và Tây Nguyên qua các tuyến đường sông, đường rừng.

Phụ nữ Hrê dệt thổ cẩm. 
Ảnh: MINH THỂ
Phụ nữ Hrê dệt thổ cẩm. Ảnh: MINH THỂ

 Vùng miền núi Quảng Ngãi là địa bàn cư trú của các dân tộc Hrê, Cor, Ca Dong, đây cũng là địa bàn phân bố của cư dân văn hóa Sa Huỳnh vùng núi thuở xưa. Dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh hiện diện trong đời sống và tư duy thẩm mỹ của các dân tộc thiểu số. Nhà mồ của người Hrê có 2 sừng thú ở hai đầu, nó được bện bằng tranh rất giống với khuyên tai hai đầu thú của cư dân văn hóa Sa Huỳnh. Ngôi nhà sàn của người Hrê cũng vậy, ở hai nóc đầu hồi có hai thanh tre tréo ngang gọi là sừng nhà. Trong các mộ táng của người Sa Huỳnh có vô số mã não được táng theo người chết, đây là trang sức quý giá của người xưa, hiện vật đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh. Phụ nữ người Hrê rất thích trang sức là vòng chuỗi đeo ở cổ được kết từ các hạt mã não. Đối với đồng bào Hrê, mã não là vật trang sức quý giá nhất trong các đồ trang sức. Theo quan niệm của đồng bào Hrê, mã não là biểu tượng của sự giàu có, no ấm. Mã não được xem như vật thiêng giúp tránh xa tà ma, bệnh tật, là vật để làm đẹp. Đối với dân tộc Cor, trang sức hạt cườm tấm thủy tinh đủ màu là quý giá nhất được kết thành dải đeo ở phần hông của các cô gái. Xưa kia mã não được trao đổi bằng trâu, người có nhiều mã não được xem là giàu có.

Kiến trúc nhà ở của dân tộc Hrê ở thế kỷ XX. Ảnh: TƯ LIỆU
Kiến trúc nhà ở của dân tộc Hrê ở thế kỷ XX. Ảnh: TƯ LIỆU
 
Một thoáng Sơn Ba.  Ảnh: TƯỜNG LINH
Một thoáng Sơn Ba. Ảnh: TRƯỜNG LINH

Hoa văn trên trang phục của người Hrê, hoa văn trên cây nêu của người Cor, Ca Dong in đậm dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh, đó là các hoa văn tam giác, in chấm, răng lược, kỷ hà... Những hoa văn này thường được thể hiện trên đồ gốm văn hóa Sa Huỳnh. Đối với gốm văn hóa Sa Huỳnh, đồ gốm nghi lễ bao giờ cũng có hai màu: Màu đỏ được tô bao phủ toàn thân áo gốm, màu đen tô chì tạo thành băng dải ở miệng, vai gãy, chân đế đồ gốm. Hai màu sắc tô đỏ và tô chì cùng tồn tại song song tạo nên vẻ đẹp duyên dáng trên đồ gốm Sa Huỳnh và cùng làm nổi bật các đồ án hoa văn trên gốm. Từ nghệ thuật trang trí trên gốm Sa Huỳnh ngẫm lại nghệ thuật hoa văn trên thổ cẩm của người Hrê, cho thấy có sự kế thừa. Dấu ấn thẩm mỹ Sa Huỳnh vẫn còn đọng lại ở màu sắc, đồ án hoa văn trang trí thổ cẩm Hrê. Đáng chú ý trên nền vải dệt thổ cẩm Hrê có hai băng dải trang trí chính: Băng dải màu đen và băng dải đồ án hoa văn. Người Hrê quan niệm băng dải màu đen tượng trưng cho màu của nước, đất, màu đỏ là màu của thế giới thần linh; băng hoa văn các đồ án cách điệu cây cỏ, hoa lá, vật nuôi trong cuộc sống con người tượng trưng cho thế giới con người. Băng hoa văn mang tính đa dạng, không lặp lại các hồi văn, tính cách điệu cao, thể hiện tư duy thẩm mỹ sâu sắc của cộng đồng tộc người.

Gò Ma Vương và các hiện vật văn  hóa Sa  Huỳnh. Ảnh: TH.PHƯƠNG
Gò Ma Vương và các hiện vật văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: TH.PHƯƠNG

Dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh còn lưu lại ở các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng miền núi Quảng Ngãi là nét độc đáo cần được nghiên cứu bảo tồn, phát huy du lịch cộng đồng bền vững.

TS. ĐOÀN NGỌC KHÔI

Trình bày: VÕ VĂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:45, 19/01/2025